Lời phát biểu trong buổi khai mạc Kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá I (18) (16-4-1958)

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các vị đại biểu,

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, tôi xin thân ái chào mừng Quốc hội, các vị đại biểu và chúc khoá họp Quốc hội lần thứ tám thành công tốt đẹp.

Quốc hội họp kỳ này trong lúc tình hình thế giới cũng như trong nước có những biến chuyển quan trọng.

– Trên thế giới thì lực lượng của phe hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa đã mạnh hơn hẳn lực lượng phe đế quốc gây chiến. Việc Liên Xô thành công trong việc chế tạo tên lửa xuyên qua các lục địa và phóng vệ tinh nhân tạo càng củng cố ưu thế của phe ta. Hai cuộc Hội nghị của các đảng cộng sản và công nhân thế giới họp vào tháng 11 nǎm 1957 ở Mátxcơva càng chứng tỏ sự đoàn kết nhất trí và sự hùng mạnh của phe xã hội chủ nghĩa và của phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Bản Tuyên bố chung của 12 đảng cộng sản và đảng công nhân các nước xã hội chủ nghĩa và bản Tuyên ngôn hoà bình của Hội nghị 64 đảng cộng sản và công nhân thế giới là những vǎn kiện lịch sử soi sáng đường lối đấu tranh của phong trào hoà bình dân chủ, độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa thế giới. Tôi chắc rằng Quốc hội ta nhiệt liệt hoan nghênh hai vǎn kiện vĩ đại ấy và nhân dân ta càng nâng cao tình đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em do Liên Xô lãnh đạo.

Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở châu á, châu Phi và châu Mỹ latinh cũng đang phát triển mạnh. Hội nghị nhân dân á – Phi họp ở Thủ đô Ai Cập vừa rồi đã củng cố sự đoàn kết và tǎng cường lực lượng của các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giữ gìn hoà bình và độc lập dân tộc.

Ở Việt Nam ta cũng như ở khắp nơi trên thế giới, đang sôi nổi phong trào tỏ tình ủng hộ cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Angiêri anh em và lên án đế quốc can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Inđônêxia.

Hiện nay trên thế giới đang sôi nổi phong trào đấu tranh để củng cố hoà bình, đòi đình chỉ thử vũ khí nguyên tử và khinh khí, đòi họp hội nghị những người đứng đầu các nước. Vừa rồi Xôviết tối cao Liên Xô đã quyết định Liên Xô tự mình chủ động ngừng thử vũ khí nguyên tử và khinh khí và yêu cầu Anh, Mỹ cũng sẽ theo gương Liên Xô mà chấm dứt việc thử vũ khí nguyên tử và khinh khí. Đó là một quyết định có ý nghĩa lịch sử to lớn, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ hoà bình thế giới.

Tôi tin chắc rằng Quốc hội ta, nhân dân ta sẽ cùng với nhân dân thế giới nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến đó của Liên Xô. Chúng ta thành thực biết ơn Liên Xô vĩ đại vì sự sống còn chung của loài người, đã đề ra sáng kiến đó. Chúng ta yêu cầu các Chính phủ Mỹ, Anh cùng noi theo gương Liên Xô mà đình chỉ việc thử vũ khí nguyên tử và khinh khí. Chúng ta yêu cầu các nước mau thoả thuận họp hội nghị những người đứng đầu các nước để đi tới cải thiện tình hình thế giới, thiết thực bảo vệ hoà bình.

– Trong nước ta, sau ba nǎm hoà bình, chúng ta đã hoàn thành thắng lợi công cuộc khôi phục kinh tế ở miền Bắc. Công tác cải cách ruộng đất, kể cả sửa sai, đã cǎn bản kết thúc tốt. Các cơ sở sản xuất cũ đã được khôi phục, nhiều nhà máy mới được xây dựng lên, mức sản xuất của nhiều ngành đã đạt mức trước chiến tranh. Lương thực đã vượt xa mức đó. Hoạt động kinh tế trong nước đã trở lại bình thường, hoạt động vǎn hoá cũng đã bước đầu được phát triển, đời sống nhân dân cũng đã được cải thiện bước đầu.

Mặc dù kinh tế nước ta lạc hậu, lại bị chiến tranh kéo dài tàn phá nặng nề, mặc dù công tác xây dựng kinh tế, phát triển vǎn hoá đối với chúng ta còn mới mẻ, gặp nhiều khó khǎn và không tránh khỏi những khuyết điểm, nhưng việc hoàn thành khôi phục kinh tế là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta. Nó chứng tỏ đường lối của Đảng và Chính phủ được Quốc hội thông qua là đúng, chứng tỏ sự cố gắng của nhân dân, bộ đội và cán bộ ta trong mọi ngành và mọi công tác.

Về công việc đấu tranh giành thống nhất nước nhà, trong ba nǎm qua, Chính phủ và nhân dân ta đã không ngừng cố gắng. Phong trào đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam được giữ vững và hiện đang phát triển. Phong trào đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đúng như Hiệp định Giơnevơ đã quy định, đòi lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, đang tiếp tục. Đặc biệt là hiện nay, nhân dân ta từ Nam đến Bắc đang sôi nổi hưởng ứng Công hàm ngày 7 tháng 3 nǎm 1958 của Chính phủ ta 19 và chống can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam. Tôi đề nghị Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần anh dũng của đồng bào miền Nam và tinh thần của đồng bào cả nước đoàn kết đấu tranh giành thống nhất nước nhà.

