Không chỉ là một nhà chính trị kiệt xuất, một danh nhân văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà chiến lược quân sự thiên tài. Nét nổi bật trong nghệ thuật quân sự theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nghệ thuật xây dựng lực lượng và thế trận toàn dân.
Người chỉ rõ việc tạo lực cách mạng như lúc mới bắt đầu “nhóm lửa”. Đây là công việc rất khó, nhưng biết cách làm, biết cách dựa vào dân thì chắc chắn làm được. Do đó, người cách mạng phải có “tín tâm” và “quyết tâm”, biết đi vào quần chúng để thức tỉnh họ; tổ chức, đoàn kết, huấn luyện họ; làm cho dân ta ai cũng biết “đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điều kiện cụ thể của nước ta, lực lượng để tiến hành khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng không chỉ đơn thuần dựa vào lực lượng vũ trang, quân đội, mà trước hết và quan trọng nhất là lực lượng chính trị của quần chúng được giác ngộ, được tổ chức chặt chẽ và rộng khắp; phải bắt đầu bằng việc xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, rồi trên cơ sở đó xây dựng và phát triển lực lượng mọi mặt của cách mạng.
Lực lượng chính trị quần chúng không chỉ là nền tảng vững chắc và nguồn tiếp sức vô hạn cho việc phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, mà còn là một lực lượng trực tiếp tiến công địch, tiến hành công tác binh vận, địch vận, làm tan rã hàng ngũ địch. Theo Người, lực lượng của cách mạng, của kháng chiến không ngừng được phát huy, phát triển trong quá trình thực hiện đường lối “khởi nghĩa toàn dân” và “chiến tranh nhân dân”. Đường lối đó lôi cuốn được hết thảy mọi người Việt Nam yêu nước tham gia, “người có tiền góp tiền”, “người có sức góp sức”, mỗi người dân là một chiến sĩ, đánh địch trên tất cả các mặt trận: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, tiến công địch ở khắp mọi lúc, mọi nơi, cả ở tiền tuyến và hậu phương. Nhờ đó, đã huy động và tạo thành sức mạnh to lớn của toàn dân đánh giặc.
Trong chỉ đạo thực tiễn, để tạo lực lượng cho cách mạng, từ năm 1941 khi về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, thúc đẩy việc xây dựng các tổ chức cách mạng của quần chúng, hình thành các đạo quân chính trị ngày càng hùng hậu. Trên cơ sở đó, Người chỉ thị tổ chức các đội du kích, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đồng thời chăm lo xây dựng các vùng căn cứ địa và chính quyền cách mạng ở các địa phương. Nhờ thế mà khi thời cơ đến, với lực lượng cách mạng được chuẩn bị sẵn sàng và chu đáo, nhân dân ta trên mọi miền đất nước đã vùng lên giành toàn bộ chính quyền bằng cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Kế đó, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, ra sức phát triển kinh tế để bồi dưỡng sức dân, tăng thực lực kháng chiến. Người và Đảng ta chăm lo chỉ đạo công tác xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương kháng chiến vững mạnh về mọi mặt, xem đó là một nhân tố thường xuyên, quyết định thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến.
Vận dụng tư tưởng, nghệ thuật quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn chủ động xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975 là những mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam và cũng là những mẫu mực về nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
-
Việt Quân
Bạn phải đăng nhập để bình luận.