Thứ ba, 20/10/2009, 01:26 (GMT+7)
Cách đây 64 năm, ngày 20-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi cho những người Pháp ở Đông Dương” đặt vấn đề: “Hỡi những người Pháp! Tôi muốn ngỏ lời cùng các bạn, không lấy danh nghĩa Chủ tịch nước Cộng hòa Việt Nam, mà lấy tình một người bạn chân thật của những người Pháp lương thiện. Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Lòng yêu nước thương nòi này làm vẻ vang các bạn vì nó là lý tưởng cao quý nhất của loài người. Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi phải được phép yêu đồng bào của chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi.
Chúng tôi không ghét, không thù gì dân tộc Pháp. Trái lại chúng tôi kính phục cái dân tộc lớn lao ấy đã là kẻ đầu tiên truyền bá lý tưởng rộng rãi về tự do và bác ái, và đã cống hiến rất nhiều cho văn hóa, cho khoa học và cho văn minh… Công nhận nền độc lập của Việt Nam không những không làm giảm uy tín của nước Pháp mà còn làm cho nó được tăng cao trước thế giới và lịch sử… Nó sẽ được sự kính trọng của tất cả các dân tộc và lòng yêu mến của người Việt Nam vốn không mong gì hơn là Tổ quốc độc lập…
Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình, một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ phải thay thế cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da ư!? Chúng tôi không sợ chết vì chúng tôi muốn sống. Chúng tôi muốn sống như các bạn, muốn sống tự do, không có ai đè đầu bóp cổ… Những người Pháp ở Đông Dương! Bây giờ đến lượt các bạn phải tỏ ra rằng các bạn xứng đáng là con cháu những vị anh hùng vẻ vang xưa đã tranh đấu cho tự do, bình đẳng và bác ái!”.
Cùng ngày, tham dự lễ xuất phát của 500 đội viên tuyên truyền xung phong Hà Nội, Bác căn dặn: Người tuyên truyền viên phải biết rõ mục đích, biết chịu kham khổ, biết nhẫn nại, chớ lên mặt “quan cách mạng” và phải chú ý cách diễn đạt ý tưởng phải hết sức phổ thông, tránh dùng từ khó hiểu và “làm sao cho được 50 người hiểu rõ còn hơn 500 người chỉ hiểu lờ mờ”.
Ngày 20-10-1946, chiến hạm Dumont D’Urville cập bến cảng Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân trở lại Tổ quốc sau hành trình hơn 4 tháng sang thăm và tiến hành cuộc đấu tranh ngoại giao với Chính phủ Pháp. Nhân dân Hải Phòng đã đón tiếp nồng nhiệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ức nhắc lại tiếng còi chào mừng của thành phố cảng viết: “Chưa bao giờ bến cảng này lại có một hồi còi làm rung động trái tim của hàng chục vạn con người như chiều hôm nay”.
Ngày 20-10-1962, Bác thân mật và nồng nhiệt tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu làm trưởng đoàn ra thăm miền Bắc. Chính trong buổi gặp gỡ này, Bác đã nói một câu làm rung động lòng người: “Hình ảnh của miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi”.
Ngày 20-10-1968, Bác Hồ viết “Thư khen chiến sĩ và cán bộ đảo Cồn Cỏ” đã lập chiến công trong ngày 16-10-1968: “Các chú đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập công vẻ vang, chỉ trong vòng một giờ, liên tiếp bắn rơi ba máy bay giặc Mỹ… Các chú hãy luôn luôn nâng cao cảnh giác, chiến đấu thật giỏi, lập nhiều chiến công xuất sắc hơn nữa, cùng với quân và dân cả nước quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự
sggp.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.