Hồi ức về bức ảnh chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đất Việt – Đối với PGS TS Vũ Thu Giang, ký ức về lần đầu tiên được tặng hoa và chụp ảnh cùng Bác Hồ lúc nào cũng tươi mới và vẹn nguyên trong tâm khảm, như kim chỉ nam soi sáng cả cuộc đời của bà.

Một buổi sáng tháng 5, nắng lung linh trên những ngọn xà cừ rợp lá, chúng tôi gặp lại “em bé” trong bức ảnh chụp cùng Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. Giờ tóc đã điểm sương, cầm trên tay tấm ảnh mà bà gìn giữ như bảo vật, nhà khoa học, nhà giáo ưu tú từng làm Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế vĩ mô, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội xúc động nhớ lại…

Ấn tượng đẹp trong tâm hồn trẻ thơ

Để tổng kết phong trào thi đua yêu nước mà Bác Hồ phát động từ năm 1948, đồng thời, chuẩn bị sức người sức của cho giai đoạn chiến đấu cam go sắp tới, Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua, cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Đại Từ, Thái Nguyên.

Những ngày ấy, bé Vũ Thu Giang, lúc đó mới 7 tuổi, thường chơi đùa ở cơ quan của mẹ, một cán bộ trí thức giữ cương vị nòng cốt trong Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, gần nơi tổ chức đại hội. Trong giờ nghỉ bé Thu Giang và Đặng Minh Châu (con gái của bộ trưởng bộ tài chính khi đó (*) được gọi vào ăn cơm cùng với Bác.

Bác Hồ chụp ảnh với 2 cháu thiếu nhi Vũ Thu Giang (bên trái) và Đặng Minh Châu (bên phải). Ảnh: Đinh Đăng Định

Ngày khai mạc đại hội, tổ chức sang cơ quan Hội phụ nữ nhờ bé Thu Giang và bé Minh Châu đại diện cho thiếu niên, nhi đồng cả nước dâng hoa mừng Bác Hồ, bác Tôn và các anh hùng, chiến sĩ thi đua. “Đề nghị khá bất ngờ nên mọi người vội vào rừng hái hoa để chúng tôi dâng tặng các Bác và anh hùng La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên… Sau đó, chúng tôi được chụp ảnh chung với Người. Trong ảnh, Bác Hồ và chị Minh Châu cười rất tươi nhưng tôi chỉ cười mỉm vì lúc đó đang thay răng nên rất ngại”, bà Thu Giang vui vẻ kể lại.

Tối hôm đó, bé Thu Giang còn tham gia buổi biểu diễn văn nghệ mừng đại hội, đóng một vai “nhí” trong vở kịch nông dân vùng lên chống thực dân. Lúc diễn, có đoạn giằng co, ruột tượng đựng gạo trên vai rơi ra, gạo bị vãi hết xuống sàn. Kết thúc vở kịch, Bác Hồ lên sân khấu, lấy một mẩu giấy vun các hạt gạo rơi, đổ lại vào một cái hũ.

Cử chỉ giản dị mà ân cần của Bác đã để lại ấn tượng lung linh trong tâm trí của bà Giang khi ấy và suốt quãng đời sau nay khi sang Liên Xô học, hay lúc về công tác trong nước tại ĐH Xây dựng và ĐH Kinh tế Quốc dân.

Kiên quyết bảo vệ cái mới

Sau thống nhất, đất nước trải qua một thời gian chuyển mình chậm chạp để đến với đổi mới. Khi đó, chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhu cầu bức thiết của cuộc sống, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng, chuyển đổi như thế nào lại là bài toán khó đối với những người trực tiếp vận hành và quản lý nền kinh tế, bởi trong nước không nhiều người am hiểu kinh thị trường và những quy luật của nó. Còn trên giảng đường, chương trình đại học, cơ cấu ngành học, lý thuyết giảng dạy thì thiếu thực tế.

Với những kiến thức tích lũy khi thực tập nghiên cứu sinh ở nước ngoài, TS Vũ Thu Giang đã đề xuất, vận động và góp phần đưa các kiến thức quản lý kinh tế thị trường vào trong nước.

Điều đáng nói, việc tìm hiểu kinh tế thị trường của TS Vũ Thu Giang xuất phát hoàn toàn từ ham mê hiểu biết chứ không phải một nhiệm vụ được giao từ trước. Trong năm 1983-1985, khi giành được một suất thực tập ở Nhật Bản để thực hiện đề tài nghiên cứu sinh liên quan tới kinh tế xây dựng, giáo sư hướng dẫn nói với bà rằng: “Chị sang đây học là khó. Vì ở đất nước các chị dạy kinh tế học của Marx, còn chúng tôi lại dạy theo trường phái kinh tế học của Mỹ, với học thuyết của Keynes và các nhà kinh tế học khác”.

Trong quá trình đưa môn kinh tế vĩ mô vào giảng dạy ở Việt Nam, bà gặp không ít khó khăn, trong đó, trở ngại lớn nhất chính là tư duy, thái độ tiếp nhận kiến thức mới. Thậm chí, có người đưa ra lý do “không đủ quỹ thời lượng” để làm khó cho việc triển khai môn học này. Kiên quyết bảo vệ cái mới, tại một hội thảo bàn về dạy  hay không dạy môn học này, bà từng nói: “Nếu các anh muốn nền giáo dục đại học Việt Nam tụt hậu 100 năm nữa thì các anh hãy loại bỏ môn học này”.

PGT TS Vũ Thu Giang kể về kỷ niệm được chụp ảnh chung cùng Bác Hồ.

Bảo vệ cái mới, có ích trước hết là việc làm phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác từng nói: “Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu”. Vì vậy, chỉ với lòng nhiệt tình không thôi thì chưa đủ và cùng lắm chỉ phá được cái xấu, cái cũ mà không xây được cái tốt, cái mới. Yêu cầu tối thiểu là đội ngũ này phải hiểu biết công việc của mình, biết quản lý Nhà nước, do vậy, phải được đào tạo và tự mình phải luôn luôn học hỏi.

Chính nhờ quá trình tự trau dồi, tự học hỏi nghiên cứu mà TS Vũ Thu Giang đã cùng các đồng nghiệp xây dựng một trong những môn học cơ bản của kinh tế học, giúp các cán bộ quản lý và các thế hệ sinh viên thời kỳ đầu của công cuộc Đổi mới nắm được các khái niệm cơ bản và công cụ hữu hiệu để điều tiết nền kinh tế, vực đất nước ra khỏi khó khăn. Đến nay, “Kinh tế vĩ mô” là môn học không thể thiếu đối với mọi ngành đào tạo kinh tế từ bậc đại học. Nói về đóng góp của mình, PGS TS Vũ Thu Giang chia sẻ: “Cái đó nằm trong máu của mình rồi, được gặp Bác, được giáo dục, luôn luôn nhớ công ơn của Bác, nghĩ về trách nhiệm của mình với đất nước”.

Do những đóng góp cho ngành giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, PGS TS Vũ Thu Giang đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, danh hiệu bà rất trân trọng vì nghĩ rằng đó chính là kết quả phấn đấu suốt đời làm theo lời Bác Hồ kính yêu.

(*) Bà Đặng Minh Châu – em bé thứ hai trong tấm ảnh chụp với Bác hồ tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua, cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất ở Chiến khu Việt Bắc, sau này cũng sang Liên Xô học chuyên ngành toán. Những năm 1960, bà đã gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, sau đó chuyển sang nghiên cứu khoa học tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cho tới khi về hưu.

Văn Tuấn

baodatviet.vn

Advertisement