Tác giả : Th.s Thái Xuân Sang – Gv Khoa Quản lý nhà nước
File đính kèm: Không có
Tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết xong tháng 10 năm 1947 ký tên XYZ- Nxb sư thật xuất bản lần đầu tiên năm 1948, xuất bản lần thứ 7 năm 1959. Từ khi ra đời đến nay, tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc” luôn là văn kiện quan trọng về xây dựng Đảng. Tác phẩm được viết trong một thời kỳ đặc biệt, với bản chất xâm lược và hiếu chiến, kẻ thù đã gửi 3 tối hậu thư trong 2 ngày, đòi chúng ta phải hạ vũ khí; chúng đã buộc chúng ta phải cầm súng đứng lên bảo vệ nền độc lập. Cuộc kháng chiến trường kỳ càng khó khăn, gian khổ yêu cầu sức chiến đấu của Đảng ngày càng cao. Để kịp thời chỉnh đốn Đảng, phê bình những khuyết điểm, sai lầm, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đã kịp thời ra đời để sửa đổi lối làm việc của Đảng. Được viết cách đây hơn 50 năm, nhưng đến nay nội dung, tư tưởng tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị, là một trong những tài liệu phục vụ cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Qua việc học tập, nghiên cứu tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc”, chúng tôi nhận thấy nội dung, tư tưởng của tác phẩm không những được vận dụng rất tốt cho môn học Xây dựng Đảng, Lịch sử Đảng, Dân vận… mà còn được vận dụng hiệu quả cho môn học Quản lý hành chính, chương trình trung cấp lý luận chính trị.
Như chúng ta đã biết, cải cách hành chính Nhà nước đang là yêu cầu khách quan, cấp bách của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nền hành chính Nhà nước là hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương, cơ cấu gắn với hệ thống thể chế hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức và hệ thống quản lý tài chính công thực thi quyền hành pháp để quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cải cách hành chính là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính Nhà nước(thể chế, cơ cấu, tổ chức, cơ chế vận hành, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức…) nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại. Nhà nước là trung tâm, cột trụ của hệ thống chính trị, nền hành chính có vai trò thực thi quyền hành pháp. Để thực hiện thắng lợi các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước sự vận hành hoạt động có hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính có vai trò quyết định. Do tính chất đặc thù của hệ thống chính trị nước ta đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước đa số là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Chúng tôi tin chắc rằng nếu như tất cả các đảng viên trong cơ quan hành chính Nhà nước đều học tập, thực hành sửa đổi lối làm việc đúng với tư cách và đạo đức cách mạng thì mục tiêu của cải cách nền hành chính quốc gia sớm đạt được.
Có nhiều lý do để cần phải cải cách nền hành chính, một trong những lý do chủ quan là: Cải cách nền hành chính xuất phát từ yêu cầu khắc phục những yếu kém, hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức, hoạt động của nền hành chính Nhà nước. Vấn đề đặt ra là:
“Ai cũng nghĩ đến việc thay đổi thế giới, nhưng chẳng ai nghĩ đến việc thay đổi chính mình”
Lev. Toilstoy
“Khuyết điểm do cơ chế, trì trệ do quy trình, sai pham do hạn chế năng lực, thiên tai dịch bệnh do trời, còn biện pháp xử lý thì…..xin ý kiến chỉ đạo cấp trên. Rốt cuộc mọi người đều sai lầm, mọi người đều có lý”
Lưu Quang Vũ – Tôi và Chúng ta
Một trong những yếu tố cơ bản của nền hành chính là yếu tố con người (đó chính là đội ngũ cán bộ, công chức). Chính con người định ra thể chế, thiết lập tổ chức bộ máy và hệ thống tài sản công, tài chính công. Nếu như nhận thức và hành vi của đội ngũ cán bộ, công chức không thay đổi thì toàn bộ nền hành chính không thay đổi(cải cách được).
