Phong trào vận động hợp tác xã đã được Chính phủ cổ động và khuyến khích, lại được các báo nhiệt liệt hô hào. Song đến nay, ngó về thôn quê, chúng ta vẫn thấy vắng hình bóng hợp tác xã. Có một vài nơi đã mở hợp tác xã tiêu dùng; nhưng, trong lúc này vì giá hàng lên xuống không chừng nên buôn bán thua lỗ rồi sinh chán, không chịu tiến hành công việc đến nơi đến chốn.
Sở dĩ dân quê ta không chú ý lắm đến việc mở hợp tác xã là vì những nguyên nhân sau này:
1) Những tri thức phổ thông chưa được phổ cập ở thôn quê – ở các nước, hợp tác xã là hình thức tổ chức kinh tế rất thông thường trong dân chúng. Trong mỗi làng, mỗi phố, mỗi hầm mỏ, mỗi nhà máy, mỗi công sở, người ta đều tổ chức hợp tác xã tiêu dùng. Số tiền của mỗi cổ phần định rất nhẹ để cho người ít tiền cũng có thể góp được. Người nhiều tiền sẽ góp nhiều cổ phần hơn. Như vậy, hợp tác xã sẽ có đủ vốn để kinh doanh. Sự tiêu dùng của mọi người đều do hợp tác xã ở nơi mình làm việc cung cấp. Nhờ những hợp tác xã đó, đời sống của dân chúng nước người được đầy đủ và dễ dàng.
Còn ở xứ ta, dân chúng hình như vẫn còn bỡ ngỡ với hợp tác xã. Là vì dưới hồi thuộc Pháp, thuộc Nhật, chúng ta chẳng được phép tự do tổ chức những hợp tác xã. Đến nay, những tri thức về hợp tác xã đối với chúng ta bị coi như là mới lạ. Chúng ta chưa hiểu rõ lợi ích của hợp tác xã thế nào và cách thức tổ chức thế nào nên không dám bạo dạn đứng ra khởi xướng lập hợp tác xã.
2) Thiếu cán bộ hoạt động – Như trên đã nói, vì không hiểu biết nên không dám làm. ở nhà quê trừ một số ít người thạo việc buôn bán, kinh doanh, còn phần đông ngoài việc cày cuốc hay một vài thứ thủ công nghệ lặt vặt, không biết gì đến công việc làm ǎn khác nữa. Lại không thông thạo tính toán hay làm sổ sách nên bất luận kinh doanh nghề gì chỉ là làm theo lối buông trôi, gặp chǎng hay chớ, sao tránh khỏi được thất bại.
Những điều kiện cần thiết để phổ cập hợp tác xã thôn quê
1) Về việc cổ động tuyên truyền – Ngoài việc xuất bản sách báo nói về hợp tác xã phát cho dân quê, Chính phủ nên phái người đi các làng mở những cuộc diễn giảng làm cho dân chúng hiểu rõ lợi ích hợp tác xã và cách thức mở hợp tác xã.
2) Mở lớp huấn luyện cán bộ – Bất cứ công việc gì thiếu cán bộ, khó thực hiện được. Chính phủ nên mở ở các tỉnh những lớp huấn luyện cán bộ chuyên về hợp tác xã. Mỗi làng sẽ cử một hay hai người theo học lớp đó. Chương trình học, ngoài những thường thức về hợp tác xã, lại dạy cả những điều rất giản dị trong khoa kế toán và cách thức làm sổ sách. Kỳ hạn học nhiều nhất là một tháng. Học xong những người cán bộ đó về làng sẽ là những cái loa truyền bá lý tưởng hợp tác xã. Đồng thời, họ lại là những người giúp việc đắc lực cho dân chúng trong công cuộc vận động mở hợp tác xã.
3) Tại một vài công sở, hầm mỏ, xưởng máy, hay đồn điền, mở các hợp tác xã làm kiểu mẫu. Bắt đầu mở ngay hợp tác xã tiêu dùng và chỉ mở trong phạm vi nhỏ hẹp với một số vốn vừa đủ kinh doanh về sau sẽ dần dần mở rộng thêm. Chỉ khi nào dân chúng thấy lợi ích của hợp tác xã đã hiển nhiên thì khi đó phong trào hợp tác xã mới có thể sôi nổi, bồng bột được.
Q.Th.
Báo Cứu quốc, số 270, ngày 19-6-1946.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.