Nhân dân ta vốn có truyền thống giàu lòng yêu nước, cần cù, tiết kiệm và luôn luôn sẵn sàng hy sinh tất cả để phục vụ Tổ quốc. Cho nên, mỗi khi cách mạng cần đến sức người, sức của thì nhân dân đều nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ta. Nhờ vậy mà cách mạng đã thành công, kháng chiến đã thắng lợi.
Đồng thời, Đảng ta luôn luôn kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và nhân dân ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Tuy vậy, trong các ngành, các đơn vị, các địa phương, việc sử dụng sức của, sức người của nhân dân còn nhiều chỗ không hợp lý. Cho nên từ nay, chúng ta bắt đầu mở một cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Cần phải dứt khoát rằng số đông cán bộ và công nhân ta đều tận tụy và trong sạch. Cho nên chúng ta đã thu được những thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhưng vẫn còn một số người không tốt, còn phạm sai lầm tham ô, lãng phí và còn mang nặng bệnh quan liêu, ảnh hưởng rất xấu đến công cuộc xây dựng kinh tế của nhân dân ta. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết chống lại những tệ hại ấy.
Cuộc vận động này sẽ tổ chức thế nào, chỉ đạo thế nào, tiến
hành thế nào cho tốt? Những điều đó sẽ có chỉ thị đầy đủ của Bộ Chính trị và của Ban chỉ đạo Trung ương. ở đây tôi chỉ tóm tắt nêu ra mấy điểm.
Chống tham ô – Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người. Nhân dân lao động ta làm lụng đổ mồ hôi sôi nước mắt để góp phần xây dựng của công – của Nhà nước và của tập thể. Của công ấy là nền tảng vật chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống của nhân dân ta.
Tham ô là lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư. Nó có hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, có hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, có hại đến đạo đức cách mạng.
Nếu nhà ai bị mất cắp, mất trộm, thì hô hoán lên và cả xóm, cả làng đuổi bắt kẻ trộm. Khi của công bị mất cắp, mất trộm thì mọi người đều có trách nhiệm vạch mặt kẻ gian và đưa nó ra trước pháp luật vì mọi người đều có nghĩa vụ giữ gìn của công.
Của công của Nhà nước và của tập thể là “bất khả xâm phạm”, tham ô của công tức là xâm phạm đến lợi ích chung của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân. Vì vậy, kiên quyết chống tham ô là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta.
Chống lãng phí – Lãng phí và tham ô tuy khác nhau ở chỗ lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể thì lãng phí cũng có tội. Ví dụ: tên A tham ô 1.000 đồng, tên B lãng phí 1.000 đồng. Kết quả tai hại đến của công thì B cũng chẳng khác gì A.
Lãng phí có nhiều hình thức: hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo, ví dụ làm một ngôi nhà không hợp thức, làm xong rồi phải phá đi làm lại. Hoặc vì tính toán không cẩn thận, điều động hàng trăm hàng nghìn người đến công trường, nhưng chưa có việc làm hay là người nhiều việc ít, phải để họ trở về. Hoặc vì xa xỉ, phô trương hình thức, nào liên hoan, nào “báo chí”, nào kỷ niệm, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước, v.v ..
Nói tóm lại, lãng phí là vì thiếu tinh thần trách nhiệm, không có ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước, của nhân dân.
Chống quan liêu – Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách.
Vì vậy, bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu.
Tai hại do các tệtham ô, lãng phí, quan liêu gây ra – Chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta là rất tốt đẹp, mạnh mẽ, vững như một người khổng lồ có sức khoẻ dồi dào. Tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là cái xấu xa do xã hội cũ để lại, như cái ung nhọt còn sót lại trên thân thể của người khổng lồ. Công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng mạnh khoẻ thêm. Cho nên, vạch những tệ hại nói trên để sửa chữa, chúng ta không sợ kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền.
