Thơ chúc Tết của Bác Hồ

Trên thế giới ít có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, ít có lãnh tụ nào như lãnh tụ Hồ Chí Minh, cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về, đồng bào và chiến sĩ cả nước lại hồi hộp chờ đợi thời khắc giao thừa để nghe Bác đọc thơ chúc Tết. Những vần thơ nồng ấm thấm sâu vào ký ức mỗi người Việt Nam ở trong nước và kiều bào nước ngoài. Mặc dù Bác đã đi xa chúng ta 40 năm, mọi người không còn được nghe những vần thơ chúc Tết của Người, nhưng những âm hưởng hào hùng, ấm áp tình ấy vẫn vang mãi trong lòng chúng ta.

(Ảnh: internet)

Thơ chúc Tết của Bác thật mộc mạc, chân thành nhưng lại truyền cho chúng ta sức sống mới, nguồn sinh lực mới thúc giục chúng ta vượt qua mọi gian khổ để giành thắng lợi trong năm tới. Thơ chúc Tết của Bác đi vào lòng dân, vào mọi nhà, mọi chiến sĩ ở khắp chiến trường của cả nước bằng những lời chỉ bảo ân cần, sâu sắc, cụ thể và quyết liệt. Tình cảm ấy, sự quyết liệt ấy là sự kết tinh của cả cuộc đời Người bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước; cả cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thể hiện sự mong muốn, khát khao cháy bỏng giành được độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì thế suốt hàng chục bài thơ chúc Tết của Người, mỗi bài là những mốc son lịch sử, in đậm dấu ấn trên con đường phát triển cách mạng nước ta. Chúng ta chờ đón thơ chúc Tết của Người là chờ đón tin vui thắng lợi đã qua và mục tiêu sắp tới để mỗi người tự giác mang hết tâm hồn, sức lực, trí tuệ phục vụ cho non sông đất nước. Cho nên, đọc thơ chúc Tết của Bác tuy rất ngắn gọn, súc tích, giản dị, mộc mạc như cuộc sống của người lao động, nhưng đã thể hiện những nội dung rất lớn như sau:

– Một là, thơ Bác là những lời chúc tốt đẹp đầu năm theo truyền thống của dân tộc

Dân tộc ta từ ngàn đời, cứ mỗi ngày năm mới đến, mọi người đều giành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, an lành, hạnh phúc, cầu mong cho người thân của mình được an khang, thịnh vượng. Để có được những điều hạnh phúc và tốt đẹp ấy, Bác Hồ chúc đồng bào chiến sĩ ta bằng cách nhìn xa, trông rộng, gắn thắng lợi cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Bài thơ chúc Tết Xuân Nhâm Ngọ 1942, Bác viết:

“Năm cũ qua rồi, chúc năm mới
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!
Chúc toàn quốc ta trong năm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới”.

Thông qua thơ chúc Tết, Bác chỉ cho mọi người chúng ta niềm tin chiến thắng của phong trào giải phóng dân tộc và sự tất yếu thất bại của chủ nghĩa thực dân xâm lược.

Những lời chúc cụ thể, cổ vũ nhân dân ta trong bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Hợi 1959, Bác viết:

“Chúc đồng bào năm mới,
Đoàn kết thi đua tiến tới
Hoàn thành kế hoạch ba năm
Thống nhất nước nhà thắng lợi”.

Trong bài thơ chúc Tết Xuân Canh Tý 1960, Bác nhấn mạnh sự trưởng thành của đất nước, sự vững mạnh của Đảng đang ở tuổi thanh xuân:

“Mừng Nhà nước ta mười lăm xuân xanh
Mừng Đảng ta tròn ba mươi tuổi”.

Thơ chúc Tết của Bác không chỉ là chúc mừng thắng lợi mà còn chỉ ra để có thắng lợi ấy, nhân dân, chiến sĩ phải đoàn kết, kiên trung:

“Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ
Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên
Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ”.

Lời chúc trong thơ Bác bao giờ cũng khái quát thắng lợi của năm qua, chỉ đà thắng lợi trong năm tới để chiến sĩ đồng bào có được lòng tin vững chắc dựa trên những cơ sở thực tiễn quan trọng. Bài thơ chúc Tết Xuân Tân Sửu năm 1961, Bác viết:

“Chúc miền Bắc hăng hái thi đua
Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới
Chúc hoà bình thống nhất thành công”.

