III- Chiến thuật rút lui

Rút lui đối với quân chính quy là một việc rất thường và ít khi có lợi, vì quân chính quy có bị thua mới rút lui, hoặc tiến quá trớn phải rút lui để thu ngắn bớt mặt trận hay giữ vững liên lạc với mặt sau. Đối với đội du kích thì khác hẳn. Không những bị thua mới rút lui mà sau một trận thắng cũng phải rút lui để tránh viện binh của địch và nhiều khi chưa đánh đã phải rút lui để tránh cho quân địch khỏi đánh úp. Vì vậy chiến thuật rút lui mà dùng cho đúng thì đối với đội du kích không những không phải là một điều xấu hổ mà trái lại là một việc cần thiết để cho đội du kích khỏi bị tiêu diệt và có thể chuẩn bị cuộc tiến công có lợi hơn.

Đánh được rồi rút lui thì thường thường chẳng có gì là khó khǎn. Còn đến lúc bị đánh thua mới rút lui thì đó là một việc nên hết sức tránh, nếu đội trưởng đội du kích biết dò xét, đo đắn cho cẩn thận, có chắc được mới tiến công, thì đại đội quân địch đến mình vẫn có thể tránh được.

Nhưng nếu xảy ra việc bất lợi: bị đánh thua phải rút lui hay nghe tin quân địch mạnh sắp đến mà rút lui không kịp, bị đuổi theo, thì phải đối phó thế nào? Trong những lúc khó khǎn ấy, có nǎm điều cần phải chú ý:

a) Một là chọn ra một số đội viên chống với quân địch để che chở cho số đông rút lui. Trong khi rút lui, trừ khi nào bất đắc dĩ, còn thì không nên chia ra từng bộ phận, vì chia như vậy rất dễ làm cho đội viên du kích mất tinh thần hǎng hái. Điều đó nên đặc biệt chú ý.

b) Hai là đội trưởng phải tỏ tinh thần kiên quyết của mình, trong khi gặp khó khǎn hay nguy hiểm giữa đường phải làm gương can đảm cho đội viên. Có thế mới giữ được tinh thần cả đội hǎng hái như trước.

c) Ba là lúc rút lui, tuy bị quân địch theo đuổi, nhưng vẫn phải hết sức gần gũi dân chúng, cổ động dân chúng theo du kích hoặc dẫn đường, dẫn lối và giúp du kích dò thám tin tức của quân địch.

d) Bốn là rút lui phải có kế hoạch, phải có mưu mẹo. Hết sức tránh không để cho bộ đội cơ giới hoá và đội kỵ binh của quân địch đuổi kịp. Hết sức làm cho mất tung tích, quân địch không thể tìm ra mình đi nẻo nào. Theo hoàn cảnh, hoặc đi đường tắt, hoặc chọn chỗ kín ẩn nấp, rồi tới khuya sẽ kéo đi, hoặc đi quặt lại, kéo về phương hướng trái với phương hướng quân địch đuổi, hoặc cải trang ǎn mặc quần áo thường hay quần áo giống hệt quân địch, hoặc kéo quân đi thật nhanh, mỗi ngày đi nǎm sáu mươi cây số.

đ) Nǎm là lúc đã tránh khỏi bị đuổi thì tìm ngay một nơi chắc chắn, hết sức cổ động dân chúng lập ra một chỗ đứng chân, tổ chức đội du kích lại cho vững vàng hơn và chuẩn bị tiến đánh quân địch.

Trên đây là nói trường hợp quân địch quá mạnh. Còn nếu quân địch yếu, liệu thể làm được thì trong lúc rút lui nửa đường nên chọn nơi tốt, mai phục đợi chúng đi qua đánh úp cho chúng một vố! Nhớ phải cẩn thận lắm mới được! Chớ làm liều mà thất bại to!

Còn một điều nữa là trong lúc rút lui, những đội viên phụ trách việc vặt (tạp vụ) thường thường rất khó lòng giữ được trật tự. Vì vậy ngày thường nên chú trọng huấn luyện cho những đội viên ấy một cách kỹ càng. Cũng có lúc đã phái một số đội viên phụ trách che chở cho số đông rồi, nhưng các đội viên ấy chưa kịp bắn thì quân địch đã xông tới; trong những lúc nguy hiểm ấy, đội viên nào cũng phải can đảm, ra đứng mũi chịu sào chống với quân địch, che chở cho anh em, không được bối rối.

cpv.org.vn

Advertisement