(ĐCSVN) – Mới đây, tại Hội nghị Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc, sau khi nghe báo cáo về tình hình nhân quyền của Việt Nam, đến phần đối thoại, đại diện nhiều nước, đã phát biểu và đánh giá cao về vấn đề bảo đảm và thực hiện quyền con người của Việt Nam.
Đoàn đại biểu nước ta tham dự Khoá họp này với đại diện của nhiều các cơ quan nhà nước có liên quan: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư Pháp, Toà án Nhân dân Tối Cao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, UB dân tộc và đại diện một số tổ chức chính trị -xã hội, nghề nghiệp…

Ảnh Internet
Trước đại diện của hơn 190 quốc gia và các Tổ chức của Liên Hợp Quốc, Báo cáo về tình hình nhân quyền của Chính phủ Việt Nam do ông Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Thường Trực Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền, trình bày trong cuộc đối thoại này nêu rõ, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội. Báo cáo đã nêu lên một số thành tựu nổi bật về nhân quyền mà Việt Nam đạt được trong nhiều năm qua, nhất là sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.
Xuất phát từ bản chất của nhà nước VN là nhà nước của dân, do dân và vì dân; Nhà nước hoạt động là vì con người, bảo đảm và thực hiện quyền con người. Vì thế ngay từ ngày đầu thành lập (năm 1945), Nhà nước Việt Nam đã khẳng định những nội dung cơ bản về quyền con người; và những nội dung đó được thể hiện nhất quán và ngày càng đầy đủ trong các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam; từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946,Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền về con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng thể hiện ở các quyền công dân được quy định trong HIến pháp và luật”; “Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với nhà nước và xã hội, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
Trong nhiều thập kỷ qua, quyền con người ở Việt nam, trước hết trong lĩnh vực chính trị được tôn trọng và đảm bảo thực hiện một cách dân chủ. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân đã diễn ra một cách dân chủ theo đúng quy định của pháp luật. Người dân được tự do bày tỏ ý chí và nguyện vọng của mình thông qua lá phiếu mà không có bất cứ sự cản trở nào. Cùng với việc được quyền ứng cử và bầu cử, mỗi công dân còn được tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các công việc quản lý Nhà nước, như quyền được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra giám sát. Riêng quyền thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở, UB Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết và quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 1998.
Trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội; Hiến pháp năm 1992 đã quy định công dân có các quyền và nghĩa vụ học tập; quyền và nghĩa vụ lao động; quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khoẻ, quyền về nhà ở, quyến sở hữu, tự do kinh doanh…Trong các quyền nêu trên, quyền tự do kinh doanh là quyền mới được quy định trong Hiến pháp, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh trong điều kiện mới, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực thi dân chủ và quyền con người.
Về quyền liên quan đến phụ nữ và trẻ em: Đây là lĩnh vực rất được quan tâm, đã được Nhà nước Việt Nam quy định trong nhiều văn bản pháp luật, góp phần quan trọng vào những thành tựu về bảo đảm và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em. Các quy định cụ thể trong Luật bình đẳng giới cùng với các quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế , chế độ thai sản, chế độ đối với lao động nữ…đã tạo điều kiện để phụ nữ từng bước thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người; đồng thời cũng góp phần phòng, chống các tệ nạm xã hội, các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ trẻ em.
Các quyền cơ bản của trẻ em như : quyền được sống, được bảo vệ thân thể, nhân phẩm; quyền được chăm sóc sức khoẻ, quyền được học tập, được phát triển, quyền được vui chơi, giải trí, quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng…đều được cụ thể hoá trong các quy định của pháp luật. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, Nhà nước Việt Nam đã dành nhiều ưu đãi cho trẻ em bằng việc miễn phí khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, chính sách phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở… là một cố gắng lớn.
Về quyền nhân thân: Nhà nước Việt Nam đã có những quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật, bao gồm quyền tự do đi lại, tự do cư trú, quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quuyền được đảm bảo bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín, quyền khiếu nại tố cáo, quyền bất khả xâm phạm về thân thể …
Cùng với các quyền nêu trên, Nhà nước Việt Nam cũng có những quy định về quyền tự do, tín ngưỡng. Điều 70 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước”.
Một vấn đề quan trọng khác cũng được Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm, đó là công tác xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Xoá đói giảm nghèo được coi là mục tiêu chiến lược quan trọng trước mắt và lâu dài với nhiều chương trình đặc biệt như như Chương trình 143 và dự án hạn tầng cơ sở thuộc chương trình 135, hỗ trợ người nghèo bằng chính sách cho vay hỗ trợ ưu đãi. Với những chính sách và chương trình mục tiêu, từ năm 1986 đến nay tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam liên tục giảm. Chỉ tính riêng mấy năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo từ 17,2% năm 2006 xuống 14,7% năm 2007. Trong vòng 13 năm từ 1993-2006, Việt Nam đã giảm nghèo được 42% số dân, tương đương 35 triệu dân. Chỉ số phát triển con người được nâng lên hạng 4 bậc, từ thứ 109 lên 105 trên 177 nước.
Điều đáng nói thêm là, cùng với việc quy định các quyền cơ bản của công dân, Nhà nước Việt Nam còn đăc biệt coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện các quyền đó.
Nói tóm lại, tuy còn có những quy định chưa đủ cụ thể, chưa thật đồng bộ, tính khả thi chưa cao, nhưng rõ ràng Nhà nước Việt Nam đã quy định khá đầy đủ và toàn diện về quyền con người và cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người. Trong đó có nhiều quy định tương thích với các chuẩn mực và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thậm chí có một số quy định còn ưu tiên hơn. Hầu hết các luật, pháp lệnh khi quy định về các chính sách của nhà nước đều bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, bảo đảm sự hài hoà giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích của tập thể, lợi ích của nhà nước và toàn xã hội.
Trong cuộc đối thoại, sau phần trình bày của ông Phạm Bình Minh, nhiều đại biểu của châu Á, châu Âu, châu Phi, Châu Mỹ đã tham gia phát biểu. Nhiều đại biểu chẳng những chia sẻ, đồng tình với Việt Nam về quan điểm nhìn nhận, xem xét đánh giá tình hình nhân quyền, phải xuất phát từ điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, mà còn đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực hiện quyền con người. Sự cam kết của Việt Nam đối với việc thúc đẩy đảm bảo quyền con người là minh bạch, rõ ràng và đã được cụ thể hoá bằng các luật, các chính sách, các chương trình cụ thể nhằm đảm bảo quyền dân chủ cho người dân.
Rất đáng tiếc, trong lúc nhiều đại biểu đồng tình và đánh giá cao về việc bảo đảm và thực hiện quyền con người của Việt Nam như vậy thì có một số người, đứng đầu là Mỹ vẫn có những giọng điệu vu cáo và áp đặt VN. Mặc dù còn những lời lẽ lạc lõng như vậy, nhưng sự thật đã cho thấy: Tình hình nhân quyền của Việt Nam là minh bạch, và sáng tỏ như ánh ban mai./.
Minh Sơn
Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)