– “Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa ta vào nơi mù quáng. Bộ đội ta tiêu diệt được giặc dốt, tức là tiêu diệt được một lực lượng hậu thuẫn của thực dân… Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch!”
Năm 1948, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra trên toàn quốc đã bước vào năm thứ hai. Sau những trận chiến đấu ác liệt cuối năm 1946 đầu 1947 tại mặt trận Hà Nội, lực lượng kháng chiến lại phải đương đầu với cuộc tập kích của thực dân Pháp lên Bắc Kạn hòng mở rộng chiến tranh lên chiến khu Việt Bắc nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến…
Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt ấy, Bác Hồ vẫn chỉ đạo và động viên công cuộc kiến quốc, quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, trau dồi văn hoá và tinh thần cho toàn dân.
Ngày 24/2/1948, nhận được thông báo của Bộ Quốc phòng là tất cả các binh sĩ trong các đơn vị bộ đội ở Khu II và Khu III đều biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ, Bác Hồ viết thư khen ngợi: “Đó là một thắng lợi to cho quân đội ta, cho Chính phủ ta và cho dân tộc ta. Dốt nát cũng là một kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực.
Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa ta vào nơi mù quáng. Bộ đội ta tiêu diệt được giặc dốt, tức là tiêu diệt được một lực lượng hậu thuẫn của thực dân… Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch!”.
Cũng trong tháng 2/1948, Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị Tư pháp toàn quốc nhấn mạnh đến phẩm chất của người cán bộ tư pháp. Thư viết: “Các bạn là trí thức… Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân.
Các bạn là viên chức của Chính phủ… Do đó, nhiệm vụ của các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ…
Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp (tức là chăm lo việc công, giữ gìn pháp luật), “chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.
Cũng trong tháng 2/1948, Bác Hồ viết thư cho “các cháu nhi đồng trai và gái… đề nghị các cháu làm một việc: tổ chức những đội Trần Quốc Toản”. Thư viết: “Trần Quốc Toản là ai? Tổ chức như thế nào và để làm gì?
Cách đây chừng 700 năm, quân Mông Cổ đánh chiếm gần nửa châu Âu, chiếm gần hết châu Á và lấy cả nước Trung Hoa. Lúc đó quân Mông Cổ đem 30 vạn lính đến đánh nước ta. Do ông Trần Hưng Đạo cầm đầu, tổ tiên ta trường kỳ kháng chiến trải qua 4, 5 năm đánh tan quân Mông Cổ, nước ta lại được độc lập. Trần Quốc Toản là cháu ông Trần Hưng Đạo, khi đó mới 15, 16 tuổi, cũng đi đánh giặc và lập nhiều chiến công.
Bác không phải mong các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản để đi đánh giặc và lập nhiều chiến công, nhưng mà cốt để tham gia kháng chiến bằng cách giúp đỡ đồng bào. Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành.
Khi học rảnh, mỗi tuần mấy lần cả đội đem nhau đi giúp đồng bào. Trước thì giúp các nhà chiến sĩ, nhà thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ…
Các cháu nên hiểu rằng: giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến. Và do đó, các cháu sẽ luyện tập cái tinh thần siêng năng và bác ái để sau thành người công dân tốt của nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”.
X&N
bee.net.vn