Góp phần tìm hiểu giá trị lịch sử – văn hoá của Khu di tích Đá Chông

Ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã làm việc tại Đá Chông từ năm 1960 đến năm 1969

Tìm hiểu giá trị lịch sử- văn hoá của Khu di tích Đá Chông chúng ta đã tiếp cận toàn diện từ nhiều hướng, nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Tuy nhiên những năm qua, do chưa có điều kiện khai thác nguồn tài liệu từ các trung tâm lưu trữ quốc gia, chúng ta chưa có khảo sát kỹ trong những năm từ 1960- 1964 Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã có những hoạt động gì tại đây, tại phòng họp tầng 1 ngôi nhà sàn nơi đã diễn ra việc họp Bộ Chính trị do Hồ Chủ tịch chủ trì.

Đương nhiên, chúng ta phải bắt đầu từ thực tiễn khách quan, một nguyên tắc phương pháp luận chỉ đạo công tác nghiên cứu. Vì chỉ có tuân thủ tính khách quan mới đạt được sự chân thật, đúng đắn, mới đáng tin cậy, tránh được những suy đoán chủ quan, xa rời thực tiễn. Cho đến nay, hầu hết các nhân chứng lịch sử đã cung cấp cho ta những tư liệu đáng tin cậy. Điều lạ lùng và bất ngờ cảm động là từ đồng chí Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến mỗi người lính bảo vệ, từ đồng chí Thư ký gần gũi nhất của Bác đến một người dân thường, ai đã một lần gặp Bác thì hình ảnh Bác, lời Bác chỉ bảo như vẫn sống mãi, hiển hiện trong tâm thức của những người đang sống, trong sự nghiệp cách mạng mà họ đang đi theo con đường của Người đã chọn.

Tính đa dạng và thống nhất trong mỗi sự vật, hiện tượng đòi hỏi chúng ta phải biết phân tích, lựa chọn kể cả những ngẫu nhiên phức tạp của hiện tượng để từ đó tìm ra sự phát triển và tính liên tục của những sự kiện. Kết hợp cái lịch sử với cái lôgích cho phép chúng ta có thể phản ánh lịch sử nhưng phản ánh một cách khái quát với những mốc lịch sử chính mà không cần đi vào những chi tiết, và cũng có thể từ một sự thật được hé lộ đã cho chúng ta hình dung ra một bức tranh toàn cảnh của lịch sử. Trở lại vấn đề đi tìm sử liệu cho giai đoạn Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị sống và làm việc tại Khu Đá Chông từ 1960 – 1964, thông qua các nhân chứng lịch sử chúng ta có thể khẳng định: Nơi đây là nơi Bác đã chọn để xây dựng thành nơi làm việc của Trung ương, tất yếu từ nơi đây Bác và Trung ương có những quyết định trọng đại, liên quan đến một thời kỳ cách mạng sục sôi ở cả hai miền nước ta. Đó là lịch sử và lôgích của lịch sử cần tiếp tục làm sáng tỏ.

Nhiều vấn đề đã được thống nhất trình bày trong Báo cáo khoa học của Đề tài do Tiến sĩ Đặng Nam Điền – Chủ nhiệm đề tài báo cáo. Tôi thấy cần trình bày thêm những suy nghĩ của mình để được trao đổi làm rõ một số vấn đề tại cuộc Hội thảo khoa học này.

1. Trên dòng chảy của một nền văn minh và một trục “Thiên đạo” lớn.

Các nền văn minh của nhân loại đều gắn với lưu vực của những dòng sông lớn. Sông Hồng chảy qua những miền quê trù phú, từ xa xưa đã gìn giữ nền văn minh lúa nước độc đáo và rực rỡ. Sông Hồng gặp sông Đà rồi xuôi dọc xứ Đoài, tụ hội về trung tâm kinh kỳ Thăng Long. Hàng trăm di chỉ khảo cổ học tìm thấy ở nơi cư trú của người Việt cổ bên các triền sông đã làm sáng tỏ thời đại Hùng Vương, một thời đại có thật trong lịch sử bị huyền thoại hoá. Văn hoá khảo cổ học Gò Mun, Phùng Nguyên với đỉnh cao của nghề gốm nguyên thuỷ nước ta, các hoa văn trên gốm đạt đến trình độ tuyệt duyệt, phức tạp, đối xứng sinh động. Nền văn minh rực rỡ cổ xưa đó đã được hình thành và phát triển; đặc biệt được phân bố rộng khắp trên một dải sông núi đất đai suốt từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình đến Hà Tây, Hà Nội, Bắc Ninh.

