Thương yêu, chăm sóc thiếu nhi

Sinh thời, cứ vào những ngày kỷ niệm Quốc tế thiếu nhi 1.6, Tết Trung thu, Ngày khai trường hoặc mỗi khi các cháu thiếu niên nhi đồng làm được những việc tốt, đạt thành tích xuất sắc, Bác Hồ thường có thư khen ngợi, tặng quà, tặng danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ. Khi sắp đi xa, trong Di chúc  Người “để lại muôn vàn tình thân yêu cho các cháu thanh niên và nhi đồng”…

Thương yêu thiếu niên, nhi đồng là tình cảm thường trực trong Bác. Bác đặt niềm tin, ân cần khuyên nhủ, nhẹ nhàng chỉ bảo “tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tùy theo sức của mình”; biểu dương, khen ngợi kịp thời khi các cháu đạt thành tích xuất sắc, một hình thức giáo dục nêu gương, một cách nhân điển hình hiệu quả nhất. Bác chăm lo, dạy dỗ các cháu từ việc nhỏ đến việc lớn “việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”… Năm điều Bác Hồ dạy đã trở thành tiêu chuẩn đạo đức của trẻ em Việt Namphấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành cháu ngoan Bác Hồ.

Bác khuyên người lớn và các nhà giáo dục trẻ em phải nắm được tâm lý trẻ em, những điều cần dạy và cách dạy trẻ em “cách dạy phải nhẹ nhàng, đừng dạy các em trở thành những ông cụ non. Đối với trẻ em phải giáo dục như thế nào cho các cháu biết đoàn kết, ham học, ham làm, nhưng phải làm sao cho trẻ có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ hoạt bát chứ không phải khúm núm đặt đâu ngồi đấy”. Bác đặc biệt nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là người giáo dục trẻ em phải là tấm gương sáng cho các em noi theo: “Trẻ em hay bắt chước cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách phải gương mẫu, từ lời nói đến việc làm. Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”. Bác chỉ thị công việc giáo dục trẻ em là công việc không phải chỉ một số người trực tiếp giáo dục trẻ em mà phải là công việc của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội.

Bác dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Bác thực sự gương mẫu thực hiện hai lợi ích trồng cây và trồng người. Mỗi khi các cháu đạt thành tích xuất sắc, dù bận trăm công nghìn việc của cách mạng, của Đảng, của Nhà nước, Bác vẫn không quên biểu dương, khen ngợi các cháu kịp thời. Để giáo dục và khích lệ các cháu, Bác thường nêu những tấm gương điển hình của thiếu nhi trong lịch sử và trong đời sống cụ thể hàng ngày.

Bác Hồ với một tình thương yêu bao la, một tầm nhìn sâu rộng, là người đầu tiên phát hiện và chỉ ra vai trò của thiếu nhi trong sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước và cũng là lần đầu tiên khẳng định thiếu nhi là lực lượng cách mạng trong công cuộc giải phóng đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

  • Vũ Minh Quân

baobinhdinh.com.vn

Advertisement