Nhân dịp này, tôi xin thay mặt Chính phủ ta tỏ lời hoan nghênh Uỷ ban Quốc tế do ấn Độ làm Chủ tịch đã có những cố gắng trong công việc giữ gìn hoà bình ở Việt Nam.

Như các vị đều biết, Đảng và Chính phủ ta đã nhận định rằng từ ngày hoà bình lập lại, miền Bắc nước ta đã từ cách mạng dân tộc – dân chủ nhân dân chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ trước mắt của toàn dân ta là ra sức xây dựng và củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nhận định đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cách mạng chuyển biến đòi hỏi phải có một sự chuyển biến sâu sắc về tư tưởng và nhận thức, đòi hỏi phải có những chính sách, những biện pháp về công tác tổ chức phù hợp với tình hình mới.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa là nhằm xoá bỏ mọi chế độ người bóc lột người ở nước ta, nhằm đưa lại đời sống no ấm cho toàn dân ta. Đó là một cuộc cách mạng vĩ đại và vẻ vang nhất trong lịch sử loài người, nhưng đồng thời cũng là một cuộc cách mạng gay go, phức tạp và khó khǎn nhất. Mỗi người chúng ta phải chuẩn bị tư tưởng và nghị lực để vượt qua mọi thử thách và hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng này.

Sau khi hoàn thành khôi phục kinh tế và bước đầu phát triển vǎn hoá, chúng ta bước vào thời kỳ phát triển kinh tế và vǎn hoá theo kế hoạch dài hạn. Quốc hội sẽ nghe và thảo luận bản báo cáo của Chính phủ, kiểm điểm mọi mặt công tác ba nǎm qua và đề ra những nhiệm vụ lớn và công tác lớn sắp tới. Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua kế hoạch 1958.

Việc thông qua kế hoạch 1958 có một ý nghĩa quan trọng, vì nó là nǎm đầu của kế hoạch dài hạn. Tôi tin rằng kế hoạch được Quốc hội thông qua sẽ gây tinh thần tin tưởng và phấn khởi trong cả nước, sẽ động viên mọi tầng lớp nhân dân ta hǎng hái hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, làm cho nền kinh tế và vǎn hoá nước ta phát triển thêm lên và để cải thiện dần dần đời sống của nhân dân, bộ đội và cán bộ ta.

Quốc hội sẽ nghe báo cáo về vấn đề đấu tranh thống nhất nước nhà. Cuộc đấu tranh giành thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở độc lập và dân chủ là một cuộc cách mạng lâu dài, khó khǎn, phức tạp. Đế quốc Mỹ và tay sai không đếm xỉa đến nguyện vọng tha thiết nhất của nhân dân ta, trắng trợn vi phạm các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, âm mưu đưa miền Nam vào khối xâm lược Đông – Nam á để gây lại chiến tranh. Nhưng âm mưu thâm độc của chúng nhất định sẽ thất bại. Tình hình thế giới hiện nay không cho phép bọn đế quốc tự ý muốn làm gió làm mưa. Lực lượng hoà bình và cách mạng thế giới đang tiến lên mạnh mẽ, lực lượng đế quốc đang đi vào con đường suy đồi, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng như phong trào cách mạng ở miền Nam ngày càng phát triển thuận lợi, cho nên nhân dân ta nhất định thành công trong sự nghiệp thống nhất nước nhà.

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các vị đại biểu,

Từ ngày bầu cử đến nay, Quốc hội ta đã luôn luôn phát huy truyền thống đoàn kết nhất trí của toàn dân ta, trong mọi công tác kháng chiến cũng như kiến quốc đều nhất trí với những nhận định của Đảng và Chính phủ. Nhờ vậy, mà mọi công tác của chúng ta do Quốc hội thông qua đều được thực hiện tốt đẹp. Đó là một truyền thống quý báu của Quốc hội ta, một ưu điểm cǎn bản của chế độ ta.

Tôi tin rằng trong khoá họp Quốc hội lần thứ tám này, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, Quốc hội sẽ tập hợp được những ý kiến dồi dào của các đại biểu, của nhân dân, sẽ quyết định một cách sáng suốt các công việc quan hệ tới quốc kế dân sinh mà Chính phủ sẽ trình để Quốc hội xét.

Tôi tin rằng, với truyền thống đoàn kết nhất trí của chúng ta, Quốc hội và Chính phủ sẽ nhất trí trong các vấn đề thảo luận.

Một lần nữa, xin chúc các đại biểu mạnh khoẻ, chúc khoá họp Quốc hội thành công.

————————————

Phát biểu ngày 16-4-1958.
Báo Nhân dân, số 1497, ngày 17-4-1958.

(18) Kỳ họp thứ tám Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá I: Họp từ ngày 16 đến ngày 29-4-1958, tại Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và thông qua kế hoạch 3 nǎm cải tạo và phát triển nền kinh tế quốc dân (1958-1960), quyết định thành lập một số cơ quan Nhà nước như Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Công tố, Uỷ ban Khoa học Nhà nước; nâng Ban Dân tộc thành Uỷ ban Dân tộc; tách Bộ Thương nghiệp thành hai bộ: Nội thương và Ngoại thương, Bộ Thuỷ lợi – Kiến trúc thành hai bộ: Thuỷ lợi và Kiến trúc. Quốc hội cũng đã thông qua hai đạo luật quan trọng là Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội. Tr.154.

cpv.org.vn