Bài 2: Chuyển giao nhiệm vụ
Rời Sở chỉ huy tiền phương, tôi đi thẳng tới Dầu Tiếng gặp anh Sáu Khâm trao đổi kế hoạch trinh sát thực địa ngày hôm sau. Anh Sáu Khâm, nguyên Sư đoàn trưởng Bộ binh 9 chủ lực Miền, cũng là bạn quen cũ. Có thời kỳ anh làm Trưởng phòng Tác chiến khi tôi làm Trưởng phòng Quân huấn Miền.
Kế hoạch trinh sát thực địa căn cứ Đồng Dù được tiến hành hai bước. Bước 1 là trinh sát ban ngày theo phương pháp công khai. Để thực hiện bước này, anh Sáu Khâm và tôi phải đóng giả nông dân, đội nón vác cuốc, có hai nữ du kích Củ Chi gánh lúa đi cùng vừa dẫn đường vừa làm nhiệm vụ bảo vệ. Bước 2 là trinh sát ban đêm, đột nhập căn cứ để xác minh những điều ban ngày chưa rõ, có nam du kích Củ Chi dẫn đường từng mũi.
Sáng 3-4-1975, Sư đoàn được lệnh hành quân vào Tây Ninh nhận nhiệm vụ mới. Cũng ngày hôm ấy, chúng tôi tiến hành trinh sát chỉ huy công khai căn cứ Đồng Dù. Sau ít phút cải trang làm anh nông dân đội nón, vác cuốc cùng “vợ” (nữ du kích Củ Chi) đi làm ruộng chúng tôi lặng lẽ lên đường. Đang đi bỗng một cô du kích nhìn chân tôi:
– Ủa, không ổn rồi. Sao chân anh Hai trắng thế? Ở đây không có ai chân trắng như anh Hai đâu. Thôi hãy tạm dừng để cải trang lại đã.
Tôi nhìn xuống đôi chân mình mà ngạc nhiên không hiểu sao hôm nay lại thế? Có lẽ vì mặc chiếc quần đùi cũ sẫm màu, hóa trang làm nông dân nên đôi chân bỗng được tôn lên. Thế là hai cô du kích thay nhau đốt rơm rạ, lấy than xoa lên đôi chân tôi cho thật giống chân của những người nông dân đất thép. Xong xuôi, chúng tôi thẳng hướng căn cứ Đồng Dù tiến bước. Trên đường, tôi chú ý quan sát địa hình: Bên phải là hàng loạt tháp canh của dân vệ, bảo an trong các ấp chiến lược, bên trái là sông Sài Gòn… Căn cứ Đồng Dù nằm trên một cánh đồng khá rộng, giữa ấp chiến lược với sông.
Quân giải phóng tiến công, đánh chiếm căn cứ Đồng Dù. Ảnh tư liệu.
…Đồng Dù trước đây vốn là căn cứ của Sư đoàn bộ binh cơ giới số 25 Mỹ với biệt danh “Tia chớp nhiệt đới”. Nó được thành lập trong Đại chiến thế giới thứ 2, chuyên tác chiến trên chiến trường châu Á – Thái Bình Dương. Sư đoàn này đã từng đổ bộ đánh chiếm nước Nhật và tham gia chiến tranh ở Triều Tiên, nổi tiếng đánh nhanh và chưa hề thất bại. Đây là sư đoàn bộ binh cơ giới được biên chế rất mạnh gồm 12 tiểu đoàn bộ binh cơ giới, 3 tiểu đoàn xe tăng, 6 tiểu đoàn pháo 105mm và 155mm, một tiểu đoàn không quân dã chiến cùng nhiều đơn vị bảo đảm khác với quân số chính thức 17.666 người, được đưa vào chiến trường miền Đông Nam Bộ cuối năm 1965. Khi mới vào miền Đông Nam Bộ, Sư đoàn bộ binh cơ giới này rất hung hăng, mở nhiều cuộc càn quét đánh phá vùng Củ Chi ác liệt. Quân – dân Củ Chi bám vào địa đạo tổ chức vành đai diệt xe cơ giới Mỹ xung quanh căn cứ, làm cho chúng mất ăn mất ngủ, tiêu hao nhiều sinh lực và phương tiện. Bộ binh cơ giới không có cách nào chui xuống địa đạo, phải tác chiến với một đội quân khi ẩn khi hiện như thần luôn rình rập bên mình. Chúng tập trung lực lượng tiến công vào chỗ không người, nhưng hễ dừng chân là bị bám đánh, trở về căn cứ là bị phục kích bất cứ chỗ nào. Sư đoàn bộ binh cơ giới nổi tiếng của Mỹ trong đại chiến thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên