Tình cảnh nông dân An Nam (4-1-1924)

Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp. Người nông dân An Nam nói riêng, lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản. Chính họ là những người phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch. Chính họ làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người lười biếng, lũ người đi khai hoá và những bọn khác hưởng mà chính họ thì lại phải sống cùng khổ trong khi những tên đao phủ của họ sống rất thừa thãi; hễ mất mùa thì họ chết đói. Đó là vì họ bị ăn cắp khắp mọi phía, bằng mọi cách, do các quan cai trị, do bọn phong kiến tân thời và Nhà thờ. Xưa kia, dưới chế độ An Nam, ruộng đất chia thành nhiều hạng tuỳ theo tốt xấu. Thuế đánh theo sự phân hạng ấy. Dưới chế độ thuộc địa hiện nay, tất cả những cái đó đều thay đổi. Khi cần kiếm tiền các quan cai trị người Pháp chỉ việc bắt thay đổi hạng ruộng. Chỉ một nét bút thần kỳ là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt. Thế là người dân cày An Nam buộc phải nộp thuế cho đám ruộng của mình nhiều hơn số họ thu hoạch được.

Như thế vẫn chưa hết. Người ta còn tăng diện tích ruộng đất một cách giả tạo bằng cách rút ngắn đơn vị đo đạc. Bằng cách đó, thuế lập tức tăng lên, nơi thì một phần ba, nơi thì hai phần ba. Điều đó chưa đủ để thoả mãn lòng tham không đáy của Nhà nước bảo hộ cứ mỗi năm lại tăng mãi thuế lên. Thí dụ, từ năm 1890 đến năm 1896, thuế đã tăng gấp đôi. Từ năm 1896 đến năm 1898 lại tăng lên một nửa và cứ như thế mà tăng lên mãi. Người An Nam cứ chịu róc thịt mãi như vậy và các quan lớn bảo hộ nhà ta thì quen ăn bén mùi cứ tiếp tục giở trò xoay xở mãi.

Có khi, tệ độc đoán đi đôi với tệ cướp đoạt. Thí dụ năm 1895, viên công sứ một tỉnh ở Bắc Kỳ đã tước mất của một làng nọ hàng bao nhiêu hécta ruộng đất để đem cấp cho một làng khác, là một làng theo đạo Kitô. Những người mất ruộng khiếu nại thì người ta bắt bỏ tù. Các bạn đừng tưởng chế độ cai trị vô liêm sỉ ấy chỉ có như thế thôi. Người ta còn bắt những kẻ xấu số bị mất ruộng phải nộp thuế cho mãi đến năm 1910, mặc dù ruộng đất của họ đã bị tước đoạt từ năm 1895!

Hết các quan cai trị ăn cắp, đến bọn chủ đồn điền ăn cắp. Người ta cấp cho người Âu những đồn điền nhiều khi vượt quá 20.000 hécta; mà những người Âu này thì ngoài cái bụng phệ và cái màu da trắng ra, không có mảy may kiến thức gì về nông nghiệp và kỹ thuật.

Những đồn điền ấy phần nhiều được lập ra bằng lối ăn cắp hợp pháp hoá. Trong thời kỳ xâm lược, người dân cày An Nam, cũng như người Andátxơ năm 1870, đã bỏ ruộng đất của mình lánh sang những vùng còn tự do. Khi họ trở về thì ruộng đất của họ đã “thành đồn điền” mất rồi. Hàng bao nhiêu làng đã bị tước đoạt đi như thế, và người bản xứ lâm vào cảnh phải lao động cho bọn chúa phong kiến tân thời, bọn này chiếm đoạt có khi đến 90% thu hoạch.

Lấy cớ khuyến khích việc khai khẩn thuộc địa, người ta miễn thuế điền thổ cho rất nhiều chủ đồn điền lớn.

Đã được không ruộng đất rồi, bọn chủ đồn điền lại còn được không, hoặc gần như được không cả nhân công nữa. Bọn quan cai trị cung cấp cho họ một số tù khổ sai làm không công, hay dùng uy quyền của chúng để mộ cho bọn chủ đồn điền những nhân công làm việc với một đồng lương chết đói. Nếu những người An Nam đến không đủ số hoặc họ không bằng lòng thì người ta liền dùng đến vũ lực; bọn chủ đồn điền liền bắt bọn hương lý, nện vào cổ họ, hành hạ cho đến khi những kẻ khốn khổ này chịu ký giấy cam đoan nộp đủ số nhân công cần thiết mới thôi.

Bên cạnh cái thế lực phần đời ấy còn có những đấng cứu thế phần hồn nữa, các đấng này trong khi truyền bá đức nghèo cho người An Nam, cũng không quên tìm cách làm giàu bằng mồ hôi và máu của người bản xứ. ở Nam Kỳ, chỉ riêng Hội Thánh truyền giáo cũng đã chiếm 1/5 ruộng đất trong vùng. Mặc dầu trong kinh Thánh không có dạy, song thủ đoạn chiếm đoạt những đất đai này cũng thật rất giản đơn: đó là thủ đoạn cho vay nặng lãi và hối lộ. Hội Thánh lợi dụng lúc mất mùa để cho nông dân vay tiền và buộc họ phải cầm cố ruộng đất. Vì lợi suất tính theo lối cắt cổ, nên người An Nam không thể trả nợ đúng hạn; thế là tất cả ruộng đất cầm cố bị rơi vào tay Hội truyền giáo.

Các quan cai trị cả lớn lẫn bé, được nước mẹ giao vận mệnh xứ Đông Dương cho, nói chung đều là những bọn ngu xuẩn và đểu cáng. Hội Thánh chỉ cần nắm được trong tay một vài giấy tờ bí mật, thuộc đời riêng, có tính chất nguy hại đến thanh danh, địa vị của các quan, là có thể làm các quan hoảng sợ và phải chiều theo ý họ muốn. Chính vì thế mà một viên toàn quyền đã nhường cho Nhà chung 7.000 hécta ruộng đất sa bồi của những người bản xứ, ấy thế là những người bản xứ này trở thành những người đi ăn xin.

Phác qua như thế, chúng ta thấy rằng dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa, kể cả chế độ thuế muối; rằng người nông dân An Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm.

NGUYỄN ÁI QUỐC

Báo La Vie Ouvrière, ngày 4-1-1924.
cpv.org.vn