*Nói về nước Mỹ năm 2012, nhiều nhà phân tích đã thốt lên: Súng đạn và hoa hồng
QĐND – Chiến thắng giòn giã của đương kim Tổng thống Ô-ba-ma (Obama) trong cuộc bầu cử đầy kịch tính hồi tháng 11 đã cho thấy, cử tri Mỹ một lần nữa lại hy vọng đất nước sẽ tốt đẹp hơn trong 4 năm tới với người đã hứa tạo ra “thay đổi”. Nhưng vụ thảm sát tại Trường Tiểu học Sandy Hook nơi thị trấn nhỏ Newtown khi chỉ còn chưa đầy tháng là khép lại năm 2012 đã như một vết cắt trực tiếp vào sự lạc quan đó, có lẽ đến hàng chục năm sau cũng chưa thể lành da.
Còn nhớ, chia tay năm cũ 2011 đầy âu lo, nước Mỹ bước vào năm tổng tuyển cử 2012 với nhiều kỳ vọng. Kỳ vọng vào một nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng. Kỳ vọng về một xã hội yên bình. Quan trọng hơn cả là kỳ vọng vào những khuôn mặt xứng đáng sẽ đưa chính trường Mỹ vào một nhiệm kỳ hoạt động hiệu quả hơn.
Thông điệp Liên bang ông Ô-ba-ma đọc trên cương vị Tổng thống Mỹ hồi tháng 1-2012 từng nhấn mạnh rằng, sẽ làm mọi cách để đưa những điều tốt đẹp nhất đến với nước Mỹ. 11 tháng sau, nhìn lại, về mặt nào đó, người ta thấy một nước Mỹ đang trên đà “bình phục”. Những tổn thương về kinh tế, xã hội hay chính trị đã dần được chữa trị: Nước Mỹ đã và đang thoát dần khỏi những cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan; cuộc khủng hoảng tài chính – ngân hàng dần được khắc phục; nền kinh tế tiếp tục đà hồi phục dù chưa chắc chắn; vị thế và uy tín của Mỹ trên thế giới cũng đang dần được cải thiện.
Nhưng nếu chỉ có thế thì năm 2012 đối với nước Mỹ cũng không hẳn đáng nhớ.
Ngày 6-11 vừa qua, đa số người dân Mỹ đều vui mừng đón tin đương kim Tổng thống Ô-ba-ma tái đắc cử, tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ thêm bốn năm nữa. Với khẩu hiệu “Tiếp tục thay đổi để tiến về phía trước”, ông Ô-ba-ma đã giành chiến thắng không quá vất vả trước đối thủ giàu tiềm năng Mít Rôm-ni (Mit Romney). Dù cách giải quyết vấn đề đôi chỗ vẫn còn phải bàn, nhưng ông Ô-ba-ma đã đánh trúng tâm lý của những người Mỹ vốn đã quá sợ hãi và chán chường với di sản 8 năm cầm quyền trước đó của Tổng thống Bu-sơ. Đó là vũng lầy hao người tốn của ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, là sự tan tác của phố Uôn, là sự suy giảm về kinh tế cũng như uy tín và vị thế của nước Mỹ. Có lẽ là vì thế, lần thứ hai trong lịch sử bầu cử Mỹ, “con bài an ninh” của đảng Cộng hòa đã không còn đủ sức nặng buộc những người dân Mỹ phải phân tâm trước phòng bầu cử. Hình ảnh cơn lốc tài chính cuốn phăng cả những “người khổng lồ” trên phố Uôn năm nào đã làm thay đổi mối quan tâm của người Mỹ, buộc người ta phải bận tâm trước hết đến câu chuyện về “bát cơm manh áo”. Nhiều cử tri lựa chọn tiếp tục ủng hộ ông Ô-ba-ma với niềm tin là ông có khả năng vực dậy nền kinh tế và đưa nước Mỹ “tiến lên”.
Nhìn lại nhiệm kỳ trước của ông Ô-ba-ma, sau 4 năm cầm quyền, nền kinh tế Mỹ đã từng bước thoát ra khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm dần mặc dù đà phục hồi vẫn chưa thực sự vững chắc. Trên lĩnh vực đối ngoại, thành công trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen (bin Laden), quyết định kết thúc hai cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, duy trì sự hiện diện của Mỹ ở khắp các khu vực thông qua mạng lưới đồng minh quân sự rộng khắp – đã ghi nhận những điểm cộng cho chính quyền Ô-ba-ma.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 vừa rồi là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự tin tưởng và kỳ vọng của người dân Mỹ vào tổng thống của mình. Trên hết, nó cho thấy nước Mỹ đang thúc giục việc hiện thực hóa những cam kết đã hứa, cả về đối nội và đối ngoại.
Nhưng nước Mỹ không chỉ có “hoa hồng chiến thắng”.
Những ngày đầu tháng 12, khi chỉ còn non tháng nữa là khép lại năm 2012 đầy sôi động, cả nước Mỹ đã bàng hoàng và phẫn nộ khi một kẻ cuồng sát xả súng giết chết 28 người, trong đó có 20 trẻ em, tại một trường tiểu học ở thị trấn nhỏ Newtown. Vụ việc khiến những ngày cuối năm đáng trông đợi nhất của nước Mỹ trở nên buồn thảm và khiến chính giới nước này phải giật mình nhìn lại: Tại sao thảm kịch kiểu này lại tái diễn quá nhiều lần trên đất Mỹ?