Đó là “hình sông”, còn “dáng núi” thì nhà Bác học Lê Quý Đôn sau khi quan sát Tản Viên Sơn đã ghi những dòng ký sự trữ tình và tráng lãm: “Mạch núi đi từ Mường Thanh xuống, tầng tầng lớp lớp kéo đến, liên miên chằng chịt, đến đây mọc ngang ra ba ngọn, mặt tả trông về sông Đà, phong cảnh tốt tươi, khí thế nghiêm chỉnh, có chỗ như tán quạt, lâu đài, ngọn giữa rất cao, phụng thờ thượng đẳng linh thần, đỉnh núi sườn non, chân núi có cung điện Thượng cung, Trung cung, Hạ cung; Thượng cung cao chót vót chọc trời suốt ngày mây mù bao bọc dày đặc” (Kiến văn tiểu lục NXB KHXH, HN 1977, tr 292).

Khu Đá Chông nằm giữa một miền đất kỳ vĩ tươi đẹp, nơi con sông Đà đến đây bỗng đổi hướng xuôi về hạ lưu, núi Tổ Ba Vì sừng sững như gần như xa. Từ đây phóng xa tầm mắt về phía Bắc là miền Trung du đất tổ Vua Hùng , phía sau là đồng bằng Bắc bộ, là Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Mượn cách nói của các nhà Sử học khi nói về “Trục Thiên đạo” của Hoàng thành Hà Nội (từ Hoàng thành Cửa Bắc đến Cột Cờ), chúng tôi gọi dải đất thiêng này là một Trục Thiên đạo lớn.

Trên Trục Thiên đạo lớn có một vùng đất “địa linh nhân kiệt” với biết bao huyền thoại, tồn tại vô số di chỉ khảo cổ, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá. (Ngay cả huyền tích, huyền thoại, truyện kể phảng phất những yếu tố tâm linh, nếu không đi ngược với lôgích của khoa học mà chỉ tạo đường viền làm nổi bật sự kiện, nhân vật thì bản thân nó cũng chứa đựng những giá trị lịch sử văn hoá). Vùng đất thiêng này chắc chắn chứa đụng trầm tích lịch sử văn hoá mà linh cảm của Người đã phát hiện ra và để lại dấu ấn của một thiên tài cá nhân đối với lịch sử.

Vào một ngày tháng 5 năm 1957, Bác đến thăm Sư đoàn 308 diễn tập thực binh, tập mẫu chiến thuật “Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị”. Cũng như khi Người đi công tác các tỉnh thường mang theo cơm nắm, thức ăn và Bác cháu cùng dùng bữa cơm đạm bạc. Ông Vũ Kỳ thư ký của Bác nhớ lại: Bác đã ngồi ăn cơm nắm bên “Ba ngọn núi” Đá Chông, chỗ đó đất phẳng, có một cây phượng vĩ; sau đó Người nằm nghỉ một lát ngay dưới gốc cây.

Bác Hồ đến khu vực Đá Chông có thể không phải chỉ một lần. Nhưng cái buổi trưa tháng 5 năm 1957 đó, cũng theo ông Vũ Kỳ: Người đã đứng ở vị trí “Ba ngọn núi” Đá Chông nhìn sông Đà trước mặt, thấy đây là nơi tụ thuỷ, dòng sông uốn khúc, cảnh vật tươi đẹp, gần dân, xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người nghĩ đến một cuộc đọ sức quyết liệt với kẻ thù, phải tính đến việc lập một căn cứ dự phòng, khi cần thiết có thể đưa Bộ tham mưu của cách mạng trở về đây bảo đảm an toàn. Địa bàn Sơn Tây cũng như khu vực Đá Chông vốn là phên dậu phía Tây của Thủ đô, có thể coi như mảnh đất bàn đạp nằm tiếp giáp với chiến khu xưa và đồng bằng, thành phố. Người đã đi đến một quyết định quan trọng. Theo ý kiến của Người, khu vực Đá Chông được xây dựng thành nơi làm việc của Người và các đồng chí Trung ương khi có tình huống chiến tranh. Ngay sau đó, Tổng cục Hậu cần được lệnh lên khu đồi ấy xây dựng một số ngôi nhà cấp bốn. Đến năm 1960, trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại đã quá rõ ràng, Cục Doanh trại được lệnh tiếp tục lên xây dựng khu căn cứ của Trung ương, bộ đội Công binh còn xây dựng một hệ thống công sự kiên cố và đặt tên là K9. Đặc biệt, Bác đã cắm cọc, nhắm hướng cho dựng một ngôi nhà chính làm nơi hội họp, nghỉ ngơi của Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị.

