Trả lời phỏng vấn của phóng viên Hãng Thông tấn Pháp (11-11-1954)

Hỏi: Thưa Chủ tịch, theo ý Chủ tịch thì phương pháp nào là phương pháp tốt nhất để đặt những quan hệ tin cậy và thân thiện giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và nước Pháp và để lập lại một không khí thuận lợi giữa hai nước sau 8 nǎm chiến tranh?

Trả lời : Theo ý tôi, phương pháp tốt nhất là sự hiểu biết lẫn nhau, lòng hoàn toàn trung thực và tin cậy đối với nhau.

Hỏi : Chủ tịch xét những quan hệ kinh tế giữa hai nước tương lai sẽ như thế nào? Nếu Chính phủ hoặc tư nhân Pháp cho vay vốn, thì Chủ tịch có nhận không? Và nếu nhận thì nhận với những điều kiện như thế nào?

Trả lời : Những quan hệ kinh tế giữa hai nước phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên đều có lợi.

Đó là một vấn đề hai bên cần phải thảo luận với nhau.

Hỏi: Theo ý Chủ tịch, phải chǎng việc ông Xanhtơni trở lại Hà Nội với tư cách đại diện nước Pháp có thể làm cho dễ dàng trong một phạm vi quan trọng việc lập lại những quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa nước Pháp và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà? Chủ tịch có thấy cần có một người đại diện của quý Chính phủ ở Pari không?

Trả lời : Chúng tôi biết ông Xanhtơni từ lâu. Tôi nghĩ rằng ông Xanhtơni có thể giúp vào việc lập lại những quan hệ tin cậy giữa hai nước chúng ta, nếu những cố gắng của chúng ta không gặp những trở ngại lớn.

– Chúng tôi có câu tục ngữ “Có đi có lại mới toại lòng nhau”.

Hỏi : Chủ tịch có cho rằng tình hình ở miền Nam Việt Nam sẽ biến chuyển đến nỗi không thể chờ hai nǎm nữa tuyển cử để định đoạt vận mệnh toàn bộ nước Việt Nam không?

Chủ tịch có e ngại rằng việc phân chia hiện thời của nước Việt Nam sẽ có thể kéo dài như việc phân chia nước Đức và nước Triều Tiên, là những nước mà lúc đầu việc phân chia cũng chỉ đặt ra tạm thời thôi?

Trả lời: Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ hoạt động không ngừng để thực hiện thống nhất đất nước theo phương pháp hoàn toàn phù hợp với Hiệp định Giơnevơ.

– Những điều kiện của nước Việt Nam khác những điều kiện của nước Triều Tiên và nước Đức.

Hỏi: Trong một tương lai gần đây, Chủ tịch có dự định đi thǎm nước ngoài không?

Trả lời: Hiện nay, tôi chưa có một kế hoạch nào về việc đó.

Hỏi: Chủ tịch có cho rằng một số lớn người Pháp đã rời Hà Nội trước ngày Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào nên trở lại Hà Nội hay không? Chủ tịch có cho rằng những ngành hoạt động nào nên có những người kỹ thuật hoặc kinh doanh Pháp hơn cả?

Chủ tịch có ý định nhờ những nhà kỹ thuật Trung Quốc, Liên Xô hoặc các nước dân chủ nhân dân châu Âu giúp trong công cuộc kiến thiết lại và phát triển của nước Việt Nam không?

Trả lời : – Nếu họ trở lại, họ sẽ được hoan nghênh.

– Đó là những ngành hoạt động kinh tế.

– Chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề này.

Hỏi: Chủ tịch có ý định kế hoạch hoá việc phát triển kinh tế của nước Việt Nam không? Theo ý Chủ tịch thì có thể có một kế hoạch chung trước khi thống nhất nước Việt Nam được không?

Trả lời : ở thời đại chúng ta, tôi nghĩ rằng bất cứ nền kinh tế nào ít hay nhiều cũng phải kế hoạch hoá.

– Một kế hoạch chung thì phải đặt ra với chung toàn quốc.

Hỏi: Ở Hội nghị Giơnevơ, ông Phạm Vǎn Đồng có nhắc đến việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có thể ở trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Chủ tịch xét khả nǎng đó về mặt thực tế như thế nào? Có nhất thiết vì điều đó mà phải xét lại hiến pháp nước Pháp không? Chủ tịch có cho rằng hiện nay ở Việt Nam và Pháp, đối với việc thiết lập những quan hệ về tổ chức giữa hai chế độ khác nhau như vậy, dư luận đã được chuẩn bị chưa?

Trả lời : Khả nǎng và điều kiện nước Việt Nam tham gia khối Liên hiệp Pháp sẽ thảo luận giữa Chính phủ hai nước chúng ta, nếu cả hai bên đều muốn như vậy.

– Hiến pháp nước Pháp là việc nội bộ của nhân dân Pháp và chỉ quan hệ đến nhân dân Pháp mà thôi.

– Tôi nghĩ rằng tinh thần nhân dân Việt Nam cũng như tinh thần nhân dân Pháp đều sẵn sàng xét vấn đề đó, bởi vì những chế độ khác nhau có thể cùng chung sống hoà bình được.

Báo Nhân dân, số 260,
ngày 11-11-1954.
cpv.org.vn

Advertisement