đã trở nên không phù hợp, mất tác dụng trước cách đánh biến hóa của quân và dân “Đất thép Củ Chi” anh hùng. Cộng thêm thất bại trong cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty định tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến Miền Nam và lực lượng chủ lực ở Miền chiến khu Dương Minh Châu (tháng 2-1967), Mỹ buộc phải giải thể đơn vị này để tổ chức thành một Sư đoàn bộ binh thường, chấm dứt sự nghiệp của một Sư đoàn bộ binh cơ giới Mỹ tưởng lẫy lừng nhưng cuối cùng lại phải tiêu tan trên “Đất thép”…
Vừa đi chúng tôi vừa trao đổi với các cô du kích để tìm hiểu thêm về quy luật hoạt động của địch. Chúng tôi đã đến rất gần căn cứ, chỉ cách khoảng vài trăm mét. Xung quanh chúng tôi cùng có nhiều tốp nông dân đang cuốc đất. Theo các cô du kích, trước đây địch không cho ai vào gần như thế này. Chỉ sau khi ta đánh thắng ở Tây Nguyên và Thừa Thiên – Huế, chúng tỏ ra chán nản, tìm cách lấy lòng dân để sau này không bị hỏi tội nên mới để mọi người vào gần căn cứ làm ăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không vào quá gần, để phòng chúng phát hiện thì sẽ rất nguy hiểm.
Dừng chân vừa cuốc đất vừa quan sát cách bố phòng của địch trên hướng đông, chúng tôi nhích dần lên hướng đông bắc – hướng dự định tiến công chủ yếu. Theo sự đạo diễn của các cô du kích, chúng tôi dừng lại cùng với mấy nông dân làm đồng khác, tiến hành đào lỗ hun khói bắt chuột đồng nướng ăn. Tôi và anh Sáu Khâm vừa quạt khói vừa quan sát, ghi nhớ từng lô cốt, hàng rào, hỏa điểm, các trận địa… còn các cô thay nhau đuổi bắt chuột và nướng chuột, sau đó ngồi ăn trưa và đánh dấu từng vị trí lên sơ đồ vẽ tạm. Khoảng 14 giờ chúng tôi đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ trinh sát chỉ huy trên hướng chủ yếu.
Đêm hôm đó, các nam du kích dẫn đường từng mũi đột nhập hàng rào trinh sát, đoạn đột phá trên hướng chủ yếu, hướng thứ yếu và hướng phối hợp…
Sau khi trinh sát Đồng Dù tôi rất lo vì nhiệm vụ của Sư đoàn là chặn đứng Sư đoàn 25 ngụy trên hướng Tây Ninh không cho chúng co về Sài Gòn, trong khi hầu hết lực lượng của Sư đoàn này lại nằm ngoài dã ngoại (gồm Trung đoàn 46, Trung đoàn 49, Trung đoàn 50 (-), căn cứ Đồng Dù chỉ có một tiểu đoàn của Trung đoàn 50 và các đơn vị hậu cứ). Tôi nói với anh Sáu Khâm về đề nghị với Bộ chỉ huy Miền không nên sử dụng Sư đoàn 316 đột phá căn cứ Đồng Dù mà chỉ để một bộ phận bao vây, còn đại bộ phận lực lượng Sư đoàn tổ chức chốt chặt trên trục đường 22 và đường 1 kết hợp với bao vây chia cắt từng cụm địch đóng dã ngoại để tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy. Tôi xin bảo đảm với Bộ chỉ huy Miền nếu để Sư đoàn 25 ngụy co về Sài Gòn tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Sau đó Sư đoàn 316 chúng tôi nhận nhiệm vụ ngăn chặn và tiêu diệt lực lượng của Sư đoàn 25 ngụy đóng dã ngoại. Mặc dù mọi thứ Sư đoàn 316 đã sẵn sàng nhưng theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh, nhiệm vụ tiến công tiêu diệt căn cứ Đồng Dù được chuyển giao cho Sư đoàn 320 đảm nhiệm… Chúng tôi bàn giao toàn bộ tình hình địch tại căn cứ Đồng Dù mà mình đã tiến hành trinh sát cho Sư đoàn 320 để kịp bắt tay vào nhiệm vụ vừa nhận.