Theo con số đã nắm được từ năm 1958 đến 1961 thì những vụ tham ô đã làm hao tổn của Nhà nước hàng triệu đồng. Hiện nay có nơi, những người tham ô đã tự giác thật thà nhận lỗi và hứa quyết tâm sửa chữa.
Sốlãng phí rất lớn. Gần đây, một số nhà máy và công trường đã bắt đầu cố gắng sửa chữa. Tuy vậy, trong mấy năm nay đã lãng phí hàng chục triệu đồng.Với số tiền bạc, của cải bị tham ô, lãng phí đó, người ta có thể làm được:
Hoặc 10 công trình thuỷ lợi như Bắc – Hưng – Hải,
Hoặc 5 Nhà máy cơ khí trung quy mô,
Hoặc mấy ngôi nhà 4 tầng cho một vạn người ở.
Tiền bạc, của cải đó là do nhân dân ta đóng góp, cũng có phần do nhân dân các nước anh em giúp đỡ. Để hao hụt vì tham ô, lãng phí là không biết thương tiếc mồ hôi nước mắt của nhân dân ta, không biết quý trọng sự giúp đỡ chí tình của nhân dân các nước anh em. Cho nên chúng ta, tất cả những cán bộ phụ trách của Đảng và Chính phủ, phải thật thà tự phê bình, nhận khuyết điểm và làm gương mẫu sửa chữa trong cuộc vận động này.
Việc chống tham ô,lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên. Nó có hai ý nghĩa quan trọng:
– Nó làm cho mọi người nâng caotinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, để nâng cao đời sống của nhân dân.
– Nó giúp cho cán bộ và đảng viên ta giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Do đó mà nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết thêm, lực lượng ta đã hùng mạnh, càng hùng mạnh thêm.
Trong cuộc vận động này, chúng ta cần ôn lại những lời căn dặn của Lênin. Năm 1918, trong quyển Nhiệm vụ trước mắt của chính quyền xôviết, Lênin đã dạy:
“Phải rành mạch và thật thà kế toán tiền bạc, tiết kiệm kinh tế, không lười biếng, không ăn trộm của công làm của tư, phải giữ cực kỳ nghiêm ngặt kỷ luật lao động. Trước mắt, đó là khẩu hiệu chủ yếu rất bức thiết…, là những điều kiện cần kíp và đầy đủ để làm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi triệt để… Phải chỉnh đốn kỷ luật trong hàng ngũ ta, loại trừ hết những kẻ lười biếng, lũ ăn bám, bọn trộm cắp của công… Phải dùng những biện pháp tiết kiệm nhất, phải nhổ tận gốc tất cả những hiện tượng lãng phí… Cần có những pháp luật để trừng trị tệ tham ô, lãng phí, và phải chấp hành những pháp luật ấy một cách nghiêm chỉnh…”.
Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi thì nhân dân ta phải kiên quyết thực hiện lời dạy của Lênin.
Trong cuộc vận động này, giáo dục là chính, làm cho những người đã phạm lỗi có dịp để thật thà “cải quá tư tân”. Đồng thời phải có kỷ luật thích đáng đối với những kẻ ngoan cố, không chịu ăn năn sửa chữa; đồng thời khuyến khích những người tốt càng tận tuỵ và càng gương mẫu trong việc phục vụ nhân dân. Vì vậy, cần nắm vững phần xây dựng là nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, đồng thời kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Tuy cuộc vận động phải đúng mức, không tràn lan, nhưng chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp. Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, với quyết tâm của cán bộ và sự hăng hái tham gia của quần chúng, cuộc vận động này nhất định sẽ có kết quả tốt.
Đối với cuộc vận động này, nói chung cán bộ và công nhân đều nhất trí tán thành, ai cũng cho là cần, là tốt. Nhưng lúc thi hành thì chắc có một số người lo lắng, e sợ. E sợ vì trong ba chứng bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu, bản thân mình chắc có một bệnh, hoặc nặng hoặc nhẹ. Lo lắng vì không biết cấp trên sẽ xử trí thế nào? Anh em công nhân sẽ đối với mình thế nào? Lo lắng, e sợ vì mình sẽ ở vào cảnh “trên đe, dưới búa”.
