Từ trước đến nay, nhân quyền là vấn đề luôn được nhân loại và cộng đồng quốc tế quan tâm. Bảo vệ nhân quyền là việc làm tốt đẹp. Nhưng lợi dụng danh nghĩa bảo vệ nhân quyền để nước này áp đặt ý muốn chủ quan, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, nhằm thực hiện những mục tiêu ngoài nhân quyền là việc làm sai trái, lỗi thời, nghịch lý.
Lâu nay, chính quyền Mỹ và một số nước phương Tây tự cho mình cái quyền như quan tòa, hiệp sĩ để phán xét tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Gần đây, ngày 19-4-2013, theo “thông lệ kỳ quặc”, Bộ Ngoại giao Mỹ lại công bố Báo cáo về tình trạng nhân quyền trên thế giới (năm 2012); trong đó, đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Tương tự như vậy, trước đó một ngày (ngày 18-4-2013), Nghị viện châu Âu cũng ra Nghị quyết về vấn đề này đối với Việt Nam. Các “Báo cáo”, “Nghị quyết” này có điểm chung cũ rích: xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam là “thụt lùi”, thậm chí còn chủ quan cho rằng “các quyền cơ bản của con người không được bảo đảm”. Điểm đáng chú ý trong các phán xét lần này của họ là sự quan tâm đặc biệt tới một số bị cáo đã phạm các tội: “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” mà các tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An tuyên phạt (năm 2012) theo các điều 79 và 88 của Bộ luật Hình sự. Dưới “nhãn quan” của họ, các bị cáo đó là “những nhà dân chủ” bị kết án khi thực hiện quyền tự do trên in-tơ-nét. Từ đó, họ chỉ trích Việt Nam vi phạm nghiêm trọng “quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do in-tơ-nét”; rằng Nhà nước Việt Nam đã vi phạm nhân quyền khi thực hiện sự kiểm duyệt, bắt bớ, trừng phạt và kết án những “nhà bất đồng chính kiến”, nhất là các bloger; đồng thời, họ đòi Chính phủ Việt Nam phải xóa bỏ Điều 88, 79 trong Bộ luật Hình sự.
Có thể dễ nhận thấy, đây là sự áp đặt, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ nước ta của Mỹ và Nghị viện châu Âu. Cách làm như vậy là rất lỗi thời và đầy nghịch lý. Thử hỏi, nếu thực tâm muốn bảo vệ, giúp đỡ nhân quyền ở Việt Nam thì trước hết, họ phải có cái nhìn trung thực, khách quan, toàn diện vấn đề này, chứ không thể nghe theo sự xuyên tạc, bịa đặt từ một phía. Mọi người đều biết, đã từ lâu, tại Mỹ và châu Âu có một số tổ chức và cá nhân người Việt lưu vong do hận thù quá khứ mà luôn có định kiến, ác cảm với quê hương, đất nước. Số người này thường xuyên móc ngoặc, lôi kéo một số chính khách chống cộng để xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam; qua đó, gây sức ép, đòi chính quyền sở tại cho ra đời những phán quyết về nhân quyền đầy sai trái. Thật trớ trêu và đầy nghịch lý, nội dung những “Báo cáo”, “Nghị quyết” của hai cơ quan đại diện cho ngành hành pháp, lập pháp ở Mỹ và châu Âu lần này cũng lại chỉ phản ánh ý chí và nguyện vọng của một nhóm người như vậy! Trong khi đó, từ nhiều năm nay, giữa Việt Nam với Mỹ và châu Âu thường xuyên có kênh thông tin chính thức qua các cuộc “đối thoại nhân quyền” của các cấp chính quyền. Vì sao họ không sử dụng thông tin chính thống để có cái nhìn chân thực, khách quan tình hình nhân quyền ở Việt Nam, mà lại chỉ căn cứ vào những phản ánh ngoài luồng để làm nội dung cho những tài liệu quan trọng? Đó cũng là một nghịch lý.
Cần phải khẳng định rằng, bảo đảm, tôn trọng quyền con người ở Việt Nam thuộc về bản chất của chế độ ta – chế độ XHCN. Chính sách nhất quán của Nhà nước ta về bảo đảm quyền con người xuất phát từ nhận thức: coi quyền con người là giá trị chung của nhân loại, có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc và từ nguyện vọng thiết tha của nhân dân ta khi phải chịu kiếp nô lệ, lầm than cho thực dân, đế quốc. Do vậy, khi đất nước giành được độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo để nhân dân được thụ hưởng những thành tựu về nhân quyền trên mọi lĩnh vực (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tự do tín ngưỡng tôn giáo). Ở Việt Nam, quyền con người được ghi trong Hiến pháp, được pháp luật bảo vệ và thực thi trên thực tế. Việt Nam đã và đang là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế về lĩnh vực quyền con người; tiến hành việc “đối thoại nhân quyền” với nhiều nước và tham gia hầu hết các công ước quốc tế về nhân quyền. Đặc biệt, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng ta đã dành hẳn một chương (Chương II) quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”; đồng thời, tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của toàn dân. Vậy mà, Việt Nam vẫn là đối tượng bị chỉ trích về nhân quyền thì quả là một nghịch lý.
Đành rằng, ở Việt Nam vẫn còn có mặt hạn chế về nhân quyền, như: tình trạng phân hóa giàu, nghèo; một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất vi phạm quyền làm chủ của nhân dân… Song, quyết không phải vì xử lý một số kẻ phạm tội chống phá chính quyền nhân dân mà cho rằng Việt Nam vi phạm “quyền chính trị, quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin” của công dân như các “Báo cáo”, “Nghị quyết” nêu trên cố tình áp đặt. Trong khi đó, hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin do hậu quả chiến tranh xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam cần được giúp đỡ lại không được sự quan tâm nghiêm túc của Mỹ và các nước có liên quan. Đó cũng là một nghịch lý.