Từ đây, trên Trục Thiên đạo lớn, nơi tiếp nối mạch nguồn lịch sử đã có một đại ban doanh của cách mạng Việt Nam: Khu căn cứ Đá Chông. Nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã từng sống và làm việc trong những năm 1960 – 1964, những năm cao trào của cách mạng Việt Nam.

2. Di tích Đá Chông còn đó những bí ẩn của lịch sử.

Lịch sử đã thừa nhận những đỉnh cao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt tới: Nhà tư tưởng lớn, minh triết và nhà văn hoá kiệt xuất. Người là lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của dân tộc, lại là một con người gần gũi, thân thiết với mọi người trong đời thường. Nét đặc trưng bao trùm con người Hồ Chí Minh là “vĩ đại trong sự giản dị, một sự giản dị vĩ đại”. Điều đó làm cho Hồ Chí Minh khi còn sống đã là một trong số hiếm hoi những nhân vật lỗi lạc được huyền thoại hoá. Sau khi Người qua đời, có nhiều điều được công bố, được nghiên cứu làm sáng tỏ khiến chúng ta không những ngạc nhiên mà còn vô cùng kính phục bởi khả năng tiên đoán tài tình của Người về năm 1945 Cách mạng Tháng 8 thành công và năm 1975 đất nước toàn thắng, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào. Harison S.Salisbury là nhà báo Mỹ đầu tiên được Chính phủ ta cho phép vào Hà Nội tháng giêng năm 1967 để tìm hiểu cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân miền Bắc đã kể lại một câu chuyện: Cố chuyên gia xuất sắc về Việt Nam, ông Bernard Fali, người Pháp, đã có lần tha thiết yêu cầu Cụ Hồ cho biết một vài chi tiết về tiểu sử của Cụ. Cụ Hồ từ chối với một cái nháy mắt lanh lợi và nói: “Ông biết đấy, tôi là một người già, một người rất già, và người già thường ưa làm ra vẻ bí ẩn về mình. Tôi cũng thích giữ một số điều bí ẩn nhỏ. Chắc ông hiểu”.

Cho tới ngày nay, nhiều điều “bí ẩn nhỏ” ấy vẫn tồn tại. Những chi tiết chính xác về ngày sinh, về gia đình, về hoạt động của Cụ trong nhiều giai đoạn dài (đôi khi làm đến cả mười năm) và cả tên Cụ nữa (Báo văn nghệ số 20; 19/5/2007).

Gần đây, tôi được đọc một bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan về chuyện Bác có nói với ông Hoàng Đạo Thuý việc tìm một địa điểm để lo việc sau này, khi Người qua đời. Việc ấy diễn ra vào khoảng cuối năm 1956 đầu năm 1957 ông Thuý đã được đi cùng Bác tới khu Đá Chông. Sự kiện này hoàn toàn có thể đã xảy ra và không hề mâu thuẫn với chủ đích của Bác trong việc tìm một địa điểm làm nơi làm việc của Bác và Trung ương. Bởi vì, với Hồ Chí Minh, sự nghiệp lớn hành động luôn vì mục đích, động cơ cao cả. Bên cạnh đó Bác cũng là một con người bình thường với những vui buồn, với lẽ tử sinh của cuộc sống. Đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phần “Nguyên văn các bản viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng công bố tháng 8 năm 1989, Người có viết về việc “Hoả táng” và tìm một quả đồi gần Tam Đảo và Ba Vì mà xây mộ, bên trên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Vậy là ngay trong những lời cuối cùng dặn lại về việc riêng, Người có nói đến việc tìm một quả đồi, Người vẫn dành cho nhân dân của Người.

Trong bản Di chúc của Người do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, phần nói về việc riêng có 79 chữ, ứng với 79 mùa xuân của Bác Hồ. Trong bản Di chúc công bố năm 1989 như đã nêu ở trên, Người nói về việc “hoả táng” và đặt tro xương vào một quả đồi trồng cây lên trên và xung quanh đồi.

Thể theo nguyện vọng rất thiết tha của toàn Đảng toàn dân ta, thi hài Bác đã được giữ gìn lâu dài để sau này đồng bào cả nước nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu nặng đối với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác để điều này được làm khác với điều Bác dặn.