Đọc tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” chúng ta thật sự giật mình, bởi vì những căn bệnh trong Đảng đã có từ năm 1947 đến nay vẫn tồn tại, phát triển với quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng nguy hiểm. Đó là vì “kém tính Đảng mà có những bệnh như sau:
– Bệnh ba hoa;
– Bệnh địa phương;
– Bệnh ham danh vị;
– Bệnh thiếu kỷ luật( Gặp sao hay vậy);
– Bệnh xa quần chúng;
– Bệnh chủ quan;
– Bệnh hình thức;
– Bệnh ích kỷ; bệnh hủ hoá;
– Bệnh thiếu ngăn nắp;
– Bệnh lười biếng .” (1)
Thời gian gần đây những bệnh này đã phát triển thành bệnh tham nhũng, bệnh quan liêu, bệnh xa hoa lãng phí, bệnh vô cảm trước nỗi khổ của dân…
Những căn bệnh này cần phải được điều trị, phương thuốc đặc hiệu là phải “ráo riết dùng tự phê bình và phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy”.(2)
Trong chương trình tổng thể cải cách hành chính đã đưa ra một hệ thống các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu cải cách nền hành chính( trong các giải pháp đó có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức…).
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tác giả đã dành một phần (IV) viết về vấn đề cán bộ với những nội dung cơ bản:
1. Huấn luyện cán bộ;
2. Dạy cán bộ và dùng cán bộ;
3. Lựa chọn cán bộ;
4. Cách đối với cán bộ;
5. Mấy điểm lớn trong chính sách cán bộ.
Nghiên cứu nội dung vấn đề cán bộ, hệ thống các trường chính trị(Nơi huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ) có thể vận dụng nhiều quan điểm và nội dung thiết thực vào công tác cán bộ, công tác giảng dạy. Mở đầu tác giả XYZ viết: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.
Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc.
Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.”(3)
“Khuyết điểm trong sự huấn luyện: Đã có nơi mở lớp huấn luyện, thế rất tốt. Song những lớp ấy còn nhiều khuyết điểm. Thí dụ: huấn luyện cán bộ trong các cơ quan hành chính mà không đụng đến công việc hành chính. Còn dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được.”(4)
Hơn 50 năm đã trôi qua, kể từ khi tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được xuất bản. Thực tiễn chứng minh và mọi người đều thừa nhận quan điểm trên hoàn toàn đúng. Có một điều thật đáng tiếc thí dụ mà tác giả đã nêu trên cho đến nay chúng ta vẫn chưa khắc phục được. Việc đào tạo cán bộ trong một thời gian dài còn xem nhẹ kỹ thuật và nghiệp vụ hành chính, khoa học hành chính kém phát triển, hệ thống các trường đào tạo quản lý hành chính không ổn định, khoa học hành chính công chưa thực sự được quan tâm nghiên cứu đúng mức. Vì những lẽ trên mà một thực tế hiện nay là cán bộ, công chức Nhà nước không thạo việc, kém về thực hành, thường chạy theo phong trào (cán bộ phong trào). Đây là căn bệnh có từ năm 1947, bệnh chủ quan: Lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy học theo cách học thuộc lòng. Trong những năm gần đây bệnh này đang được chữa, tuy nhiên cần phải quyết liệt hơn. Nếu không được sửa chữa nền hành chính không theo kịp tiến trình đổi mới kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
Tác giả XYZ đã đưa ra cách sửa chữa khoa học, thiết thực:
– Huấn luyện nghề nghiệp;
– Huấn luyện chính trị;
– Huấn luyện văn hoá;
– Huấn luyện lý luận.
“Cách học tập: Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”.(5)
Trong một thời gian dài phương pháp giảng dạy chủ yếu trong hệ thống trường Đảng, trường chính trị là phương pháp thuyết trình thầy đọc, trò chép. Phương pháp này đã không phát huy được tính tự giác, chủ động, sáng tạo của người học. Trở lại tác phẩm sửa đổi lối làm việc, ngay trang đầu tiên, phần (I) phê bình và sửa chữa, tác giả XYZ đề cập ngay đến cách thức học tập.
1. “Nghiên cứu: Mỗi người phải đọc kỹ càng các tài liệu, rồi tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình, có khuyết điểm gì và ưu điểm gì.
