Lần trước Bác đến đây, các cô các chú chưa tiến bộ. Qua nǎm 1959, cán bộ và công nhân đã tiến bộ khá, hoàn thành vượt mức kế hoạch. Nhà nước, đã biết sắp xếp công việc, nên đã tiết kiệm được hơn 31 vạn giờ, nhặt sắt thép vụn đúc được hơn 200 tấn máy móc. Như vậy là tốt, cần cố gắng nhiều hơn nữa. Quỹ phúc lợi đã dùng bảo hiểm lao động được gần 20 vạn đồng; nếu biết tiết kiệm và tǎng nǎng suất nhiều hơn nữa thì số tiền đó sẽ tǎng nhiều hơn nữa.
Như các cô các chú đã biết, máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ vǎn hoá và kỹ thuật thì không thể điều khiển được. Trước đây làm việc theo lối thủ công, nhưng bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học tập vǎn hoá, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết. Nǎm qua nhà máy đã có 90% cán bộ và công nhân học vǎn hoá. Đó là một bước tiến khá. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, cần phải vận động sao cho tất cả mọi người đều đi học. Ví dụ: Nhà máy sản xuất xe hơi ở Liên Xô có một phân xưởng làm píttông rất lớn mà chỉ do 10 công nhân phụ trách, vì máy móc hoàn toàn tự động cả. Gần đây, Liên Xô lại phóng một tên lửa vượt xa 12.500 cây số, rơi sát chỗ đã định, bay nhanh một giờ trên 26.000 cây số. Cần phải có trình độ vǎn hoá và kỹ thuật cao mới làm được các việc như vậy. Muốn điều khiển và sản xuất được các máy móc hiện đại, cán bộ và công nhân ta cần phải ra sức học tập vǎn hoá và kỹ thuật. Trai, gái, trẻ, già, cán bộ, công nhân đều phải học cả.
Trong nǎm qua, nhà máy còn có một số khuyết điểm về các mặt như sử dụng vật liệu, dụng cụ không đúng tiêu chuẩn, thường vượt quá mức đã định, một số bộ phận máy móc làm ra chất lượng còn kém, chưa đúng quy cách; tỉ lệ người gián tiếp sản xuất còn quá cao. Như vậy là còn lãng phí rất nhiều. Nguyên nhân là do quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế còn yếu, kỷ luật lao động, tinh thần trách nhiệm và ý thức bảo vệ của công còn kém.
Kế hoạch nǎm 1960 rất quan trọng, vì nó là nǎm kết thúc kế hoạch 3 nǎm và chuẩn bị bước vào kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề ấy, cán bộ và công nhân phải ra sức sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm đã đạt được. Mặt khác phải thực hiện hạch toán kinh tế cho tốt: phải bảo đảm các bộ phận sản xuất cân đối, tiến hành ǎn khớp nhịp nhàng. Các cô, các chú đã phát huy nhiều sáng kiến và đề nghị nhiều ý kiến tiết kiệm vật liệu, thì giờ, nhưng chưa áp dụng hết. Bộ phận theo dõi sáng kiến phải đúc kết sáng kiến đã đạt được để phổ biến rộng rãi và áp dụng ý kiến của công nhân đề nghị.
Công tác cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức như cái kiềng ba chân, nếu hai chân dài, một chân ngắn thì không thể nào đứng vững được. Muốn làm tốt các việc này phải thực hiện dân chủ. Cán bộ phải dựa vào quần chúng để giải quyết khó khǎn, 10 người làm không được thì 100 người góp 100 ý kiến lại nhất định sẽ làm được.
Muốn làm tốt những việc trên, cán bộ và công nhân phải thật thà tự phê bình và phê bình, giúp đỡ lẫn nhau, vì khuyết điểm của một người không phải của riêng một người đó, mà có ảnh hưởng đến toàn nhà máy. Phải nâng cao kỷ luật lao động, kỷ luật sản xuất, đảm bảo an toàn lao động, chống lãng phí, cố gắng học tập vǎn hoá, học tập kỹ thuật.
Đặc biệt là phải chú trọng học tập kinh nghiệm và tác phong công tác tốt của các đồng chí chuyên gia bạn.
Đảng viên và đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi công tác, trong học tập và chấp hành kỷ luật lao động. Đảng viên, đoàn viên phải giúp đỡ người ngoài Đảng, ngoài Đoàn cùng tiến bộ.
Bác chúc các cô, các chú mạnh khoẻ, vui vẻ, tiến bộ và làm theo đúng lời hứa là: thực hiện vượt mức kế hoạch nǎm 1960 cả về số lượng, chất lượng và tiết kiệm để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
————————-
Nói ngày 2-2-1960.
Báo Nhân dân, số 2148, ngày 4-2-1960.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.