Trong thời đại ngày nay, không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của lĩnh vực thông tin – truyền thông đối với đời sống con người, nhưng nếu đòi hỏi “tự do ngôn luận”, “tự do in-tơ nét” một cách tuyệt đối, vô hạn độ là điều phi lý và không tưởng. Trên thực tế, không có một điều luật quốc tế hoặc luật pháp của quốc gia nào quy định như vậy. Trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (năm 1948), Điều 29 quy định: “…Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cá nhân, mọi người phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác và đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị thừa nhận quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp của công dân, nhưng cũng đòi hỏi người thụ hưởng các quyền đó phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm cụ thể do pháp luật quy định để bảo đảm “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội”.
Ngay tại nước Mỹ, mặc dù tự cho mình là “mẫu mực” về nhân quyền nhưng cũng phải có Đạo luật chống phản loạn; trong đó, quy định: “Việc viết, in, phát biểu hay phổ biến… mọi văn bản sai sự thực, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội”. Trong Bộ luật Hình sự Mỹ, Điều 2385 quy định: “nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát hành, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết, tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”. Chắc chắn ở các nước phương Tây khác cũng có những điều luật tương tự để bảo vệ thể chế, chính quyền của họ. Vậy, tại sao họ lại dung túng, bảo vệ, bênh vực một số ít kẻ lợi dụng nhân quyền để hoạt động chống chính quyền, mưu toan lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Cớ sao họ lại đòi Việt Nam phải gỡ bỏ những điều luật chính đáng để bảo vệ chính quyền, chế độ và nhân dân của mình? Đó cũng là một nghịch lý!
Riêng trên lĩnh vực in-tơ-nét, nước Mỹ cũng có nhiều đạo luật để giám sát, nhằm ngăn chặn bất kỳ nội dung xấu độc nào làm tổn hại tới an ninh quốc gia của họ. Gần đây, theo tờ “Người bảo vệ” (nước Anh), quân đội Mỹ đang phát triển phần mềm cho phép kiểm duyệt chặt chẽ các trang mạng xã hội ở nước này. Vậy, hà cớ gì mà Mỹ và Nghị viện châu Âu lại chỉ trích Việt Nam “hạn chế tự do in-tơ-nét”, bênh vực những kẻ sử dụng phương tiện này để chống phá chế độ hòng lật đổ chính quyền nhân dân.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển in-tơ-nét nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Với hơn 700 cơ quan báo chí, gần 100 đài phát thanh, truyền hình (cả Trung ương và địa phương) và hàng nghìn trang tin điện tử, blog… đã khẳng định, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Đương nhiên, việc thụ hưởng quyền phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Theo đó, việc quản lý báo chí và các mạng truyền thông nhằm ngăn chặn sự xâm hại đối với an ninh quốc gia là công việc cần thiết, bình thường, chính đáng của Việt Nam, như bất cứ quốc gia nào khác. Thực tiễn cho thấy, tình hình bất ổn chính trị ở các nước khu vực Bắc Phi – Trung Đông vừa qua có sự tác động không nhỏ từ những xuyên tạc, kích động chống đối chính quyền của các thế lực được lưu truyền trên in-tơ-nét. Vì thế, tác giả của những “Báo cáo”, “Nghị quyết” nhằm bênh vực, bảo vệ những kẻ cố tình lợi dụng in-tơ-nét và các phương tiện truyền thông hòng gây mất ổn định chính trị, đẩy Việt Nam vào cảnh “nồi da nấu thịt” như họ đã làm ở một số nước Trung Đông – Bắc Phi là ủng hộ, bảo vệ cái ác, chống lại nhân quyền của đại đa số nhân dân Việt Nam.
Là tác giả của nhiều phán quyết về nhân quyền đối với các nước khác, nhưng ở Mỹ và nhiều nước phương Tây cũng còn tồn tại nhiều vấn đề về nhân quyền chưa thể giải quyết được, thậm chí có vấn đề rất nghiêm trọng. Theo kết quả điều tra của Liên hợp quốc, từ năm 2003 đến năm 2010, đã có khoảng 88.000 người Mỹ thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến súng đạn. Năm 2012 đã xảy ra 7 vụ, cướp đi “quyền được sống” của 65 người vô tội, mà điển hình là vụ một kẻ cuồng sát đã xả súng giết hại 28 người, trong đó có 20 trẻ em trong một trường tiểu học của thị trấn Newtown. Mới đây, ngày 24-4-2013, tại thị trấn Man-chét-tơ, bang I-li-noi lại xảy ra một vụ xả súng giết hại 5 người vô tội. Thứ “nhân quyền” kiểu Mỹ như vậy đáng sợ biết bao, làm sao có thể áp đặt cho các nước khác phải theo họ. Chính sách “ngoại giao nhân quyền”, coi “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, mượn lá cờ nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, thực hiện những mục tiêu ngoài nhân quyền là lỗi thời, sai trái cả về đạo lý, pháp lý, đang bị dư luận rộng rãi trên thế giới phản đối.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Liên minh châu Âu đang diễn ra tốt đẹp, việc làm của Bộ Ngoại giao Mỹ và Nghị viện châu Âu vừa qua là lỗi thời, chỉ gây bất lợi cho mối quan hệ này./.
Đại tá NGUYỄN TRUNG
tapchiqptd.vn