Thù ghét chủng tộc (1-7-1922)

Vì nói đến đấu tranh giai cấp và quyền bình đẳng giữa con người mà đồng chí Ludông của chúng ta đã bị kết án là đã tuyên truyền thù ghét chủng tộc. Vậy ta hãy xem tình yêu thương giữa các chủng tộc đã được quan niệm và thực hiện ở Đông Dương như thế nào trong thời gian gần đây.

Hôm nay, chúng ta sẽ không nói đến tội ác của chính quyền thực dân là dùng rượu và thuốc phiện để đầu độc quần chúng và làm cho họ ngu muội đi. Việc ấy các đồng chí chúng ta trong đảng đoàn nghị sĩ tất sẽ có ngày bàn đến.

Mọi người đều biết rõ những thành tích lớn lao của tên quan cai trị sát nhân Đáclơ. Tuy nhiên đâu có phải chỉ mình hắn mới có những thủ đoạn tàn ác đối với người bản xứ như thế.

Một gã Puốcxinhông nào đó, đã hùng hổ nhảy ra đánh một người An Nam chỉ vì người này dám tò mò và cả gan nhìn ngôi nhà của người Âu trong mấy giây đồng hồ. Hắn đánh anh và cuối cùng giết anh bằng một phát súng lục bắn vào đầu.

Một nhân viên sở hoả xa, đã dùng roi mây đánh một người lý trưởng Bắc Kỳ.

Ông Béc đấm vỡ sọ người lái xe cho ông ta.

Ông thầu khoán Brét, sau khi cho chó cắn một người An Nam đã trói tay người này lại, đá cho đến chết.

Ông Đépphi, chủ sở thuế đã giết chết người đầy tớ An Nam của ông ta bằng một cái đá hết sức mạnh vào mạng mỡ.

Ông Hǎngri, thợ máy ở Hải Phòng, nghe ngoài phố có tiếng ồn ào; cửa nhà ông vừa mở thì một người đàn bà An Nam chạy xộc vào, sau lưng có một người đàn ông đuổi theo. Hǎngri tưởng là một người bản xứ đang đuổi một Con gái (1) , liền vớ lấy khẩu súng sǎn nổ một phát. Người đàn ông ngã vật xuống chết ngay. Đó là một người Âu. Hỏi thì Hǎngri trả lời: “Tôi tưởng đây là một thằng bản xứ”.

Một người Pháp buộc ngựa của mình vào một cái chuồng trong đó đã có sẵn con ngựa cái của một người bản xứ. Con ngựa đực nhảy chồm lên, làm cho người Pháp tức điên ruột. Ông ta đánh người bản xứ hộc cả máu mồm, máu mũi, rồi đem trói lại treo lên cầu thang.

Một nhà truyền giáo (Vâng! một vị linh mục nhân từ) nghi một học sinh trường thầy dòng người bản xứ ǎn cắp của mình 1.000 đồng, ông ta trói người học sinh này lại, treo lên xà nhà, tra khảo. Người học sinh đáng thương ấy ngất đi. Họ hạ anh xuống. Khi anh hồi tỉnh, họ lại treo lên tra khảo. Anh đã gần chết. Có lẽ hôm nay thì chết rồi.

Vân vân và vân vân.

Toà án có trừng phạt những tên đó, những con người đi khai hoá đó hay không ?

Có tên thì trắng án, có tên thì không ai đụng đến lông chân. Sự tình là như vậy. ấy thế mà bây giờ thì:

– Bị cáo Ludông, đến lượt anh nói đi!

NGUYỄN ÁI QUỐC

Báo Le Paria, số 4, ngày 1-7-1922.
cpv.org.vn

——————————

(1) Ngay sau khi Nguyễn Ái Quốc gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới trưởng đoàn các nước dự Hội nghị Vécxây, bọn bồi bút thực dân lồng lộn. Trên tờ Courrier Colonial ra ngày 27-6 có một bài nhan đề Giờ phút nghiêm trọng chỉ trích bản yêu sách : Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ. Nguyễn Ái Quốc viết bài này là để trả lời bài báo sặc mùi thực dân trên.