Báo cáo tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) (15-7-1954) (20)

Hội nghị Trung ương lần thứ sáu mở rộng cho một số cán bộ cao cấp bàn về tình hình và nhiệm vụ mới.

Tôi thay mặt Trung ương thân ái hỏi thǎm chiến sĩ và cán bộ ở các mặt trận, khuyến khích đồng bào vùng tự do và vùng mới giải phóng, an ủi đồng bào vùng chưa giải phóng.

Tôi thay mặt Trung ương cảm ơn các đảng anh em và nhân dân các nước bạn đã giúp đỡ ta kháng chiến và tranh thủ hoà bình, cảm ơn nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới đã ủng hộ ta.

Bây giờ tôi báo cáo trước Hội nghị về tình hình mới và nhiệm vụ mới.

I – TÌNH HÌNH MỚI

1. Tình hình thế giới

Vì Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân phát triển, củng cố và tiến bộ về mọi mặt, phong trào hoà bình dân chủ thế giới ngày càng lớn mạnh. Vì ngoại giao của Liên Xô đúng đắn và khôn khéo nên đã buộc các đế quốc, trước hết là đế quốc Mỹ phải họp Hội nghị Béclin 21 và Hội nghị Giơnevơ. Chỉ việc họp hai hội nghị này đã là một thắng lợi của phe ta và thất bại của phe đế quốc.

Nội bộ của phe đế quốc do Mỹ cầm đầu mâu thuẫn ngày càng sâu sắc và mở rộng, thí dụ:

Mâu thuẫn Anh – Mỹ: Giành nhau quyền lợi ở Địa Trung Hải, Trung Đông và Cận Đông. Mỹ kéo Pakixtan, Tân Tây Lan và úc là ba nước trước đây thuộc phe Anh. ở Viễn Đông thì chính sách của Anh, Mỹ đối với Trung Quốc và Nhật Bản mâu thuẫn với nhau, v.v..

Mâu thuẫn Mỹ – Pháp: Ngoài mặt thì Mỹ giúp Pháp, nhưng giúp đỡ để bắt chẹt Pháp. Mỹ cố ép Pháp ký Hiệp ước Đức – Pháp và Hiệp ước quân đội châu Âu. Nếu Pháp ký những hiệp ước đó thì khác nào Pháp tự thắt cổ. ở Đông Dương, đối với kháng chiến của ta thì Mỹ và Pháp hình như là thống nhất, nhưng sự thật thì Mỹ muốn nắm bù nhìn để hất Pháp; Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm là tay sai đắc lực của Mỹ lên nắm chính phủ bù nhìn.

Chính sách của Mỹ về “Hiệp ước quân đội châu Âu” làm cho các nước Tây Âu và nội bộ các nước đó chia rẽ. Nhân dân các nước ấy thì chống các chính phủ thân Mỹ, giữa bọn tư bản thân Mỹ và không thân Mỹ cũng mâu thuẫn lẫn nhau. Đối với châu á thì Mỹ muốn lập “khối phòng thủ Đông – Nam á” hòng dùng người châu á đánh người châu á. Chính sách của Mỹ rất phản động nhưng Mỹ gặp nhiều thất bại. Đế quốc Mỹ dùng “chính sách bạo lực”, dùng bom nguyên tử và bom khinh khí để doạ các nước. Nhưng phong trào hoà bình thế giới chống chính sách vũ lực của Mỹ, chống bom nguyên tử và bom khinh khí ngày càng mạnh; thậm chí Giáo hoàng cũng phải chống chính sách bom nguyên tử và bom khinh khí. Thế là phong trào hoà bình đã kéo được đại đa số nhân dân các nước, kéo được số đông người trong giai cấp tư sản các nước và kéo được cả Giáo hoàng.

Trước Hội nghị Giơnevơ và trước thắng lợi của ta ở Điện Biên Phủ, Mỹ định ra “tuyên bố chung” giữa Mỹ, Pháp, Anh và một số nước khác đe doạ Trung Quốc, đổ cho Trung Quốc can thiệp vào chiến tranh Đông Dương. Nhưng Mỹ thất bại trong âm mưu đó vì Anh phản đối và các nước khác cũng không theo Mỹ; Mỹ lại chủ trương “liên hiệp hành động” để cứu Pháp ở Điện Biên Phủ, nhưng Anh không chịu và các nước khác cũng không chịu, Mỹ lại thất bại. Mỹ tìm hết cách để phá Hội nghị Giơnevơ tức là phá hoà bình. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ họp mấy ngày rồi chuồn. Nhưng các đại biểu khác cứ tiếp tục họp như thường và đã đưa Hội nghị Giơnevơ đến một số kết quả.

