Bác và đồng chí Phó Thủ tướng Phạm Hùng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thǎm đồng bào và cán bộ tỉnh nhà, thǎm hợp tác xã Hồng Thái. Nhân tiện đây, Bác gửi lời chào và cảm ơn các đồng chí chuyên gia Trung Quốc đang giúp tỉnh Hải Dương về nông nghiệp.
Riêng về hợp tác xã Hồng Thái, Bác có mấy ý kiến:
Ngày nay thấy cảnh tươi vui no ấm của xã Hồng Thái, chắc không ai ngờ rằng trước cách mạng, đó là một nơi chiêm khô mùa thối, nhân dân đói nghèo. Non 3.000 người dân mà nǎm 1945 đã có 1.200 người chết đói! Chỉ một việc đó, đủ nói lên tình trạng xã này xưa kia.
Từ ngày cải cách ruộng đất thắng lợi, nhất là từ nǎm 1960, Hồng Thái đã thay đổi hẳn. Mấy con số sau đây nói rõ sự đổi mới nhanh chóng ấy.
1960 1964
– Ruộng chiêm và mùa 378 ha 543 ha
– Tổng sản lượng thóc 800 tấn 1.285 tấn
– Cá bán được 5.900 đồng 18.900 đồng
– Lợn 720 con 1.224 con
– Thu nhập của một lao động 315 kg 672kg
– Bán thóc và nộp thuế cho Nhà nước 289 tấn 423 tấn
Đời sống vật chất được nâng cao, đời sống vǎn hoá cũng phát triển. Ngày nay Hồng Thái có một trường cấp I với 450 học trò. Ngoài ra còn có 180 cháu học cấp II, 22 cháu học cấp III.
1 nhà thương nhỏ với 15 giường.
5 nhà gửi trẻ có 120 cháu.
5 lớp mẫu giáo với 200 cháu.
10 nhà tắm.
550 cái sân gạch (trước kia chỉ có 15 cái).
120 cái giếng (trước kia phải uống nước ao).
60% hộ có nhà gỗ. Hơn 80% hộ có mức sống ngang trung nông.
Đó là những đổi mới mà trước đây đồng bào Hồng Thái không có.
Do đâu mà có kết quả bước đầu tốt đẹp đó ?
Do chi bộ theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và được đồng bào hết lòng tin cậy, hǎng hái làm theo.
Hồng Thái có nǎm chi bộ (nǎm thôn) với 117 đảng viên, 83 đồng chí là “bốn tốt”. Đoàn Thanh niên Lao động có 120 đoàn viên, 90% thanh niên là “bốn tốt”.
Để giải quyết nạn nghèo khổ vì hạn và úng, chi bộ đã động viên nhân dân ra sức làm thuỷ lợi.Xã đã có một đội chuyên làm thuỷ lợi do một đồng chí chi uỷ phụ trách. Hơn một nửa số đội viên là đảng viên và đoàn viên. Đội thuỷ lợi có đầy đủ công cụ cải tiến, còn có tủ thuốc, tủ sách báo, đội bóng chuyền, v.v.. Vì được giúp đỡ mọi mặt, cho nên nâng suất lao động của đội càng ngày càng tǎng. Nǎm 1962 bình quân một công là 2 mét khối rưỡi, nǎm 1964 bình quân một công là 4 mét khối.
Do làm thuỷ lợi tốt mà ruộng một vụ thành hai vụ. Giao thông vận tải dễ dàng, đã tiết kiệm được mỗi nǎm hơn 31.500 công. Có nhiều phương tiện để trồng cây, nuôi cá. Ngày công xã viên góp vào hợp tác xã cũng tǎng thêm: Nǎm 1961 bình quân là 137 ngày công, nǎm 1964 là 289 ngày công.
Nói tóm lại, Hồng Thái tiến bộ nhiều là do đồng bào hǎng hái, cần cù, do đảng viên đoàn kết, gương mẫu. Ví dụ: đồng chí Đẩu đã 76 tuổi mà vẫn đỡ đầu dân quân. Đồng chí Yên 66 tuổi, phụ trách trồng trọt, một mình đã trồng được 5.000 cây, v.v..
Tuy vậy đồng bào và cán bộ Hồng Thái chớ nên tự mãn với những thành tích bước đầu mà cần phải cố gắng hơn nữa.
– Làm cho nǎng suất lúa ổn định và tǎng hơn.
– Đẩy mạnh chǎn nuôi hơn nữa.
– Chǎm sóc hơn nữa việc trồng cây.
Củng cố tốt và phát triển tốt Đảng và Đoàn thanh niên.
Bây giờ nói chuyện về Hải Dương.
Bác rất vui lòng nhận thấy trong nǎm vừa qua Hải Dương tiến bộ khá về các mặt như:
– Cuộc vận động cải tiến quản lý đã làm được khá tốt.
– Khối lượng thuỷ lợi nǎm 1964 nhiều bằng cả hai nǎm 1962, 1963 cộng lại. Nhưng có một số nơi, ví dụ như Kim Thành chưa bảo đảm chất lượng.
– Nuôi lợn tập thể phát triển khá. Nǎm 1963 mới có 140 hợp tác xã, nǎm 1964 đã có 365 hợp tác xã nuôi tập thể. Tuy vậy, vẫn còn gần 700 hợp tác xã chưa làm như vậy.
