Tag Archive | Văn học – Nghệ thuật

Bác Hồ ở bản Mạy

QĐND – Tháng Tư, đất nước Triệu Voi đã chớm mùa mưa. Trong tiết trời dìu dịu mát, từ Savanakhẹt, chúng tôi vượt sông Mê Kông đến Nakhon Phanom của Thái Lan thăm ngôi nhà Bác Hồ từng ở để hoạt động cách mạng trong những năm 1928-1929.

Bản Mạy đây rồi ư? Ngôi nhà Bác ở tại đất Thái mà tôi từng nghe, từng đọc từ thời học cấp một đây rồi ư? Cái tên Thầu Chín, bí danh của Bác thời ấy lại âm vang trong lòng chúng tôi. Chợt thấy xôn xao mảnh vườn xanh tốt chở che ngôi nhà bé nhỏ, vách gỗ ngói ta có chiếc rèm tre che nắng, che gió trước cửa chính ra vào. Ngôi nhà, mảnh vườn thuần Việt này còn lưu giữ những kỷ niệm về một thời hoạt động cách mạng bí mật của Bác Hồ kính yêu tại Thái Lan.

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Nakhon Phanom -Thái Lan. Ảnh: Đông Hà

Những nén hương thơm được thắp lên trên chiếc tủ thờ quá đơn sơ để tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cảm xúc trong tôi mỗi lúc càng trào dâng khi tận mắt thấy những kỷ vật của Bác còn lưu giữ trong ngôi nhà. Vẫn thế! Một cuộc sống giản dị thanh cao, những tiện nghi bị lược bỏ đến tối thiểu, còn lại mênh mang tấm lòng yêu nước thương dân, còn lại chí khí phẩm chất của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Có thể kể ra ngay mấy đồ vật Bác dùng thuở ấy: Vài bộ áo quần vải thường xếp trong chiếc tủ cao chưa tới một mét, tấm phản gỗ Người từng ngả lưng sau những giờ làm việc miệt mài, mấy cái xoong nhỏ bằng đồng để bên cạnh chiếc kiềng ba chân. Danh mục đồ dùng nếu đếm chắc chỉ đủ một bàn tay.

Năm 39 tuổi, Bác đóng vai nhà sư Hạnh Đa để hoạt động cách mạng tại Thái Lan. Tôi dừng khá lâu trước bức ảnh Người trong tấm áo cà sa màu vàng đang đi khất thực thời ấy để hình dung thêm những gian lao, hiểm nguy mà Bác đã trải qua trên Đường Kách mệnh.

Những hình dung về Bác kính yêu càng sáng thêm qua những hồi ức của ông Võ Trọng Tiêu, người đang coi giữ ngôi nhà lịch sử này. Khi Bác về bản Mạy với cái tên Thầu Chín thì ông Tiêu mới 7 tuổi. ông sinh năm 1922 tại Thái Lan nhưng quê gốc ở Hưng Nguyên, Nghệ An. Gần chín mươi tuổi, ông mới được nhập quốc tịch Thái. Cũng lạ, gần chín thập kỷ qua con người mang dòng máu Việt này không thuộc quốc tịch nào cả nên dù đã có con trai là thiếu tướng công an và con gái là bác sĩ làm việc tại Việt Nam, ông vẫn chưa một lần thực hiện được khát vọng về thăm Tổ quốc, quê hương.

ông Tiêu kể: Những ngày đầu về bản Mạy, Bác ở chung nhà và ăn uống với gia đình ông. Sau đó, vì không muốn làm phiền gia đình, nên Bác cùng các đồng chí của mình xin phép được làm ngôi nhà riêng để ở và sinh hoạt. Đêm đêm, cậu bé Tiêu được Thầu Chín cho ngủ chung. Thường thì khi ngủ dậy Tiêu chẳng thấy Bác đâu nữa. Bác đi đâu, về đâu trong nhà không mấy ai biết. Trong hồi ức của ông Tiêu thì Bác thời ấy người gầy mảnh, da trắng, mặc quần vận. Bàn ghế, tủ đựng áo quần hiện còn lưu giữ ở đây là do tự tay Bác đóng. Vườn nhà có hai cây dừa và cây khế ngọt do Bác trồng. Hiện nay, ai đến đây cũng đều thích ăn khế Bác trồng và muốn chụp ảnh trước cây để làm kỷ niệm. Chiều chiều, khi thôi làm việc Bác cùng các đồng chí của mình đá bóng theo kiểu vòng tròn. Chú bé Tiêu là người xăng xái đi nhặt bóng. Có lúc Bác chơi trò kéo co với các cháu là con của các gia đình cách mạng Việt Kiều gửi vào học chữ quốc ngữ. Một bên là cậu bé Tiêu với ba em học trò, còn bên kia là Bác. Bác cười bảo: Tám chân đấu với hai chân, coi thử ai thua, ai thắng nào. Mùa mưa đến, Bác với mấy đồng chí của Người đi bắt cá. Bốn người lội bì bõm từ thửa ruộng này qua thửa ruộng khác, cá bắt được bỏ chung trong một chiếc giỏ. Về nhà, Bác cười hỏi: Đố mấy chú tôi bắt được bao nhiêu con cá? Tất cả, ngớ ra không ai trả lời được. Bác đổ cá từ giỏ ra, vui vẻ nói, con cá nào bị ngắt đuôi là do tôi bắt đó. Ai cũng bật cười trước cái mẹo của Bác. Cá bắt được, con nào chết thì kho ăn trước, con nào sống thì để lại làm nước mắm. Bác thích ăn những món dân dã đồng quê và hằng ngày nấu nước lá vằng để uống.

Không chỉ nhân dân Việt Nam yêu quý Bác Hồ mà nhiều người Thái Lan cũng rất kính trọng Bác. ông Tiêu cho biết, người Thái vẫn thường đến đây thắp hương cho Bác. Trong 76 tỉnh của Thái Lan đã có dân của 74 tỉnh về thăm ngôi nhà Bác từng ở tại bản Mạy và theo ông Tiêu kể thì một vị tổng chỉ huy quân đội Thái Lan khi đến đây thắp hương cho Bác đã giơ ngón tay cái lên rồi nói: Bác Hồ là người có một không hai trên thế giới này!

Ngôi nhà nhỏ Bác từng ở tại bản Mạy không chỉ là di tích lịch sử quý giá gắn với cuộc đời cách mạng sôi động của Hồ Chí Minh mà còn là nhịp cầu nối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt -Thái. Ngay cạnh ngôi nhà nhỏ này, có Làng hữu nghị Việt -Thái và nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh Đường Quốc Hiệp, năm nay bốn mươi tuổi, nhân viên coi giữ giới thiệu nhà lưu niệm nói với chúng tôi: Bác Hồ là vĩ nhân của Việt Nam và thế giới nhưng rất giản dị. Dù Bác đã xa rời nơi này rất lâu nhưng người dân bản Mạy vẫn luôn luôn thấy hình bóng Người ở đây. Trong ngôi nhà nhỏ, trong hàng dừa cây khế, trong mỗi trái tim người dân bản Mạy luôn có hình ảnh Bác Hồ tỏa sáng.

Nguyễn Hữu Quý
qdnd.vn

Advertisement