Tuy thất bại, nhưng Mỹ vẫn chưa chịu, vẫn ngoan cố. Mỹ đang đẩy tới việc lập “khối phòng thủ Đông – Nam á”. Thất bại của đế quốc Mỹ tức là thắng lợi của phe ta. Mỹ là kẻ thù chính của hoà bình thế giới, ta phải tập trung lực lượng chống đế quốc Mỹ.

2. Tình hình trong nước

Nhân dân ba nước Việt – Miên – Lào đoàn kết, cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước ngày càng phát triển. Lực lượng du kích của ta ở Nam, Trung, Bắc chẳng những đứng vững mà ngày càng phát triển mạnh. Quân đội chủ lực của ta thì tiếp tục thắng lợi từ Chiến dịch Biên giới đến Chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc, v.v.. Những thắng lợi trước cộng với thắng lợi to lớn ở Điện Biên Phủ làm cho tình hình biến đổi một cách quan trọng. Ta phá tan kế hoạch Nava làm cho Chính phủ Lanien – Biđôn đổ, quân đội Pháp phải thu hẹp phạm vi chiếm đóng.

Ta thắng lợi vì chính sách của Đảng, của Chính phủ đúng, vì bộ đội và nhân dân ta anh dũng, vì ta có nhân dân các nước bạn và nhân dân thế giới ủng hộ. Thắng lợi của ta cũng là thắng lợi chung của phong trào hoà bình dân chủ thế giới.

Bên cạnh thắng lợi quân sự, ta cũng thu được những thắng lợi bước đầu ở mặt trận chống phong kiến. Thắng lợi quân sự có ảnh hưởng đến cuộc phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất. Thắng lợi của mặt trận chống phong kiến lại ảnh hưởng đến mặt trận chống đế quốc. Những thắng lợi của ta làm cho nhân dân ta và nhân dân thế giới phấn khởi, làm cho địa vị ngoại giao của ta ở Giơnevơ vững chắc, những thắng lợi của ta buộc địch phải nói chuyện với ta. So với những điều mà Bôlae đưa ra hồi 1947, thì thái độ của Pháp ngày nay thay đổi khá lớn. Thế là từ ngày kháng chiến đến nay, thế ta ngày càng mạnh, thế địch ngày càng yếu. Nhưng chúng ta cần hết sức chú ý: Thế mạnh và yếu ấy là tương đối, không phải tuyệt đối. Ta chớ chủ quan khinh địch. Thắng lợi của ta làm cho đế quốc Mỹ tỉnh dậy.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, âm mưu và kế hoạch can thiệp của Mỹ cũng thay đổi để kéo dài chiến tranh Đông Dương, quốc tế hoá chiến tranh Đông Dương, phá hoại Hội nghị Giơnevơ, tìm hết cách hất cẳng Pháp để chiếm ba nước Việt, Miên, Lào, biến nhân dân Việt, Miên, Lào thành nô lệ của Mỹ và gây thêm tình hình cǎng thẳng trên thế giới.

Thế là: Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào.

Vì tình hình thế giới và trong nước có biến đổi như trên cho nên mới có Hội nghị Giơnevơ. Qua Hội nghị Giơnevơ, mâu thuẫn của các đế quốc càng rõ rệt; Pháp thì muốn nói chuyện, Anh thì nhập nhằng, Mỹ thì phá hoại. Đến nay Mỹ càng bị cô lập.

Việt – Trung – Xô thì rất đoàn kết. Vì mâu thuẫn giữa đế quốc và vì cố gắng của ta và phe ta, chúng ta đã tranh được một vài hiệp định khá quan trọng. Hiện nay Chính phủ Pháp do phe chủ hoà nắm, việc chấm dứt chiến tranh Đông Dương có nhiều khả nǎng hơn.