Khi miền Bắc mở rộng phong trào thi đua lao động sản xuất vì miền Nam ruột thịt, bài thơ Xuân chúc Tết Nhâm Dần 1962, Bác chúc:

“Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi
Bốn mùa hoa Duyên – hải, Đại – phong
Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới
Sức triệu người hơn sóng biển đông”.

– Hai là, thơ chúc Tết của Bác luôn tổng kết thắng lợi năm qua, đề ra phương hướng cho đất nước trong năm mới

Những ngày đầu kháng chiến, năm 1948, bài thơ Xuân chúc Tết Mậu Tý, Bác viết:

“Gửi lời chúc đồng bào
Kháng chiến được thắng lợi;
Toàn dân đại đoàn kết,
Cả nước dốc một lòng”.

Tết Kỷ Sửu năm 1949, là cái tết thứ tư từ ngày Việt Nam độc lập; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã bước sang năm thứ ba, Bác chúc:

“Kháng chiến lại thêm một năm mới
Thi đua ái quốc thêm tiến tới
Động viên lực lượng và tinh thần
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi”.

Bài thơ của Bác đã cụ thể hoá nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, nhất là thời kỳ quân và dân ta đang khẩn trương chuẩn bị mở chiến dịch Biên giới.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp càng ác liệt, gay go, càng gần tới thành công. Để cổ vũ lòng tin chiến sĩ, đồng bào, Bác viết trong bài thơ Xuân Tân Mão 1951 bằng những lời chỉ dẫn cụ thể:

“Xuân này kháng chiến đã năm xuân
Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công.
Toàn dân hăng hái một lòng
Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời”.

Không khí thắng lợi của cuộc kháng chiến càng làm cho thơ Bác vui, thơ Bác rộn ràng, sôi động. Bài thơ Xuân Giáp Ngọ 1954, Bác viết bằng những lời thơ mộc mạc, rõ ràng:

“Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:
– Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do
– Cải cách ruộng đất là công việc rất to”.

Đoàn kết một lòng vì sự nghiệp lớn lao của đất nước là tứ thơ xuyên suốt các bài thơ chúc Tết của Người. Bởi vì đó là sức mạnh quyết định mọi thắng lợi. Bài thơ chúc Tết Xuân Bính Thân năm 1956 Bác viết:

“Thân ái mấy lời chúc Tết
Toàn dân đoàn kết một lòng
Miền Bắc thi đua xây dựng
Miền Nam giữ vững thành đồng”.

Đại hội lần thứ III năm 1960 của Đảng là cái mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng nước ta với hai nhiệm vụ chiến lược: miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam đẩy mạnh đấu tranh chống Mỹ, giải phóng giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, Bác viết:

“Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua
Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa
Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ”.

– Ba là, thơ chúc Tết của Bác luôn lạc quan, thôi thúc, cổ vũ lòng người tin tưởng vào tương lai, sẵn sàng đoàn kết, phấn đấu cho thắng lợi cuối cùng.

Mặc dù những ngày đầu kháng chiến gian khổ, năm 1946, Bác lạc quan tin tưởng:

“Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”.

Năm 1947, Tết Xuân Đinh Hợi, Bác khẳng định đường lối chiến lược của cách mạng giải phóng đất nước:

“Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi
Thống nhất đất nước, nhất định thành công”.

Mùa Xuân Nhâm Thìn 1952, Bác chúc Tết đồng bào, chiến sĩ hãy tin vào mình, vượt qua gian khổ, nhất quyết thành công:

“Trường kỳ và gian khổ
Chiến thắng trăm phần trăm”.

Bài thơ Xuân chúc Tết Giáp Ngọ 1954, Bác Hồ với giọng thơ sảng khoái, vui mừng chúc đồng bào ta:

“Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công
Hoà bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông
Năm mới thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.

Thống nhất đất nước là khát vọng của Hồ Chí Minh, của toàn dân ta, cho nên trong thơ chúc Tết của Người luôn được kết bằng thắng lợi, bằng mục tiêu hoà bình, thống nhất, độc lập, tự do. Bác Hồ viết:

“Quyết chí bền gan phấn đấu
Hoà bình thống nhất thành công”.

