Gìn giữ, phát huy “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ”

Nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh người Mỹ Lady Borton mới đây khi sang Việt Nam đã nói: “Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng không ở đâu người dân lại yêu mến gọi lãnh tụ của mình là Bác, không có quân đội nào yêu mến gọi Tổng Tư lệnh bằng Anh (Anh Văn – Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cũng không nơi nào nhân dân yêu mến quân đội gọi là Bộ đội Cụ Hồ”. “Bộ đội Cụ Hồ” – một giá trị văn hóa độc đáo, tiêu biểu trong dòng chảy của nền văn hóa Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh.

Quân đội ta được Đảng, Bác Hồ sáng lập, giáo dục và rèn luyện, trải qua nhiều thế hệ, từ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đến tên gọi hiện nay là Quân đội nhân dân Việt Nam đã vun đắp, tích lũy nên “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ”. “Bộ đội Cụ Hồ” – một tên gọi bình dị nhưng vô cùng cao quý mà nhân dân đã dành cho quân đội ta, là hình tượng cao đẹp, tập trung những phẩm chất tốt đẹp nhất của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Bộ đội Cụ Hồ là một danh hiệu nhưng không phải do Nhà nước phong tặng. Bộ đội Cụ Hồ là sự tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc. Dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa mà cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước, đó là sức mạnh nội tại mà hàng ngàn năm Bắc thuộc cũng không bị đồng hóa. Truyền thống Bộ đội Cụ Hồ là sự tiếp nối truyền thống quân sự, truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha ta trong điều kiện lịch sử mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do: Là nghệ thuật đánh giặc lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy đoản binh thắng trường trận.

“Bộ đội Cụ Hồ” là một thành công của Đảng ta trong việc xây dựng quân đội về chính trị, xây dựng con người trong lực lượng vũ trang. Con người đó trong kháng chiến sẵn sàng lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội tiến lên tiêu diệt kẻ thù như Phan Đình Giót; rồi đến Nguyễn Viết Xuân bị thương nát đùi bên phải vẫn xông lên và hô “Nhằm thẳng quân thù, bắn!” – Lời hô đó đã trở thành bất tử. Hay như Anh hùng La Văn Cầu bị thương gãy nát cánh tay, nhờ đồng đội chặt đứt để khỏi vướng, dùng tay trái ôm bộc phá đánh mở đường, tạo thời cơ cho đơn vị đánh chiếm đồn địch… Và rồi, đến ngày hôm nay, nhiều cán bộ, chiến sĩ không kể hiểm nguy cứu người trong lũ dữ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo, như Thiếu tá Lê Văn Phượng, Thiếu úy Đinh Văn Nam… Những cựu chiến binh đã kinh qua hai cuộc chiến tranh dù mang trong mình nhiều thương tật, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, họ lại xông pha trên mặt trận phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

bo doi
Bộ đội Sư đoàn Phòng không Hà Nội trong giờ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Ảnh: Minh Trường

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho rằng: “Nói đến Bộ đội Cụ Hồ là nói nét văn hóa cao đẹp của quân nhân quân đội cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Gồm những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần hình thành từ tổ chức và hoạt động quân sự chính nghĩa được lưu giữ, trao truyền lại và phát huy lên trong công cuộc giữ nước hiện tại và tương lai, được khái quát bằng tinh thần yêu nước, không quản ngại gian khổ, sẵn sàng xả thân hy sinh vì nước, vì dân; tinh thần quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù; vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy; tinh thần gan dạ dũng cảm kiên cường mưu trí và sáng tạo; tình đồng đội gắn bó keo sơn; tình đoàn kết quân dân cá nước. “Bộ đội Cụ Hồ” là nét văn hóa độc đáo, nhưng nó không phải là cái “nhất thành bất biến”, mà cần phải được gìn giữ và phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử”.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thì gần như những con người ưu tú nhất vào quân đội, chắc tay súng giành độc lập tự do của Tổ quốc. Để rồi chính họ đã tạo nên “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” có sức lôi cuốn và lan tỏa đặc biệt. Mỗi khi mang lên mình bộ quân phục, dù ở trong đơn vị hay ở nơi công cộng, họ đều thể hiện phẩm chất của người quân nhân cách mạng. Cũng vì thế mà hiện nay, rất nhiều gia đình gửi con em mình vào các lớp “học kỳ quân đội” để tiếp thu những giá trị của “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ”.

Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự giao thoa, tiếp thu chọn lọc các nền văn hóa trên thế giới. Văn hóa quân sự – phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không thể khu biệt mà cũng phải hòa vào tiến trình hội nhập. Vậy làm thế nào để “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” được lan tỏa, nhưng vẫn phát huy được giá trị bản sắc của nó, không bị “khuất lấp” bởi văn hóa ngoại lai thiếu bản sắc dân tộc?

Trong giai đoạn hiện nay, kẻ địch đang ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong đó chúng xem văn hóa là lĩnh vực quan trọng, coi trọng đẩy mạnh việc truyền bá lối sống suy đồi, đề cao vật chất, văn hóa hưởng thụ, tung hô “cái tôi cá nhân”. Hơn nữa, nền “văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của chúng ta đang có sự tương tác rất mạnh mẽ cả về tích cực, tiêu cực với văn hóa bên ngoài. Trước đòi hỏi của nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, cũng như của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không phải là việc riêng của tổ chức quân sự, càng không chỉ là trách nhiệm của mỗi quân nhân mà là của mỗi người dân yêu nước.

Để giải quyết vấn đề đó, trước hết mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội hiện nay cần nhận thức, hiểu sâu sắc những giá trị tinh hoa văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, đó là: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; gắn bó máu thịt với nhân dân; quan hệ gắn bó với đồng chí, đồng đội…

Trên cơ sở đó thường xuyên nâng cao trình độ tự ý thức về việc tự tu dưỡng, tích cực, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực và hiệu quả các mặt công tác là một yêu cầu cơ bản; Phải rèn luyện ý chí phấn đấu bền bỉ, cầu tiến bộ, trọng danh dự cá nhân; Không bị “nhiễm” với những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, văn hóa phẩm không lành mạnh trong đời sống xã hội hiện nay ảnh hưởng tiêu cực đến phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đấu tranh kiên quyết với biểu hiện coi nhẹ truyền thống, phủ nhận quá khứ, gieo rắc tư tưởng, lối sống thực dụng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân.

Mặt khác, quân đội mở rộng giao lưu với quân đội và nhân dân các nước trên thế giới, nhằm tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển nó phù hợp, phù hợp với đặc điểm hoạt động quân sự và bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam, “hòa nhập nhưng không hoà tan”.

Phát huy, làm phong phú những phẩm chất tốt đẹp của “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ”, tự hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới của đất nước, xứng đáng với niềm tin cậy và niềm tự hào của Đảng ta, nhân dân ta đó là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội./.

Thượng úy Nguyễn Chí Hòa
(Đoàn Tên lửa 64, Sư đoàn 361,
Quân chủng Phòng không – Không quân)

Theo http://www.qdnd.vn
Thu Hiền (st)