Không tính những năm trước, chỉ tính riêng năm 2012, tại Mỹ đã có ít nhất 7 vụ sát hại hàng loạt, tước đi mạng sống của 65 người. Thậm chí chỉ vài ngày sau vụ thảm sát ở Trường Tiểu học Sandy Hook, nước Mỹ còn chứng kiến thêm vài vụ xả súng nữa. Một nguyên nhân được nêu ra là trên thế giới không nước nào người dân sở hữu súng nhiều như nước Mỹ. Theo thống kê, với dân số hiện tại khoảng 315 triệu người, ở Mỹ hiện có tới hơn 270 triệu khẩu súng các loại cùng cơ số đạn đủ để phục vụ cho một cuộc chiến có quy mô tương đương Thế chiến 2.
Nhưng tại sao người Mỹ lại dễ dàng sở hữu súng đạn đến vậy? Điều 2 của Hiến pháp Mỹ quy định người dân nước này có quyền sở hữu súng để phòng thân và bảo vệ quốc gia. Nguy hiểm là thế, nhưng không một chính khách hay Tổng thống nào đủ can đảm để ban hành những điều luật kiểm soát chặt chẽ súng đạn đi kèm với nó. Không khó hiểu khi trong nhiều năm trở lại đây, luật sở hữu súng tư nhân vẫn được xem là một “chủ đề nhạy cảm” đối với nước Mỹ và thậm chí còn được xem là “một tử địa” đối với nhiều nhà chính trị Mỹ. Trong quá khứ, bản thân đảng Dân chủ của Tổng thống Ô-ba-ma đã phải trả một cái giá đắt khi theo đuổi những nỗ lực nhằm kiểm soát súng tại Mỹ. Và quan trọng hơn, không ai có thể làm ngơ với doanh thu khổng lồ từ việc mua bán súng đạn, nhất là khi những tấm chi phiếu đó lại được “quyên góp” cho những chiến dịch tranh cử công phu của các chính khách.
Nhiều nhà phân tích đã nói rằng “hãy mơ đi” khi Tổng thống Ô-ba-ma rơi lệ cam kết về một quyết tâm đẩy mạnh việc kiểm soát súng đạn sau vụ thảm sát ở thị trấn Newtown. Những tranh cãi dai dẳng về việc cấm hay cho phép sử dụng súng tại Mỹ vốn đã diễn ra từ năm 1981 sau vụ ám sát hụt cố Tổng thống R. Ri-gân (R. Reagan). Để thay đổi điều 2 Hiến pháp Mỹ cần phải có sự chấp thuận của 2/3 nghị sĩ Quốc hội và phải tiến hành trưng cầu dân ý cho Hiến pháp mới. Đó thật sự không phải là việc dễ dàng khi nước Mỹ bị chia rẽ với một Quốc hội mà quyền lực vẫn chia đều cho hai đảng còn nghị sĩ thì đã và đang tiếp tục chịu áp lực nặng nề từ lá phiếu của các thành viên Hiệp hội súng đạn Mỹ (NRA).
Nước Mỹ năm 2012 có quá nhiều thứ để nhắc người ta nhớ. Vụ tấn công tòa nhà lãnh sự Mỹ ở Tri-pô-li khiến Đại sứ Mỹ tại Li-bi thiệt mạng được ví như “vụ 11-9 năm 2012” một lần nữa cho thấy, mối đe dọa của bóng ma khủng bố chưa bao giờ rời xa nước Mỹ. Tổn thất về người và của ở mức kỷ lục khi “cái đuôi” của cơn bão Sandy quét qua nước Mỹ cũng khiến người ta nhận ra sự chênh lệch giàu nghèo nơi xứ cờ hoa vẫn đang ở mức báo động. Và mối đe dọa “vách đá tài chính”, với hàng tỷ USD tăng thuế và cắt giảm chi tiêu chính phủ sẽ được thực hiện vào đầu năm tới, dẫn tới nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới tái rơi vào suy thoái, vẫn đang hiện hữu khi kim đồng hồ đếm ngược sắp chạm đến thời khắc quyết định.
Ngần ấy thứ ở nước Mỹ đã khiến cho nhiều nhà kinh tế học đưa ra một hình ảnh đầy mỉa mai: “Nước Mỹ vẫn kẹt trên chiếc bánh xe bị khô dầu”.
Nhưng trên hết, nước Mỹ vẫn cần phải thay đổi để tiến lên phía trước. Nước Mỹ phải khắc phục tối đa những tổn thương từ hai cuộc chiến tranh. Nền kinh tế Mỹ phải lấy lại sức sống với tốc độ nhanh nhất để hầu bao mỗi người dân không bị vơi đi. Món nợ ngân sách 16 nghìn tỷ USD phải được giải quyết sao cho không ảnh hưởng đến “bát cơm manh áo” của từng người. Đó đang là mối quan tâm lớn nhất của người dân Mỹ hiện nay. Tương lai nằm trong tay của chính quyền Tổng thống tái đắc cử B.Ô-ba-ma.
THU TRANG
qdnd.vn