Xuân Liên – bi tráng một tượng đài

Một thời để nhớ

QĐND – Chuyện về trận chiến đấu giữa các pháo thủ Đại đội 45-pháo binh bảo vệ bờ biển với hàng chục máy bay Mỹ chiều 12-7-1968, từ lâu tôi đã nghe người dân Nghi Xuân (Hà Tĩnh) truyền tụng như một sự tích anh hùng, một huyền thoại… May mắn sao, một ngày tháng 7-2013, tôi có cơ may được cùng Đại tá Nguyễn Viết Đức, nguyên chiến sĩ Đại đội 45, hiện là Chủ tịch Hội CCB huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh tìm về trận địa pháo ngày nào bên bờ biển xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, nơi xảy ra trận chiến đấu vô cùng oanh liệt và bi hùng ngày ấy…

Đại tá Nguyễn Viết Đức (người mặc quân phục đứng thứ ba, hàng bên trái) cùng đồng đội Đại đội 45 thắp hương trước bia tưởng niệm các liệt sĩ tại xã Xuân Liên, ngày 12-7-2013.

– Đại đội 45 pháo binh của chúng tôi ngày ấy, tiền thân là đại đội pháo bờ biển của Bộ tư lệnh Hải quân. Đại đội gồm 3 trung đội pháo 105mm nòng dài do Đức sản xuất từ năm 1942 và 1 trung đội súng phòng không 12,7mm. Từ năm 1964, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, đại đội trở thành đơn vị trực thuộc Khu tuần phòng 2 của Quân khu 4. Tới năm 1965 thì được chuyển hẳn về cho Tỉnh đội Hà Tĩnh. Nhiệm vụ của đơn vị là tiêu diệt, đánh đuổi các loại tàu chiến của Mỹ xâm phạm vùng biển từ Cửa Hội đến Đèo Ngang.

Anh Đức ngừng kể và đưa tôi đi một vòng quanh vùng trận địa cũ. Hình như có điều gì đang trào dâng trong lòng, tiếng Đức đượm buồn:

– Vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 12-7-1968, đơn vị đang bắt đầu vào giờ học chính trị thì một quả tên lửa từ tàu chiến giặc ngoài khơi bắn hú họa vào, chẳng dè trúng hầm đạn của đơn vị. Đạn pháo thi nhau nổ, khói đen cuồn cuộn bốc lên. Trận địa bị lộ, thế là hàng chục máy bay của chúng liên tiếp lao vào dội bom, bắn phá. Trận địa ở ngay bên bờ biển, hỏa lực phòng không của ta chỉ có 4 khẩu 12,7mm và súng bộ binh, đối đầu với hàng chục chiếc F4 và AD6, nên thật không cân sức. Thoạt đầu vì trận địa ở trong rừng phi lao, để phát hiện mục tiêu, bọn giặc dùng bom chụp (loại bom nổ cách mặt đất chừng năm mét) phạt quang cây cối. Bộ đội ta, công sự pháo, giao thông hào, lán trại… lồ lộ phơi mình trên màu cát trắng. Bọn Mỹ còn nham hiểm dội bom cắt đứt mấy con đường cơ động của đơn vị, làm ta không kéo pháo khỏi trận địa được, rồi thay nhau quần đảo, dội bom, bắn rốc-két. Trước tình thế ấy, Ban chỉ huy đại đội quyết định dùng tất cả vũ khí đơn vị mình có kiên quyết đánh trả, bảo vệ pháo, giữ vững trận địa. Đại đội trưởng Nguyễn Tuân và Chính trị viên Lê Tất Sáu chạy trên mặt cát nóng rẫy, ngay dưới tầm đạn máy bay địch, đến từng khẩu đội 12,7mm và các pháo thủ động viên anh em dùng súng bộ binh bắn trả máy bay giặc. Đang chạy đến một khẩu đội, Đại đội trưởng bị mảnh bom cắt đứt da bụng lòi ruột. Quyết không rời trận địa, anh dùng tay bịt chặt vết thương, đứng thẳng trên công sự chỉ huy đơn vị chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Học tập gương chiến đấu hy sinh của Đại đội trưởng, Khẩu đội trưởng Lê Văn Lộc, chiến sĩ Lê Văn Xá bị thương ngất đi khi tỉnh dậy vẫn kiên quyết không rời trận địa, lợi dụng các gốc cây bị bom chặt cụt, dùng AK bắn trả máy bay địch. Bọn F4 bu lại phóng tên lửa hòng tiêu diệt hết 4 khẩu đội 12,7mm, Trung đội trưởng Lê Chí Thiền vẫn hiên ngang đứng giữa trận địa với lá cờ đỏ trên tay chỉ thị mục tiêu cho các khẩu đội bắn trả quyết liệt. Sau hai giờ kiên cường chiến đấu, cánh rừng phi lao nơi trận địa của đơn vị bị bom chém gãy nát, các đụn cát bị san phẳng. Mãi tới khi một chiếc F4 bị ta bắn cháy, rơi xuống biển ngay trước đơn vị thì lũ máy bay địch mới tháo chạy. Nhưng thật đau đớn, 18 cán bộ, chiến sĩ ta, trong đó có Đại đội trưởng Nguyễn Tuân đã anh dũng hy sinh!

Đức im lặng. Anh kéo tôi đến bên tấm bia ghi tên các liệt sĩ đã hy sinh ngày ấy. Đưa bàn tay run run sờ vào từng tên người, tiếng anh như nghẹn lại:

– Gần nửa thế kỷ trôi qua rồi. Đến bây giờ tôi còn nhớ rõ tính cách của từng người anh ạ. Dù theo yêu cầu nhiệm vụ, Đại đội 45 đã giải thể, nhưng không ai quên chiến tích anh hùng của đơn vị, không ai quên được nỗi đau này. Các liệt sĩ trong trận chiến đấu oanh liệt ấy đã được nhân dân và đồng đội đưa về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Xuân. Trên động cát cao nhất vùng gần trận địa ngày xưa, nơi các anh đã chiến đấu, hy sinh, ban liên lạc Đại đội 45, chính quyền, nhân dân xã Xuân Liên và Giám đốc Công ty TNHH Liên Sơn, ông Lê Văn Thiện đã dựng một tấm bia khắc tên tuổi các anh như một chứng tích anh hùng, bi tráng.


Bài và ảnh: NGUYỄN XUÂN DIỆU

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)

Advertisement