“Dân ta phải biết sử ta”

– Ngày 1/2/1942, trên báo “Việt Nam Độc lập” phát hành tại chiến khu, Bác viết bài “Nên học sử ta”. Bài báo mở đầu bằng 2 câu thơ: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” cũng là câu mở đầu của tập diễn ca “Lịch sử nước ta” được “Việt Minh Tuyên truyền Bộ” xuất bản vào cùng tháng 2/1942.

Bài báo viết: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những truyền thống vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời …

Ngày 1/2/1959, trong dịp thăm Liên Xô, Bác nói chuyện với sinh viên Việt Nam tại hội trường Đại học Lomonoxop

Ngày 1/2/1959, trong dịp thăm Liên Xô, Bác nói chuyện với sinh viên Việt Nam tại hội trường Đại học Lomonoxop.

Đời nào cũng có người anh hùng mưu cao võ giỏi đứng ra đoàn kết nhân dân đuổi giặc cứu nước. Đời Trần, quân Nguyên đánh đâu được đấy, chiếm nước Tàu và nửa châu Âu, thế mà ba lần bị ông Trần Hưng Đạo đánh tan. Bình dân như ông Lê Lợi và ông Nguyễn Huệ đã đánh đuổi quân Tàu làm cho nước ta độc lập.

Người già như ông Lý Thường Kiệt, quá 70 tuổi mà vẫn đánh Đông dẹp Bắc, bao nhiêu lần đuổi giặc cứu dân…. Thiếu niên như Phù Đổng Thiên Vương chưa đến 10 tuổi mà đã ra tay cứu nước, cứu nòi. Trần Quốc Toản mới 15, 16 tuổi đã giúp ông Trần Hưng Đạo đánh phá giặc Nguyên. Phụ nữ thì có Bà Trưng, Bà Triệu ra tay khôi phục giang san.

Những vị anh hùng cứu nước ấy, vì dân mà làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa. Nhờ những vị anh hùng dân tộc ấy mà nước ta được tự do, độc lập, lừng lẫy ở Á Đông.

Sau khi lên án Vua Gia Long “đem nước ta bán cho Tây” và biểu dương những người đánh Tây như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, bài báo kết thúc bằng một lời tổng kết:

“Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do/ Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” và kêu gọi: “Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây – Nhật, khôi phục lại độc lập, tư do”.

27 năm sau, ngày 1/2/1969, khi làm việc với Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp để trao đổi về bài “Tết trồng cây” mà năm nào Bác cũng viết để cổ vũ phong trào, Bác Hồ đã nhắc nhở việc giữ gìn tiếng Việt: “Tiếng nói và chữ viết của dân tộc ta giàu, đẹp, nếu thiếu thật mới đi mượn chữ nước ngoài”.

X&N
bee.net.vn

Advertisement