Trong khi Hội nghị Giơnevơ tạm nghỉ, các trưởng đoàn đại biểu về nước, công việc giao lại cho các phó trưởng đoàn. Nhân lúc ấy, Thủ tướng nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa là đồng chí Chu Ân Lai từ Giơnevơ sang thǎm ấn Độ và Diến Điện. Đồng chí Chu đã cùng Thủ tướng ấn Độ và Thủ tướng Diến Điện ra lời tuyên bố hoà bình. Nǎm nguyên tắc trong lời tuyên bố đó tuy vắn tắt nhưng rất rõ ràng đúng đắn, được nhân dân thế giới nhất là nhân dân châu á hoan nghênh, đồng thời đánh tan được âm mưu của Mỹ phá hoại sự đoàn kết của nhân dân châu á. Nǎm nguyên tắc ấy là:

1) Tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau;

2) Không xâm phạm nhau;

3) Không can thiệp nội chính của nhau;

4) Đối đãi nhau bình đẳng thân thiện;

5) Ǎn ở hoà bình với nhau.

Cuộc gặp gỡ của đồng chí Chu với tôi cũng mang lại những kết quả tốt 1 . Những cuộc gặp gỡ thân mật giữa đồng chí Chu Ân Lai và các đại biểu ba nước ấn, Diến, Việt đã làm cho tình đoàn kết của nhân dân châu á thêm chặt chẽ. Đó là một thắng lợi của phe ta.

Tình hình thế giới, tình hình châu á và tình hình trong nước hiện nay làm cho nước ta có thể đi đến hoà bình. Nhưng đế quốc Mỹ cố phá hoại, ở Pháp vẫn còn phe hiếu chiến, bọn bù nhìn thân Mỹ cũng cố phá hoại cho nên khả nǎng tiếp tục chiến tranh vẫn còn. Đó là đặc điểm của tình hình mới ở nước ta.

II- NHIỆM VỤ MỚI

Tình hình mới đã đặt ra những nhiệm vụ mới, phương châm mới, sách lược mới. Trong tám, chín nǎm kháng chiến, Đảng và Chính phủ ta lãnh đạo nhân dân và quân đội khắc phục khó khǎn, chiến đấu anh dũng, đã thu được những thắng lợi vẻ vang. Lực lượng của ta đều tiến bộ về mọi mặt. Nhờ chính sách của Đảng và Chính phủ đúng, cho nên đã thu được kết quả tốt. Hiện nay, tình hình đã đổi mới, nhiệm vụ của ta do đó cũng có thay đổi, chính sách và khẩu hiệu cũng phải thay đổi, cho hợp với tình hình mới. Cho đến bây giờ ta tập trung lực lượng để tiêu diệt lực lượng đế quốc xâm lược Pháp. Bây giờ Pháp thì đang nói chuyện với ta, đế quốc Mỹ thì đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp, mũi nhọn của ta phải chĩa vào đế quốc Mỹ. Từ nay đến khi thực hiện hoà bình, ta vẫn tiếp tục đánh Pháp. Nhưng mũi nhọn của ta cũng như mũi nhọn của thế giới đều chĩa vào Mỹ. Chính sách của Mỹ là mở rộng và quốc tế hoá chiến tranh Đông Dương. Chính sách của ta là tranh thủ hoà bình để chống lại chính sách chiến tranh của Mỹ. Tám, chín nǎm nay cương lĩnh của Đảng nêu rõ: Việt – Miên – Lào hoàn toàn độc lập, thoát ly Pháp, không thừa nhận Liên hiệp Pháp, đuổi hẳn bộ đội Pháp ra khỏi Đông Dương, tiêu diệt nguỵ quyền và nguỵ quân, tịch thu tài sản của đế quốc và Việt gian, gây phong trào giảm tô giảm tức để đi đến cải cách ruộng đất, thực hiện dân chủ ở toàn quốc, kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Cương lĩnh ấy đã thu được nhiều thắng lợi. Cương lĩnh đó là đúng.

Nhưng trước tình hình mới hiện nay, ta không thể giữ cương lĩnh cũ. Trước kia khẩu hiệu của ta là: “Kháng chiến đến cùng”. Nay vì tình hình mới, ta cần nêu khẩu hiệu mới là “hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”. Để chống đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp, kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương, ta phải nắm vững lá cờ hoà bình, chính sách của ta có thay đổi: trước ta tịch thu tài sản của đế quốc Pháp, nay đã đàm phán thì có thể theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, mà giữ lợi ích kinh tế và vǎn hoá của Pháp ở Đông Dương. Dùng lối nói chuyện thì phải nhân nhượng nhau đúng mức. Trước nói: đánh đuổi và tiêu diệt hết quân Pháp; nay đã nói chuyện, ta đã đòi và Pháp đã bằng lòng định kỳ rút quân. Trước kia ta không đếm xỉa đến Liên hiệp Pháp, nay ta nhận bàn việc tham gia Liên hiệp Pháp một cách bình đẳng và tự nguyện. Trước kia ta chủ trương tiêu diệt nguỵ quân, nguỵ quyền để thống nhất, bây giờ ta dùng chính sách khoan đãi, dùng cách toàn quốc tuyển cử để đi đến thực hiện thống nhất toàn quốc.

