– Sớm 1/1/1946, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến ra mắt tại Nhà Hát Lớn.
Ngày 31/12/1945, ngày cuối cùng của năm diễn ra cuộc Cách mạng, Nhà nước Dân chủ Công hoà mới được 4 tháng đã bước sang năm thứ hai. Sau những ngày sôi động hào khí nổi dậy giành chính quyền, đất nước đang đứng trước nhiều nguy cơ.
Cùng với nạn đói, nhiều lực lượng chính trị từ nước ngoài về đòi chia quyền bính. Và cuối cùng thì tài ba và sự uyển chuyển trong lãnh đạo của cụ Hồ đã dàn xếp dần ổn thoả. Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố “tự giải tán” chỉ để lại công khai “Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác” (25/11/1945). Một Chính phủ Liên hiệp giữa Việt Minh và các đảng phái được hình thành. Cuộc Tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào tháng 11 năm này được chuyển sang tuần đầu năm sau.
Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài hô hào: “Tổng Tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà… Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ đoàn kết… Tôi mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này”.
Ngày hôm đó báo chí cùng đăng bài Bác viết về “Thế giới đối với Việt Nam” để kết luận: “Chúng ta cứ bền gan, vững chí xây đắp thực lực để kiên quyết chiến đấu, sức chiến đấu ấy sẽ làm cho hoàn cầu thừa nhận nền độc lập hoàn toàn của chúng ta”.
Cũng trong ngày cùng tháng tận của năm 1945 này, Bác ký hai sắc lệnh: thành lập Uỷ ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết và cử cụ Bùi Bằng Đoàn, thượng thư Bộ Hình của chế độ cũ và nhà thơ Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt chuyên xử lý quan chức làm sai pháp luât.
Sớm 1/1/1946, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến ra mắt tại Nhà Hát Lớn. Ở trong hội trường trên sân khấu cụ Hồ ngồi cạnh Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ (cựu hoàng Bảo Đại) một bên chiếc đỉnh đặt dưới lá Cờ Đỏ Sao Vàng, bên kia là cụ Nguyễn Hải Thần, thủ lĩnh của các đảng phái đối lập ngồi bên cụ Nguyễn Văn Tố, một nhân sĩ không đảng phái cho thấy một tinh thần đoàn kết vì Dân tộc (ảnh 1).
Ở ngoài quảng trường, đông đảo dân chúng Hà Nội đến để đón chờ lời chúc mừng năm mới của Cụ Chủ tịch nước thay mặt Chính phủ đoàn kết liên hiệp (ảnh 2)
Mấy ngày hôm sau (5/1/1946) dân chúng còn chứng kiến hai cụ Chủ tịch và Phó Chủ tich nước đứng bên nhau trước ban thờ Chùa Bà Đá (ảnh 3) và cùng nhau thụ lộc đầu xuân (ảnh 4). Cụ Hồ trịnh trọng nói: “Nói hy sinh phấn đấu thì dễ, nhưng làm thì khó. Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”.
Nhớ lại 4 năm về trước, ngày 1/1/1942, khi còn hoạt động trên Chiến khu Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc đã làm bài thơ “Chúc mừng năm mới” đăng trên tờ báo “Việt Nam Độc lập” với lời “Chúc đồng bào ta đoàn kết mau! Chúc Việt Minh ta càng tấn tới”… Nhưng lại phải đến 8 năm sau ngày 1/1/1955, Bác cùng các nhà lãnh đạo đất nước đứng trên lễ đài dựng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử để dự lễ chào mừng của nhân dân Hà Nội chào mừng Thủ đô đã được giải phóng (ảnh 5).
Và 5 năm sau đó, ngày 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ban hành Bản Hiến pháp vừa đựoc Quốc hội kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá I thông qua chiều ngày 31/12/1959.
Đây là bản Hiến pháp thứ 2 được soạn thảo nhưng lại là bản Hiến pháp đầu tiên được ban hành (ảnh 6).
Dương Trung Quốc
bee.net.vn