Bi quan như vậy là không đúng.Mọi người phải dũng cảm tiến lên. Ai có sai lầm thì phải có nghị lực nói thật ra và có quyết tâm sửa chữa, để thành người tốt làm việc tốt. Vàng thật thì không sợ lửa, càng được đe và búa tôi luyện, thì vàng sẽ tốt thêm.
Tôi nhắc lại: Trong cuộc vận động này, Đảng lấy giáo dục, bồi dưỡng làm chính.
– Cũng có nơi lo lắng tập thể.Nhưng cơ quan hoặc nhà máy nào đó đã được thưởng Huân chương, nay xét kỹ thì không xứng đáng. Phải chăng Huân chương ấy sẽ bị thu lại?
Không đâu. Nhưng cán bộ và công nhân từ nay phải thi đua lập nhiều thành tích để xứng đáng với vinh dự của Huân chương ấy.
– Trong nhiều công việc lớn, trước khi làm rộng khắp, chúng ta phải làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Song những nơi có vinh dự được chọn làm thí điểm thì lúc đầu cũng lo ngại: phải chăng chúng mình đã phạm sai lầm đặc biệt nhiều, cho nên phải đưa ra phê phán trước?
Nhưng mới thi hành bước đầu mà đã thu được nhiều kết quả khá, thì có thí điểm ấy đã “đổi sầu làm vui”.
Vài ví dụ: kết quả bước đầu ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm.
– Do sửa đổi cách phát lương cho công nhân mà mỗi tháng tiết kiệm được 900 công.
– Do tổ chức giao ca giao kíp cẩn thận, mà đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo vệ máy móc.
– Do thanh niên mở cuộc vận động “8 giờ vàng ngọc” mà đã trừ được các thói xấu đi muộn, về sớm, v.v…
ở công trường dệt 8-3.
– Cán bộ kế hoạch đã thường xuyên đi kiểm tra để quy định sử dụng vật liệu, tránh được lãng phí.
– Sửa đổi cách phát lương cho công nhân, mỗi tháng tiết kiệm được 500 công.
– Sửa đổi lề lối làm việc, đã giảm được 118 người.
– Thanh niên tổ chức một tuần lễ tiết kiệm, đã thu nhặt được:
36m3 gỗ vụn,
1.572 kilô sắt,
1.850 kilô gang, v.v..
Ở cửa hàng Bách hoá tổng hợp:
– Thực hiện chế độ rõ ràng khi hàng hoá vào kho và ra kho.
– Kiểm lại toàn bộ hàng hoá để xây dựng sổ sách thật nền nếp.
– Giao ca giao kíp một cách cẩn thận, v.v..
Những thành tích bước đầu đó làm cho cán bộ và công nhân đều phấn khởi đấu tranh để thu nhiều thành tích to hơn nữa.
Đó cũng là một thắng lợi bước đầu cho cả cuộc vận động chung.
*
* *
Các đồng chí,
Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu.
Chúng ta đã thấy rõ kẻ thù, Đảng đã định ra chiến lược sách lược đúng đắn. Chúng ta phải đồng tâm nhất trí, mạnh bạo xung phong.
Để giành lấy thắng lợi, chúng ta phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ.
Nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình.
Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp ở các ngành, các địa phương, đều có trách nhiệm lớn đối với nhân dân, với Đảng và Nhà nước. Đảng đã rèn luyện các đồng chí thành những cán bộ vững vàng và chúng ta đã làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi.
Cuộc vận động này kết quả tốt sẽ bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thành công và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà thắng lợi. Vì vậy, Đảng đòi hỏi đảng uỷ các cấp và thủ trưởng các cơ quan phải phụ trách hoàn toàn và lãnh đạo chặt chẽ; tất cả phải có quyết tâm làm cho cuộc vận động này thắng lợi.
—————-
Nói ngày 24-7-1962. Tạp chí Học tập, số tháng 9-1962.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.