Muốn hoà bình thì phải chấm dứt chiến tranh, muốn chấm dứt chiến tranh thì phải ngừng bắn. Muốn ngừng bắn thì phải điều chỉnh khu vực, nghĩa là quân đội địch phải tạm tập trung vào một vùng để rút dần, quân đội ta cũng tập trung vào một vùng. Ta phải có vùng rộng lớn, đủ những phương tiện để xây dựng, để củng cố và phát triển lực lượng của ta để ảnh hưởng đến các vùng khác, do đó để đi đến thống nhất. Điều chỉnh khu vực không phải là chia cắt, đó là việc tạm thời để đi tới thống nhất. Khi điều chỉnh và trao đổi khu vực, vùng xưa nay tự do mà nay địch sẽ đến tạm đóng thì đồng bào vùng ấy thắc mắc, có người sẽ bi quan thất vọng, dễ bị địch lợi dụng. Ta phải nói cho đồng bào biết rõ: vì lợi ích toàn quốc, lợi ích lâu dài mà tạm thời phải chịu đựng, đó là một điều vẻ vang, toàn quốc đều biết ơn. Ta phải làm cho mọi người không bi quan tiêu cực, mà tiếp tục hǎng hái đấu tranh đòi Pháp rút quân để đi đến độc lập.

Dùng điều chỉnh khu vực đóng quân để đi đến hoà bình, dùng cách toàn quốc tuyển cử để đi đến thống nhất, đó là chủ trương của ta. Ta kháng chiến để độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình. Ngay thực hiện hoà bình cũng là để tranh thống nhất, độc lập, dân chủ. Tình hình mới, phải có chủ trương mới để tranh lấy thắng lợi mới.

Bất kỳ hoà bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước.

Tranh lấy hoà bình không phải là một việc dễ, nó là cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ, phức tạp, nó có những điều kiện có lợi, cũng có những khó khǎn. Những điều kiện lợi cho ta là: các nước bạn ủng hộ ta, nhân dân thế giới cũng ủng hộ ta, nhân dân ta hǎng hái và tin tưởng vào Đảng và Chính phủ ta. Đảng và Chính phủ ta lãnh đạo khéo thì nhân dân ta nhất định đoàn kết đấu tranh trong hoà bình cũng như trong kháng chiến. Những điều khó khǎn là: Mỹ ra sức phá hoại việc lập lại hoà bình ở Đông Dương, phe chủ hoà Pháp thì vẫn chưa dứt khỏi ảnh hưởng của Mỹ.

Tính chất của tình hình mới không những khó khǎn mà còn phức tạp, thí dụ: ta phải có chính sách khác nhau đối với vùng giải phóng mới và vùng tự do cũ, chính sách khác nhau đối với vùng tự do của ta và vùng địch tạm đóng quân; trước đây ta chỉ công tác ở nông thôn, bây giờ phải có chính sách thành thị. Chính sách đối với Pháp trước đây và bây giờ cũng khác nhau; đối với bọn Việt gian thân Mỹ và thân Pháp chính sách cũng khác nhau. Trước ta chỉ lo nội chính và ngoại giao với các nước bạn, bây giờ phải ngoại giao với các nước khác, v.v..

Ta phải phân biệt lợi ích trước mắt và lợi ích tương lai, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn bộ. Tình hình đang ở lúc chuyển biến lớn, lại nhiều khó khǎn và phức tạp, cho nên tư tưởng của nhân dân và cán bộ cũng có chuyển biến. Nếu ta không chuẩn bị sẵn sàng, không kịp thời lãnh đạo, thì tư tưởng sẽ hỗn loạn, hành động sẽ hỗn loạn.