2. Thảo luận: Khai hội thảo luận và phê bình. Trong lúc thảo luận, mọi người được tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh. Những kết luận trong cuộc thảo luận phải có cấp trên duyệt y mới là chính thức.”(6)
Cách thức học tập này có thể vận dụng cho các môn học khác nhau, trong đó có môn quản lý hành chính. Bộ giáo trình TCLLCT được sử dụng trên phạm vi cả nước, nội dung giáo trình mang tính khái quát, có những vấn đề rất chung chung. Nhiệm vụ của giáo viên là: Cung cấp đầy đủ những nội dung cơ bản trong giáo trình. Ngoài ra giáo viên cần dành thời gian nhất định cho việc thảo luận những vấn đề thiết thực gắn với đối tượng tham gia học, bài giảng sẽ rất có ý nghĩa khi học viên có thể vận dụng được ngay những kiến thức đã học vào công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương và công việc của người học đang làm. Với tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có thể vận dụng vào nhiều nội dung khác nhau của các môn học thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị. Tuy nhiên, vận dụng không có nghĩa là giáo viên trích dẫn tràn lan. Từ những cách tiếp cận khác nhau giáo viên có thể vận dụng về nội dung, hình thức, quan điểm hoặc về phương pháp của tác phẩm. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giảng dạy lý luận chính trị cần phải phong phú, linh hoạt. Mục đích cuối cùng cần đạt được là sau khi học, học viên nhận thức đúng, nhận thức sâu sắc hơn, thực hành đúng, sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Đây chính là tính Đảng trong công tác giảng dạy của giáo viên.
MỘT SỐ CÁCH THỨC VẬN DỤNG VÀO BÀI GIẢNG: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CẢI CÁCH NỀN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC.
Cách 1: Giáo viên đưa vấn đề cần thảo luận theo nhóm:
Ví dụ:
1. Đồng chí hãy phát hiện, phân tích thực trạng những yếu kém trong quản lý hành chính ở cơ quan mình ? Nguyên nhân của những yếu kém đó?
2. Đồng chí hãy phê bình những yếu kém trong công tác của bản thân mình ? Nguyên nhân? Cách sửa chữa ? Trong cơ quan, đơn vị đồng chí, đồng chí phải làm gì để hoạt động quản lý hành chính ở cơ quan, đơn vị mình có hiệu lực, hiệu quả?
Cách 2: Giáo viên có thể kể một câu chuyện về Bác gắn với nội dung bài giảng(Chẳng hạn: quan điểm, tư tưởng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Bác nói nhiều trong các bài nói chuyện, trong công tác, trong sinh hoạt đời thường của Bác – Ví dụ: Những câu chuyện Bác Hồ đến với cơ sở).
Cách 3: Giáo viên trích dẫn một đoạn viết nguyên văn của Bác sau đó phân tích, đối chiếu, so sánh ở các thời điểm, không gian khác nhau. Trong quá trình phân tích, giáo viên gợi mở cho học viên phát biểu quan điểm, chính kiến của mình. Sau khi thảo luận dân chủ, giáo viên tổng hợp, kết luận.
Ví dụ: Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng giáo dục cán bộ, đảng viên về tư cách đạo đức cách mạng, về phương pháp, cách vận động quần chúng nhất là về tinh thần tự phê bình và phê bình. Người chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (7)
Là cán bộ, công chức, đảng viên đồng chí hãy phân tích, chứng minh quan điểm trên. Liên hệ địa phương, đơn vị, bản thân đồng chí.
Cách 4) Trong khi giảng trích dẫn chính xác những câu nói, đoạn viết gắn với nội dung đang thực hành giảng.
Ví dụ: Khi bàn về phẩm chất chính trị của người cán bộ, công chức, giáo viên có thể trích dẫn 12 điểm về tư cách của Đảng chân chính cách mạng(…….)(8), trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Bác kết luận:
Muốn cho Đảng được vững bền
Mười hai điều đó chớ quên điều nào
Trên đây là một số nhận thức và kinh nghiệm trong quá trình quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc giảng dạy môn học Quản lý hành chính, Chương trình trung cấp lý luận chính trị. Rất mong các đồng chí cùng trao đổi, góp ý để việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả hơn đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong giai đoạn hiện nay./.
Chú thích:
(1),(2) Hồ Chí Minh toàn tập“Sửa đổi lối làm việc”, Nxb CTQG, H, 1995, tr267.
(3), (4), (5) Sđd, tr269.
(6) Sđd, tr273
(7) Sđd, tr231-232
(8) Sđd, tr261
Bạn phải đăng nhập để bình luận.