– Sản xuất lương thực khá cả về diện tích và sản lượng.
Nghĩa vụ thu mua lương thực và thực phẩm cho Nhà nước đã làm tốt.
– Các ngành khác, như công thương nghiệp, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, vǎn hoá, giáo dục, trật tự trị an, vệ sinh phòng bệnh – đều có tiến bộ. Tuy vậy, cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Đồng bào Hải Dương có những sáng kiến hay và những kiểu mẫu tốt cần được phổ biến, ví dụ:
Chị em phụ nữhuyện Nam Sách đã tổ chức hũ gạo tiết kiệm và thi đua gửi tiền vào quỹ tiết kiệm.
Các cháu nhi đồng xã Phượng Hoàng có phong trào “ngõ sạch đường quang, sạch làng tốt ruộng” và thi đua chǎm lo trâu béo, bò khoẻ.
Xã Hồng Tháilà kiểu mẫu về công tác thuỷ lợi tốt như đã nói trên.
Xã Nam Chínhlà kiểu mẫu công tác vệ sinh phòng bệnh. Từ chỗ uống nước ao tù, hiện nay 416 gia đình đã có 369 cái giếng, 416 hố xí hợp vệ sinh, 82 cái nhà tắm, 22 tủ thuốc, v.v.. Kết quả là bệnh ỉa chảy, đậu mùa, toét mắt, đã chấm dứt. Trước kia hơn 90% dân trong xã mắc bệnh mắt hột, nay chỉ còn 5%. Kết quả là sức khoẻ càng dồi dào, sản xuất càng phát triển.
Kiểu mẫu hợp tác xã tiên tiến thì chỉ có Đại Xuân, Hồng Thái, Hiệp An, Sạ Sơn, v.v..
Những nơi kể trên làm được, thì những nơi khác, hợp tác xã khác cố gắng nhất định cũng sẽ làm được.
Là một trong những tỉnh trọng điểm lúa ở miền Bắc, Hải Dương phải phấn đấu làm cho nông nghiệp tiến bộ mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc để cải thiện đời sống nhân dân, cung cấp nhiều lương thực và thực phẩm cho Nhà nước để góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Muốn vậy, thì thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu. Nǎm 1964, Hải Dương đã làm tương đối khá, song không được chủ quan thoả mãn. Phải đẩy mạnh phong trào thi đua đuổi kịp và vượt Hồng Thái. Phải tổ chức tốt các đội thuỷ lợi, có công cụ cải tiến. Thuỷ lợi phải kết hợp với giao thông, trồng cây, thả cá. Những hợp tác xã nào chưa có đội thuỷ lợi, phải tổ chức và trang bị tốt cho các đội thuỷ lợi. Muốn thâm canh tǎng nǎng suất, phải chú ý cả nước, phân, giống. Hải Dương phải trồng cây làm phân xanh cho nhiều. Muốn lương thực dồi dào thì phải vừa nhiều lúa, vừa nhiều hoa màu. Phải mạnh dạn tiến vào khoa học kỹ thuật nông nghiệp.
Phải chú trọng cây lương thực, đồng thời phải đẩy mạnh chǎn nuôi cho cân đối với trồng trọt. Muốn phát triển tốt chǎn nuôi thì phải có đủ thức ǎn, có giống tốt và thú y tốt. Cần phát triển cây công nghiệp, trồng cây, thả cá. vừa để cải thiện đời sống của nhân dân, vừa để phục vụ xuất khẩu. Trồng cây phải cóđội chuyên trách, phải bảo vệ tốt những cây đã trồng.
Phải lấy nông nghiệp làm chính, nhưng phải toàn diện, phải chú ý cả các mặt công nghiệp, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, giao thông, kiến trúc, vǎn hoá, giáo dục, y tế, v.v.. Các ngành này phải lấy phục vụ nông nghiệp làm trung tâm.
Phải đẩy mạnh phong trào vệ sinh nông thôn, học tập thi đua với Nam Chính, Hùng Sơn.
Phải nắm vững tay cày tay súng, đẩy mạnh quốc phòng, trật tự trị an, củng cố tốt dân quân, tự vệ, luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.
Muốn thắng lợi thì phải củng cố tốt và phát triển tốt Đảng và Đoàn. Chỉnh huấn phải làm cho tốt. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng chi bộ “bốn tốt”, chi đoàn “bốn tốt” cả ở nông thôn, xí nghiệp và cơ quan. Mọi việc phải theo tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, tránh liên hoan lu bù. Đảng viên, cán bộ phải đi sát quần chúng, củng cố và phát huy vai trò các đoàn thể quần chúng, như thanh niên, phụ nữ, công đoàn.
Hiện nay tỉnh ta có hơn 26.750 đảng viên (nhiều hơn 5 lần tổng số đảng viên ngày Cách mạng Tháng Tám) và 28.000 đoàn viên. Đó là một lực lượng cách mạng to lớn. Đảng viên và đoàn viên phải đoàn kết nhất trí, xung phong gương mẫu trong mọi công việc, làm cho Hải Dương trở nên một tỉnh gương mẫu.
Cuối cùng, Bác chúc các đồng chí cố gắng nhiều, thành tích nhiều và Bác gửi lời thân ái thǎm hỏi đồng bào và cán bộ cả tỉnh.
Nói ngày 15-2-1965.
———————–
Báo Nhân dân,số 3974, ngày 18-2-1965.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.