Cuộc kháng chiến của dân ta đã lan từ Nam ra Bắc. Vì tham vọng cướp nước của bọn thực dân phản động, quân Pháp đã cố tình gây chiến với ta ở Hải Phòng, Lạng Sơn. Chiến lược của chúng là chiến lược tiến công, đánh chớp nhoáng, để giải quyết chiếm cứ thật nhanh ở một khu vực. Thế có nghĩa là chúng huy động lục quân, không quân và tất cả các thứ vũ khí lợi hại đánh chiếm lấy kỳ được một nơi nào và sau khi đã củng cố vị trí của chúng ở đó, lại bắt đầu tấn công để ngoạm miếng khác. Chúng định trừ diệt quân chủ lực của ta, bắt ta phải khuất phục rồi ra tay khủng bố, chém giết kỳ đạt được mục đích của chúng. Trận đánh Hải Phòng vừa rồi cho ta thấy rõ mưu lược ấy. Nhưng liệu chúng có đạt được ý muốn không? Một cuộc chiến tranh xâm lược nhất định không được dư luận thế giới và nhất là dư luận dân chúng Pháp biểu đồng tình. Hơn nữa binh sĩ Pháp đã chịu đau khổ vì chiến tranh, rất chán ghét chiến tranh, không vạ gì lại đổ máu để cho quân cướp nước hưởng lợi. Không thể cậy vũ khí mà có thể quyết định được thắng lợi. Phải xem những người cầm vũ khí có phải là những chiến sĩ hǎng hái đánh trận không. Vụ lính Pháp tự tử vì bị điều động đi Lạng Sơn, vụ lính Pháp rải truyền đơn phản đối chiến tranh ở Đồn Thuỷ, đã nói nhiều về thái độ của binh sĩ Pháp hiện giờ đối với chiến tranh xâm lược như thế nào.
Lại như ở Nam Bộ, quân Pháp gây chiến với ta đã hơn một nǎm, nhưng gặp sức kháng chiến dẻo dai của quân ta, chúng vẫn chưa thành cơm cháo gì mà lại còn ǎn không ngon, ngủ không yên với những đội quân du kích của ta.
Còn chúng ta chiến đấu là để tự vệ, cốt phá tan lực lượng tiến công của quân địch làm cho chúng phải hao quân tốn của. Dù có chiếm được nơi nào, nhưng luôn bị quấy rối, chúng không thể yên thân nuốt trôi miếng mồi đã ngoạm được.
Vì vậy, chiến lược của ta là chiến lược phòng ngự. Về phương pháp tác chiến, chúng ta áp dụng vận động chiến song song với du kích chiến. Vận động chiến có mục đích trừ diệt một số lớn địch quân. Còn du kích chiến là huy động dân quân ở địa phương vừa quấy rối vừa làm hao mòn lực lượng của chúng. Chúng ta không cố chiếm hoặc cố giữ trận địa, trừ khi nào cần và có lợi. Để tiến hành vận động chiến một cách lợi, có khi chúng ta rút lui ở một nơi nào, để làm phân tán binh lực của địch quân. Thế có nghĩa là chúng ta chia ra mà đánh. Chúng ta nhất định không bị thất bại, nếu chúng ta còn bảo toàn được thực lực.
Để thực hiện du kích chiến, chúng ta tổ chức ra đội cảm tử, đội phá hoại, đội đánh úp, đội đánh mai phục, đội cướp lương thực súng đạn, đội trinh sát. Kế hoạch tiêu thổ vườn không nhà trống, kế hoạch bất hợp tác phải được đem áp dụng một cách triệt để. Trong thành phố, ngoài những hầm hố, những chướng ngại vật, chúng ta phải biến mỗi nhà thành một ổ kháng chiến, phải đào đường hầm thông từ phố nọ sang phố kia. Trên các ngả đường quan lộ đã đành đắp nhiều ụ đất làm chướng ngại vật, nhưng trên dọc đường còn phải đặt nhiều địa lôi, nhất là ở những chỗ có cầu cống. Nếu có xe tǎng, xe thiết giáp qua đó, sẽ giựt địa lôi làm nổ tung cầu hay đường thành hố sâu, đồng thời phải có đồ vật đốt cháy xe tǎng. Xa những đường quan lộ đó, chọn những nơi kín đáo, đặt ổ súng đại bác hay súng liên thanh. Chúng ta phải dùng đủ mọi phương pháp để cản trở quân địch, địch đến một chỗ nào cũng không thể tiến quân được. Để kháng chiến lâu dài, mỗi làng, ngay từ bây giờ, phải biến ra một thành luỹ kháng chiến.
Chúng ta biết rằng kháng chiến lâu dài cần phải chuẩn bị đầy đủ và tất nhiên phải qua nhiều giai đoạn khổ sở, gian lao. Trong tám nǎm giời, quân đội Trung Hoa chống nhau với phát xít Nhật có lực lượng mạnh hơn, thế mà cũng thắng được địch quân bằng chiến thuật du kích và bằng tinh thần chịu đựng gian khổ. Cũng bằng chiến thuật du kích, quân Nam Tư đã thắng nổi được Đức. Chúng ta học kinh nghiệm quân đội Trung Hoa và quân đội Nam Tư, chúng ta nhất định sẽ thắng trong cuộc chiến đấu tự vệ của chúng ta.
Q.T.
Báo Cứu quốc, số 434,
ngày 13-12-1946.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.