Trả lời phỏng vấn của nhà báo Iôcô Mátxuôca (11-9-1964)

Hỏi: Thưa Chủ tịch, đề nghị Chủ tịch phân tích tình hình hiện nay của Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và nhiệm vụ của hai miền Bắc và Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh đó; cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong sự so sánh lực lượng giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa và đã có ảnh hưởng như thế nào đối với châu á, đặc biệt là đối với Đông – Nam á?

Trả lời: Miền Nam chống Mỹ và tay sai đã mười nǎm. Với lòng yêu nước, tuy bắt đầu chiến đấu với gậy tầm vông, cung ná, nhưng ngày càng thắng lợi từ nhỏ đến lớn. Nay đã có một đội quân giải phóng hùng mạnh, giải phóng hai phần ba đất đai, hơn một nửa dân số.

Đế quốc Mỹ và tay sai có 50 vạn quân, hàng vạn cố vấn Mỹ, hàng trǎm máy bay, tàu chiến, đại bác… ngày càng thất bại, sa lầy, đi sâu vào “đường hầm không lối thoát”.

Miền Nam là tiền tuyến chống Mỹ. Miền Bắc là cơ sở của cuộc đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà. Nhân dân miền Bắc ủng hộ đồng bào miền Nam của mình. Chúng tôi tôn trọng Hiệp định Giơnevơ 1954. Chính Mỹ và tay sai là những kẻ phá hoại.

Cuộc đấu tranh yêu nước của miền Nam chẳng những nhằm giải phóng hoàn toàn một nửa Tổ quốc chúng tôi, mà còn có tác dụng ngǎn chặn đế quốc Mỹ và tay sai tiến công miền Bắc Việt Nam, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một nước xã hội chủ nghĩa.

Đó là một bộ phận của phong trào chung giải phóng dân tộc đang tiến công mạnh mẽ chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới do đế quốc Mỹ cầm đầu.

Cần nói rõ thêm: đế quốc Mỹ xem miền Nam là nơi thí nghiệm “chiến tranh đặc biệt” để đàn áp các dân tộc khác. Vì vậy, cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam chúng tôi là để tự giải phóng mà cũng là một cống hiến vào cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc ở châu á, châu Phi, châu Mỹ latinh và nhất là ở Đông – Nam á, để tự vệ chống sự xâm lược của bọn đế quốc hiếu chiến, đặc biệt là đế quốc Mỹ.

Hỏi: Đề nghị Chủ tịch cho biết ý kiến về triển vọng của sự thống nhất hai miền Bắc và Nam Việt Nam.

Trả lời: Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận dân tộc giải phóng, cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam chúng tôi, dù còn nhiều gian khổ, song nhất định thắng lợi. Miền Nam nhất định sẽ được giải phóng, sự nghiệp đấu tranh để hoà bình thống nhất đất nước chúng tôi nhất định sẽ thành công.

Hỏi: Đề nghị Chủ tịch cho biết những đặc điểm của công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển sau này của chủ nghĩa xã hội trên thế giới?

Trả lời: Chúng tôi xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh một nước vốn là thuộc địa, một nước nông nghiệp lạc hậu, lại bị chiến tranh xâm lược tàn phá. Hoàn cảnh ấy, cố nhiên gây cho chúng tôi rất nhiều khó khǎn. Song, những thắng lợi bước đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cho phép chúng tôi tin tưởng chắc chắn ở sự cần thiết và khả nǎng của một nước như nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách thắng lợi không phải qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa.

Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết Việt Nam đối với vấn đềchủ nghĩa xét lại trong phe xã hội chủ nghĩa như thế nào?

Trả lời: Lịch sử phong trào cách mạng thường có những mâu thuẫn, có những cuộc đấu tranh về tư tưởng, nhưng kết quả là chủ nghĩa Mác – Lênin thắng lợi, cách mạng ngày càng phát triển.

Chúng tôi tin rằng cuộc đấu tranh tư tưởng trong phe xã hội chủ nghĩa, tuy còn khó khǎn, nhưng sẽ được giải quyết tốt đẹp. Trong cuộc đấu tranh ấy, chúng tôi luôn luôn giữ thái độ kiên trì đoàn kết trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, bảo vệ những nguyên tắc cách mạng của hai bản tuyên bố Mátxcơva 1957 và 1960.

Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch có lời gì gửi nhân dân Nhật Bản trên tinh thần tǎng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Trả lời: Nhân dân Việt Nam rất cảm phục tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Nhật Bản chống đế quốc Mỹ và bọn phản động trong nước, nhằm xây dựng một nước Nhật Bản hoà bình, độc lập, dân chủ và xây dựng tình hữu nghị với các dân tộc.

Chúng tôi cảm ơn sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân Nhật Bản đối với cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam chúng tôi và đối với cuộc đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam chúng tôi.

Mong rằng tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản ngày càng chặt chẽ, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước chúng ta, của nhân dân châu á và nhân dân toàn thế giới yêu chuộng hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

————————

Báo Nhân dân,số 3816, ngày 11-9-1964.
cpv.org.vn

Advertisement