Đông Dương là một cô gái cưng. Cô rất mực xứng đáng với bà mẹ Pháp quốc. ở bà mẹ có cái gì thì cô ta cũng có cái nấy: nào chính phủ, nào những bảo đảm, nào công lý và cũng có cả âm mưu phiến loạn nho nhỏ nữa. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ nói về hai vấn đề sau thôi.
Công lý được tượng trưng qua hình ảnh một nữ thần tay cầm cân và tay cầm kiếm. Nhưng Đông Dương lại ở quá xa nước Pháp, muôn trùng cách trở, nên khi nữ thần tới xứ này thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng và biến thành những tẩu thuốc phiện và những chai rượu ty. Trên tay nữ thần tội nghiệp ấy chỉ còn độc cái kiếm để chém giết. Bà đã chém những người vô tội và cũng chỉ chém có họ mà thôi!
Còn về vụ âm mưu thì lại là một câu chuyện khác.
ở đây, chúng tôi không nói về những vụ âm mưu nổi tiếng trong năm 1908 hay 1916. Lúc đó, nhiều thần dân bảo hộ số đỏ của nước Pháp đã được may mắn nếm đủ mùi ân huệ của nền văn minh thực dân hiền hoà trên máy chém, trong nhà tù hay ở những nơi bị đưa đi đầy. Những vụ âm mưu ấy đã qua lâu rồi, và bây giờ chỉ còn lại những nét ảm đạm trong trí nhớ của người dân bản xứ đã héo mòn vì đau khổ.
Hãy nói đến vụ âm mưu gần đây nhất. Trong khi ở Mẫu quốc có một vụ âm mưu bônsêvích nổi tiếng thì ở Đông Dương các ngài thực dân cũng muốn có một vụ âm mưu tương tự và … cuối cùng các ngài ấy cũng nặn ra một vụ âm mưu thật sự, chẳng khác nào như trong câu chuyện ngụ ngôn con nhái muốn phình to bụng như con bò.
Câu chuyện ấy đã được dựng lên như thế này: Một ngài quan Pháp (quan công sứ), một quan huyện và một thầy lý trưởng được giao trách nhiệm dựng lên một vụ âm mưu đúng quy cách. Để chuẩn bị ra biểu diễn, bộ ba tớ thầy ấy bèn tung ra cái tin: Có một âm mưu phiến loạn định làm nổ tan xứ Bắc Kỳ bằng 250 quả bom. Công việc chuẩn bị xong xuôi. Màn kịch kéo lên. Công chúng xúc cảm mạnh mẽ và dư luận xôn xao. Bắt bớ vây lùng dồn dập như mưa. Hiện nay, chúng ta chưa biết các ngài công sứ, quan huyện và thầy lý, một cựu phạm đã được thăng chức và ban bổng lộc gì chưa, nhưng nếu bây giờ chưa được thì rồi tất nhiên họ cũng sẽ được. Giờ đây, chúng tôi nói tiếp đến chuyện Công lý. Ngày 16 tháng 2, Toà Đại hình Hà Nội đã mở phiên toà cuối cùng xử vụ án này. Trong quá trình toà luận tội, người ta được biết rằng không hề có một tổ chức cách mạng nào đã chuẩn bị những bom phá đó, và vụ âm mưu ấy chỉ là một thủ đoạn xảo quyệt của bọn quan lại mong được chính phủ ban thưởng bổng lộc và chức tước. Như vậy, liệu chúng ta có thể tin tưởng rằng sau vụ xét xử ấy, người ta sẽ tha bổng cho những người An Nam chẳng may đã bị bỏ tù, bị tố giác tham gia vụ phiến loạn bịa đặt ấy không? Không đâu! Bất cứ bằng giá nào, người ta cũng phải bảo vệ uy tín cho các quan cai trị chứ! Vì thế, mà lẽ ra chỉ cần phong thưởng một cách bình thường cho những con người sáng tạo ra âm mưu ấy, thì người ta lại kết tội tù từ 2 đến 5 năm 12 người An Nam phần lớn là nhà nho, và trên tấm cổng lớn của nhà tù kia, người ta thấy đề rành rành mấy chữ đại tự, cố nhiên là bằng tiếng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Chao ôi! Nực cười thay. Và các báo chí xưa nay vẫn tự xưng là bênh vực cho người bản xứ vội vàng lên tiếng ca ngợi cái chí công vô tư của nền Công lý nực cười này. Chúng ta hãy nghe tờ La Dépêche Coloniale (11) là tờ báo giữ vai trò vô địch về bài xích người An Nam, nói: “Toà án nước Pháp vừa mới xét xử xong một vụ án. Toà tha bổng cho một nửa số bị can, còn một nửa số thì được hưởng án nhẹ. Trong vụ án này, để có lý buộc tội, người ta đã tung dư luận rầm lên một cách thiên tư trước khi xử, và sau đó, người ta đã kết án các nhà nho làm những bài thơ tồi ca tụng công đức của nền Tự do”.
Đó thật là tai vạ cho những người An Nam nào ca ngợi công đức của nền Tự do. Người ta phạt họ 5 năm tù chỉ vì có thế thôi! Tờ báo ấy viết tiếp: “Đúng, ta phải bằng lòng với cái bản án chí công vô tư của các vị quan toà và thẩm phán của chúng ta chứ!”. Và tờ La Dépêche Coloniale đã vui vẻ đăng tin bản án chí công vô tư về vụ âm mưu nổi tiếng ấy ở Vĩnh Yên. Những người An Nam ở Pari, cũng như đồng bào phương xa của họ tin tưởng các vị quan toà, họ đã tuyên bố các vị ấy xét xử rất công minh và vụ án được kết thúc mỹ mãn. Không phải như thế đâu, thưa ông Puvuốcvin, ông đã thổi phồng một cách quá đáng đấy! Để trả lời, chúng tôi chỉ xin nhắc lại điều mà ông đã viết trong phần đầu bài báo của ông: “Những con chó sủa, v.v. thôi đi, hỡi những người anh em bất hạnh, các anh em đã lầm to rồi, các anh em cũng thừa hiểu rằng làm gì có tự do cho chúng ta mà lại đi hoan nghênh với ca ngợi nó. Nhưng, người An Nam chúng tôi ở khắp mọi nơi, chúng tôi sẽ kiên quyết đưa sự bất công ghê tởm và phi lý ấy ra phản đối trước tất cả mọi người Pháp chân chính. Chúng tôi mong rằng dư luận nước Pháp thông cảm với những nỗi đau khổ của các anh em và sẽ đấu tranh đòi cho Công lý được thực hiện”.
Nguyễn Ái Quốc
Tài liệu tiếng Pháp, lưu tại Viện lịch sử Đảng.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.