Ngày 3-4-1975, Sư đoàn 316 được lệnh hành quân vào Trảng Bàng – Tây Ninh nhận nhiệm vụ chiến đấu. Đã cuối mùa khô thời tiết nắng, trời ít mây, khác hẳn với miền Bắc. Trên những chiếc xe vận tải quân sự và dân sự cán bộ, chiến sĩ hồ hởi lên đường. Tin vui chiến thắng loan báo dồn dập và liên tiếp từ các miền đất nước, khẩu hiệu “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” càng giục giã đoàn quân đi nhanh, đi gấp để kịp dự trận quyết chiến cuối cùng. Tuy nhiên, trong cuộc hành quân này Sư đoàn cũng gặp một chút trục trặc. Để bảo đảm an toàn, đội hình hành quân của Quân đoàn, Bộ tư lệnh Quân đoàn không cho Tiểu đoàn thiết giáp M113 đi cùng đội hình hành quân của Sư đoàn 313, bộ phận này phải ở lại chờ cho quân đoàn đi hết mới được hành quân tiếp. Do đó, khi vào khu tập kết anh em phải mất khá nhiều thời gian mới tìm về được đơn vị.
Ngày 5-4-1975, Sư đoàn đến vị trí tập kết và nhận ngay nhiệm vụ chính thức từ Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 là Sư đoàn 316 chuyển sang làm nhiệm vụ chốt chặn chiến dịch thực chất là tổ chức trận địa phòng ngừa ngăn chặn địch trên trục đường số 1 và số 22, đoạn tới Gò Giầu – Tây Ninh đến Củ Chi không cho Sư đoàn 25 ngụy từ Tây Ninh co về tăng cường cho tuyến phòng thủ nội đô Sài Gòn, tiến tới tiêu diệt Sư đoàn này thật nhanh để sau đó làm lực lượng dự bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, vào chiến đấu trong nội đô Sài Gòn.
Địa bàn tác chiến của Sư đoàn 316 lần này nằm trong khu vực 3 huyện Gò Dầu, Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh và Củ Chi của Sài Gòn – Gia Định là nơi nổi tiếng trong cả nước về tinh thần kiên cường bất khuất của nhân dân đã bao năm chiến đấu oanh liệt với quân thù. Đây cũng là nơi tiếp giáp giữa Tây Ninh với Sài Gòn – Gia Định. Chiến trường trải rộng trên một địa hình bằng phẳng. Qua những cuộc càn đi quét lại nhiều năm của quân Mỹ – Ngụy, cây cối làng mạc trong vùng đã bị chặt phá trơ trụi, tiêu điều. Các điểm dân cư phân tán thành từng xóm nhỏ, nhà cửa lụp xụp, tản mát ven bìa cây lụp xụp.
Tôi bỗng nhớ lại cuối năm 1967. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công chiến lược Tết Mậu Thân 1968, khi đang phụ trách Trưởng phòng Quân huấn kiêm Phó phòng Tác chiến Miền, tôi đã đến ấp Lộc Hưng làm việc với Bộ Tham mưu khu Sài Gòn – Gia Định. Địa hình hồi đó còn khá rậm rạp, cây cối từng ấp còn nhiều, thế mà nay đã trơ trụi, trống lốc. Các trục đường lớn chia cắt ngang dọc. Đường 1 từ Sài Gòn đi Phnôm-Pênh, đường 22 nối đường 1 từ Gò Dầu đi Tây Ninh lên biên giới Cam-pu-chia, tỉnh lộ 2 từ Củ Chi cắt ngang lộ 6 và cùng các lộ 6, 7 hình thành mạng lưới giao thông nối liền vùng giải phóng với vùng tạm chiến. Sông Sài Gòn chảy qua ba huyện theo hướng bắc – đông nam.
