Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9
QĐND – Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dẫn đến việc ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, trong đó có sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức, phát huy vai trò đội quân chủ lực trong các trận chiến đấu ở Việt Bắc và một số địa phương khác. Sự lãnh đạo đúng đắn đó bắt nguồn từ trí tuệ sáng tạo và bản lĩnh cách mạng kiên cường được thể hiện ở đường lối, chủ trương xây dựng, phát triển bộ đội chủ lực, năng lực tổ chức và sử dụng lực lượng linh hoạt chiến đấu từ cuối năm 1944 và những tháng đầu năm 1945, đặc biệt là trong Cách mạng Tháng Tám 1945.
Sớm thấy rõ vai trò chiến lược của bộ đội chủ lực, ngay sau khi chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa ở Cao-Bắc-Lạng, tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Chấp hành chỉ thị đó, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng). Sau 3 ngày thành lập, với cách tổ chức quy mô cấp trung đội và sử dụng lực lượng “hóa trang kỳ tập” linh hoạt, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng hai trận Phai Khắt (25-12-1944), Nà Ngần (26-12-1944) thuộc châu Nguyên Bình (Cao Bằng), mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng ngay từ trận đầu của Quân đội ta.
Đội hình Việt Nam Giải phóng quân trong ngày Quốc khánh Việt Nam 2-9-1945. Ảnh tư liệu
Kết hợp vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, chỉ sau một tuần thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển với quy mô tổ chức đại đội, biên chế thành ba trung đội. Phát huy hai trận đầu ra quân thắng lợi, ngày 5-2-1945, ta sử dụng lực lượng quy mô cấp đại đội lợi dụng đêm tối đột nhập, kết hợp nội ứng đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc, Cao Bằng). Tiếp đó, ngày 25-2-1945, ta tổ chức phục kích địch ở đèo Ben Le (Nguyên Bình, Cao Bằng), gây cho địch thiệt hại nặng. Thắng lợi của các trận đánh buổi đầu thành lập đánh dấu trình độ chiến đấu đội quân chủ lực của Quân đội ta được nâng lên một bước, tạo cơ sở quan trọng để cùng các tổ chức vũ trang cả nước làm nòng cốt cho toàn dân chuẩn bị tiến lên tổng khởi nghĩa.
Nắm bắt thời cơ Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12-3-1945), đã phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước và chủ trương phát triển quân số, quy mô tổ chức gồm nhiều đại đội bộ đội chủ lực. Thực hiện nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (4-1945), ngày 15-5-1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng cả nước được thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân, do Đảng lãnh đạo, sẵn sàng cùng toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước khi thời cơ đến.
Một trong những điểm nổi bật của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là kịp thời nắm bắt và chủ động tận dụng triệt để thời cơ để lãnh đạo, chỉ đạo Việt Nam Giải phóng quân cùng nhân dân các địa phương tiến hành khởi nghĩa từng phần. Các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân đã phối hợp với lực lượng du kích, tự vệ các địa phương tổ chức nhiều trận đánh. Với cách đánh chủ yếu là tập kích có tổ chức nhân mối (nội ứng), hoặc kết hợp tiến công quân sự với biểu tình của quần chúng, tạo áp lực diệt địch, ta đã đánh thắng nhiều trận, điển hình là các trận Đèo Khế (Thái Nguyên), Đông Triều, Uông Bí (Quảng Ninh), Văn Mịch (Lạng Sơn), Nghĩa Lộ… Thắng lợi của những trận đánh này là bước tập dượt cho các trận chiến đấu quy mô lớn, hình thức tác chiến phát triển hơn trong giai đoạn tổng khởi nghĩa toàn quốc.
Thực hiện quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước của Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng (từ ngày 13-8 đến ngày 15-8-1945) và Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc (13-8-1945), Việt Nam Giải phóng quân cùng lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân cả nước chuyển từ khởi nghĩa từng phần giành chính quyền ở địa phương, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên quy mô toàn quốc. Mục tiêu tiến công của Việt Nam Giải phóng quân lúc này không còn là những đồn bốt, châu lỵ, mà là những căn cứ chính của địch, các thị trấn, thị xã, thành phố.
Bằng các đòn tiến công chủ lực của Việt Nam Giải phóng quân, ta đã giành chính quyền ở các thị xã Tuyên Quang, Thái Nguyên. Ngày 19-8-1945, nhân dân Hà Nội có các đội tự vệ làm xung kích đã khởi nghĩa giành được chính quyền. Tiếp đó, ta giành chính quyền ở Huế (23-8-1945) và Sài Gòn (25-8-1945). Bằng các đòn tiến công quân sự của các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân, tự vệ chiến đấu, du kích và sự nổi dậy của quần chúng có tự vệ vũ trang hỗ trợ, từ ngày 14-8 đến 28-8-1945, ta đã lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng trên phạm vi cả nước. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), hai chi đội Việt Nam Giải phóng quân số 3 và số 4, tự vệ chiến đấu, cùng hàng chục vạn nhân dân mít tinh mừng thắng lợi, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Như vậy, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, các đơn vị chủ lực của Quân đội ta đã từng bước trưởng thành về tổ chức và sử dụng lực lượng linh hoạt trong các trận chiến đấu với quân thù. Ở hai trận đầu (Phai Khắt, Nà Ngần), lực lượng ta chỉ tương đương một trung đội và thực hiện một hình thức chiến thuật thuần túy là “hóa trang kỳ tập”; đến giai đoạn “tiền khởi nghĩa”, ở một số trận đánh, lực lượng ta tương đương một đại đội và thực hành tập kích có nhân mối, hoặc kết hợp tiến công quân sự với biểu tình của quần chúng nổi dậy, giải phóng nhân dân. Đến giai đoạn tổng khởi nghĩa, điển hình là các trận Tuyên Quang, Thái Nguyên, ta tổ chức lực lượng quy mô tương đương tiểu đoàn, kết hợp bao vây, tiến công và bức hàng địch trên ba hướng và phân công mục tiêu cụ thể cho từng mũi. Mặc dù cách đánh còn đơn giản, nhưng đã hình thành rõ nét về loại hình chiến thuật tiến công-loại hình chiến thuật chủ yếu của các đơn vị chủ lực của Quân đội ta, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.