“Người đời không phải là thánh thần”

– Ngày 28/1/1946, trên báo Cứu Quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên dưới một văn kiện có tựa đề là “Tự phê bình”.

Đó là một văn bản kiểm điểm lại tình hình đất nước kể từ sau cuộc Cách mạng giành chính quyền thành công với 4 tháng phấn đấu không biết mệt mỏi của nhân dân và Chính phủ. Trên từng lĩnh vực chính trị, xây dựng thể chế, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, chăm lo đời sống nhân dân… tuy đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng trong văn kiện này, người đứng đầu chính phủ vẫn “tự phê bình”:

Bác Hồ và Tổng bí thư Trường Chinh tháng 1/1955.Bác Hồ và Tổng bí thư Trường Chinh tháng 1/1955.

“Vì yêu mến và tin cậy tôi mà đồng bào giao vận mệnh nuớc nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bến bờ hạnh phúc của nhân dân. Nhờ sức đoàn kết của toàn dân mà chúng ta tranh được độc lập. Nhưng Chính phủ vừa ra đời thì liền gặp những hoàn cảnh khó khăn…

Trước hoàn cảnh khó khăn đó, đồng bào đã cố gắng, người giúp sức, kẻ giúp tiền. Còn tôi thì lo lắng làm tròn nhiệm vụ của mình sao cho khỏi phụ lòng đồng bào toàn quốc. Chỉ vì tôi tài hèn, đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào… Chính phủ do tôi đứng đầu chưa làm việc gì đáng kể cho nhân dân ”.

Phân tích tình hình đất nước, vị Chủ tịch Chính phủ thẳng thắn đánh giá: “Có thể nói rằng: Những khuyết điểm đó là vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này lẽ khác. Nhưng không, tôi phải nói thật: Những thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi.

Người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ. Vận mệnh nước ta ở trong tay ta. Chúng ta đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, thì chúng ta nhất định thắng lợi”.

Có thể nói đây là một thông điệp rất minh bạch của người đứng đầu Nhà nước quan niệm về một thể chế dân chủ và ứng xử của những người có trách nhiệm đối với nhân dân của mình.

X&N
bee.net.vn