Từ những ngày đầu đến Trảng Bàng – Củ Chi, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn được nhân dân đùm bọc, chăm sóc, giúp đỡ mọi mặt. Càng căm thù giặc, đồng bào càng dành cho Sư đoàn tình yêu thương nồng hậu.
Sau mấy hôm tổ chức ổn định nơi ém quân, ngày 7-4-1975, Sư đoàn tổ chức đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường. Trên hướng này, ngoài Sư đoàn bộ binh 25 ngụy còn có Liên đoàn biệt động quân 32, các đơn vị bảo an, cảnh sát, dân vệ cùng Thiết đoàn 10 tăng – thiết giáp. Về pháo binh, trong địa bàn địch có 48 khẩu, chúng bố trí lực lượng hình thành 3 cụm phòng ngự liên hoàn có thể chi viện ứng cứu cho nhau: Cụm Bến Kéo – Trà Võ nòng cốt là Trung đoàn bộ binh 49, Sư đoàn 25 ngụy; Cụm Trảng Bàng – Bầu Đồn nòng cốt là Trung đoàn bộ binh 46, Sư đoàn 25 ngụy; Cụm Suối Sâu-Phước Hiệp-Đồng Chùa nòng cốt là một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 50/Sư đoàn 25 ngụy và Liên đoàn biệt động quân 32.
Cả 3 cụm phòng thủ này đều nằm trên các trục giao thông án ngữ tuyến ngoài của Sài Gòn – Gia Định. Địch dựa vào các cứ điểm xây dựng từ lâu, được củng cố nhiều lần, công sự vững chắc với đủ các loại vật chướng ngại nhiều lớp và bãi mìn dày đặc. Trong mỗi cứ điểm lại phân chia làm nhiều khu vực ngăn cách nhau để chống ta phát triển chiến đấu tung thâm.
Hỏa lực pháo binh được bố trí xen kẽ giữa các cứ điểm: Bến Kéo 2 khẩu 155mm, 4 khẩu 105mm; Bầu Nâu 2 khẩu 155mm, 4 khẩu 105mm; Gò Dầu 2 khẩu 155mm, 4 khẩu 105mm; Trảng Bàng 2 khẩu 155mm, 6 khẩu 105mm; Đồng Chùa 4 khẩu 155mm, 6 khẩu 105mm.
Ngoài ra chúng còn phân chia thành các phân đội nhỏ, phối thuộc trực tiếp cho các đơn vị phòng ngự trên các hướng quan trọng như Cẩm Giàng (4 khẩu 155mm), Bến Mương (4 khẩu 155mm), Lào Táo (4 khẩu 155mm). Các đơn vị tăng-thiết giáp cùng bộ binh địch bố trí trong các cụm trên hướng chủ yếu.
Ngày 17-4-1975, Đảng ủy Sư đoàn họp đề ra chủ trương lãnh đạo chấp hành nhiệm vụ mà Bộ tư lệnh Quân đoàn giao. Mặc dù về quân số và binh khí kỹ thuật của ta không ưu thế hơn địch trên toàn địa bàn mà Sư đoàn 316 đảm nhiệm, song trước thế áp đảo chung của chiến lược và chiến dịch, với trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng của Sư đoàn đã được nâng cao qua trận đánh mở màn giải phóng Buôn Ma Thuột, Đảng ủy và Ban chỉ huy Sư đoàn đều thống nhất quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch trong khu vực được giao bằng cách tập trung lực lượng tạo thành ưu thế tiêu diệt địch trong từng trận đánh.
Trung tướng, PGS, Tiến sĩ Nguyễn Hải Bằng
qdnd.vn
Giam chân, tiêu diệt địch trên hướng Tây Bắc Sài Gòn (bài 1)
Bài 3: Từng bước tiêu diệt Sư đoàn 25 nguỵ