Đặc biệt bài thơ chúc Tết Xuân Giáp Thìn 1964 Bác cổ vũ đồng bào đoàn kết ruột thịt Bắc Nam, sự gắn bó Nam Bắc như cội với cành, cho nên đoàn kết thống nhất là quy luật dẫn tới thành công:

“Bắc – Nam như cội với cành
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng
Rồi đây thống nhất thành công
Bắc – Nam ta lại vui chung một nhà”.

– Bốn là, thơ chúc Tết của Bác là đường lối chiến lược, chiến thuật của Đảng và nhân dân ta.

Ngay từ ngày đầu toàn quốc kháng chiến, thơ Xuân Bính Tuất năm 1947, Bác viết:

“Kiến quốc mau thành công
Kháng chiến mau thắng lợi”
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn xung trận vang dậy non sông”.

Thơ chúc Tết của Bác là lời hịch, cổ vũ sức mạnh chiến đấu ào ạt như những hồi kèn xung trận đè bẹp các thế lực quân thù. Chuẩn bị bước vào chiến dịch năm 1950, Bác chúc:

“Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới
Chuyển mau sang tổng phản công”.

Đặc biệt chúng ta hầu như ai cũng thuộc bốn câu thơ hào hùng, sảng khoái, tràn đầy tin tưởng với đường lối chỉ đạo rất cụ thể, rõ ràng trong lời chúc của Bác Xuân 1968:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên
Toàn thắng ắt về ta”.

Nghe bài thơ xuân năm ấy, ai ai cũng xúc động, vui mừng phấn khởi, tràn đầy niềm tin, tạo ra sức mạnh mới để giành toàn thắng về ta.

Cùng với đó là bài thơ Xuân 1969 của Người làm cho cả nước vui mừng trước những thắng lợi dồn dập của miền Nam. Đặc biệt bài thơ này Bác chỉ ra mục tiêu chiến lược là đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào. Điều đó nay đã trở thành hiện thực:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ, đồng bào
Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Thơ chúc Tết của Bác Hồ là lời của non sông đất nước, lời cổ vũ cả dân tộc rầm rập xông lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thơ Bác không cầu kỳ mà là cuộc sống, là ước vọng, là tâm trạng của cả nhân dân, của cả xã hội, của đất nước, của cuộc đời. Vì thế cho nên mặc dù Bác viết:

“Mấy câu thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”

(Xuân Nhâm Thìn – 1952)

Hay:

“Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”

(Xuân Giáp Thìn – 1964)

Sở dĩ như vậy là vì Bác không phải làm thơ để mà làm thơ mà thơ xuân chúc Tết của Bác với mục đích cổ vũ lòng người, thúc giục cả toàn quân, dân tộc với lòng tin đầy sức xuân, trào dâng nhiệt huyết quyết tâm đánh tan mọi kẻ thù, vượt qua mọi trở ngại để chiến thắng.

Thơ chúc Tết của Bác là tâm hồn, là khí phách của một con người cả cuộc đời hiến dâng cho hạnh phúc thực sự của dân, của nước. Người lo bằng cái lo của hàng chục triệu dân, vui bằng cái vui của cả dân tộc. Người thương dân thật sự, quý dân thật sự, tôn trọng dân thật sự và vì dân thật sự nên đã kết tinh thành tâm hồn nhà lãnh tụ hoà quyện với chất nghệ sĩ của dân, do dân, vì dân thật sự. Bác Hồ của chúng ta, thơ xuân chúc Tết của Người mãi mãi là niềm tự hào, niềm tin của chúng ta đối với bậc đại trí, đại nhân, đại dũng của một lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Những bài thơ chúc Tết của Bác đã thể hiện đường lối, chủ trương lớn mang ý nghĩa chiến lược của cách mạng, phản ánh những nhiệm vụ của dân tộc ở từng thời điểm lịch sử của đất nước. Hiện nay chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta tìm thấy trong những tứ thơ chúc Tết của Người nhiều bài học lớn, sâu sắc, cổ vũ chúng ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

PGS. TS. Trần Quang Nhiếp
Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản / Tạp chí Tổ chức Nhà nước Số 2/2010

Nguồn: tochucnhanuoc.gov.vn
Vkyno (st)

Advertisement