Những tư tưởng sai lầm có thể nảy ra như sau: “tả” khuynh, có người thấy thắng luôn, muốn đánh bừa, đánh đến cùng, họ chỉ thấy cây không thấy rừng, chỉ thấy Pháp rút mà không thấy âm mưu của chúng; chỉ thấy Pháp không thấy Mỹ; thiên về tác chiến, xem khinh ngoại giao. Họ không biết rằng ở chiến trường ta cũng đấu tranh, ở hội nghị quốc tế ta cũng đấu tranh để đi đến mục đích chung. Đối với những khẩu hiệu mới họ sẽ chống lại, cho là hữu, cho là nhượng bộ quá. Họ đề ra những điều kiện quá cao, địch không thể nhận được. Việc gì họ cũng muốn mau, không biết đấu tranh cho hoà bình là gian khổ và phức tạp. “Tả” khuynh thì sẽ bị cô lập, sẽ xa rời nhân dân ta và nhân dân thế giới, và sẽ thất bại. Hữu khuynh thì bi quan tiêu cực, nhân nhượng vô nguyên tắc. Không tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, làm nhụt tinh thần phấn đấu của nhân dân. Quên tác phong gian khổ; chỉ mong muốn một đời sống yên ổn dễ dàng.

Khuynh hướng “tả” cũng như hữu đều là sai lầm, đều sẽ bị địch lợi dụng, đều có hại cho ta mà lợi cho địch.

Nhiệm vụ và công tác.

Tình hình mới định ra ba nhiệm vụ mới là:

1- Tranh thủ và củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc.

2- Tǎng cường lực lượng quân đội nhân dân, xây dựng một quân đội nhân dân mạnh mẽ và thích hợp với yêu cầu của tình thế mới.

3- Tiếp tục thực hiện người cày có ruộng; ra sức phục hồi sản xuất, chuẩn bị điều kiện kiến thiết nước nhà.

Ba nhiệm vụ đó định ra 10 công tác:

1. Thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân về tình hình và nhiệm vụ mới.

2. Tǎng cường lãnh đạo đấu tranh ngoại giao.

3. Ra sức tǎng cường lực lượng của quân đội nhân dân.

4. Tiếp thu vùng mới giải phóng, đặc biệt là tiếp thu và quản lý các thành thị.

5. Chuyển hướng công tác trong vùng địch tạm đóng quân.

6. Tiếp tục củng cố vùng tự do cũ.

7. Đẩy mạnh phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất.

8. Tǎng cường công tác kinh tế tài chính và chuẩn bị điều kiện để kiến quốc.

9. Giúp đỡ Pathét Lào và Khơme.

10. Tiếp tục chỉnh Đảng và cải tạo Đảng trong vùng mới giải phóng.

Toàn bộ 10 công tác này do Trung ương lãnh đạo. Mỗi địa phương và mỗi ngành thì có những công tác nhất định, chứ không phải ở đâu cũng có 10 công tác.

Trong 10 công tác trên thì công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khǎn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi.

Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới, và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ. Bất kỳ người nào, nước nào không thân Mỹ đều có thể làm mặt trận thống nhất (dù là tạm thời) với ta. Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt. Các công tác phải phối hợp và liên hệ với nhau, bộ phận phối hợp với toàn cục, v.v.. Mỗi công tác phải hợp với từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh.

Với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và của Chính phủ, với sự đoàn kết và cố gắng của toàn thể cán bộ và nhân dân, với sự đồng tình của nhân dân các nước bạn và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, chúng ta nhất định thắng lợi trong ba nhiệm vụ và 10 công tác nói trên.

Báo cáo ngày 15-7-1954.
Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
cpv.org.vn

——————————–

(20) Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp từ ngày 13 đến ngày 18-7-1954. Hội nghị đã nghe và thảo luận hai báo cáo chính về Tình hình mới và nhiệm vụ mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Để hoàn thành nhiệm vụ và đẩy mạnh công tác trước mắt của đồng chí Trường Chinh.

Trên cơ sở đánh giá sự lớn mạnh của ta trong cuộc kháng chiến, thái độ của Chính phủ Pháp và đặc biệt là âm mưu can thiệp và xâm lược Đông Dương của đế quốc Mỹ, Hội nghị đi tới khẳng định: đế quốc Mỹ đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của cách mạng Đông Dương. Hội nghị chỉ rõ những nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lúc này là tǎng cường lực lượng quân sự, xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; tiếp tục thực hiện chính sách ruộng đất; phục hồi và phát triển sản xuất, chuẩn bị điều kiện xây dựng đất nước. Để thực hiện những nhiệm vụ đó, Hội nghị đã đề ra 10 công tác trước mắt. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu có ý nghĩa rất quan trọng, nó đã xác định kẻ thù chính của nhân dân ta và vạch ra những nhiệm vụ của nhân dân ta trong giai đoạn cách mạng mới. Tr. 311.