Như chúng ta đã biết, trong những năm chiến tranh ác liệt, để giữ gìn tuyệt đối an toàn lâu dài thi hài Bác, chúng ta đã tổ chức những cuộc hành quân bí mật đưa Người về những căn cứ an toàn, và Người đã về lại khu Đá Chông, yên nghỉ tại Đá Chông với thời gian tổng cộng tới hơn 4 năm.

Tất cả những điều đã trình bày trên đều là những “bí ẩn nhỏ” của lịch sử. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Nông Đức Mạnh đã lên đặt tấm bia tưởng niệm tại nơi Người yên nghỉ và ghi dòng cảm tưởng “Tôi vô cùng xúc động được đến thăm khu di tích Đá Chông, một trong những nơi Bác Hồ đã làm việc và yên nghỉ, xin thắp nén hương thơm tưởng niệm Bác”.

Khu di tích Đá Chông là một vùng đất thiêng, nơi cán bộ và nhân dân tới tưởng niệm Bác Hồ, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

3. Khu di tích Đá Chông một di sản văn hoá vật thể vô giá.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người nói và viết nhiều về đạo đức của người cách mạng và là tấm gương trong sáng tuyệt vời về đạo đức cách mạng. Người đã từng nói, đại ý: Người không ham danh lợi, nếu không phải vì nước mà phục vụ thì Người chỉ ưa thích trồng rau, hái củi, trò chuyện với những người bạn thân thiết, Người ưa sống gần gũi với thiên nhiên, ở Pác Bó, Tân Trào và cả Nhà sàn Phủ Chủ tịch cũng đều như vậy. Đó là một ngôi nhà nhỏ cạnh sông suối, có đất trồng rau, có cây xanh tươi tốt.

Điều này khiến cho ta có thể nghĩ tới ảnh hưởng và sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá phương Đông, tư tưởng đạo đức Lão Tử đề cao cách sống giản dị, đạm bạc và Trang Tử chủ trương quay về sống với thiên nhiên. Ai đã từng đến thăm Goocky Lêninxky ở Liên Xô, nơi Lênin đã từng sống và làm việc trong một ngôi nhà cạnh khu rừng, cũng có thể liên tưởng tới khu Đá Chông ở Việt Nam.

Bác Hồ đặt chân lên khu vực Đá Chông, từ tâm đức Người đã có ý nguyện riêng tạo ra một nơi sống và làm việc cho mọi người và bản thân mình, nơi đây đã mang dấu ấn của Người tạo ra nó, một cảnh quan đẹp, hài hoà, hữu ích.

Trước hết, phải nói về ngôi nhà sàn. Gọi là “Nhà sàn” vì nó mang dáng dấp của những ngôi nhà sàn nhỏ của đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như ngôi nhà sàn nhỏ của Bác ở chiến khu Việt Bắc. Phần lớn các ngôi nhà sàn dựng lên bên những dòng suối để phòng tránh thú dữ, rắn rết. Những hàng cột nâng đỡ ngôi nhà tạo ra không gian thoáng rộng cho tầng dưới và dáng vẻ vững chắc của những hàng cột gợi cho ta nhiều liên tưởng thú vị.

Nhà nghiên cứu xã hội học văn hoá Đoàn Văn Chúc cho rằng kiểu nhà sàn của dân tộc Thái, Tày, Mường là mô phỏng hình con rùa, một totem- vật tổ của 3 bộ tộc trên. (xem Lời nói đầu cuốn sách “Vật tổ và cấm kỵ” của S.Frớt).

Trong ngôi nhà sàn, những hiện vật vẫn còn là hiện vật gốc, đó là chiếc giường một đơn sơ của Bác, bộ bàn ghế… tất cả vẫn được giữ gìn như khi Bác còn sống và làm việc tại đây.

Bên ngoài ngôi nhà là vườn cây Bác trồng, vườn cây lưu niệm của những vị khách quý và con đường bậc thang đi xuống bờ sông Đà trải đầy sỏi cuội, hai bên có hàng cây bông bụt của quê hương. Có thể nói, với tư cách là chủ thể văn hoá, Bác đã không chỉ giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ mà còn cải tạo điểm tô cho thiên nhiên, mang thiên nhiên trở lại phục vụ con người, biến thiên nhiên trở thành đối tượng của cái đẹp dành cho con người thưởng thức, hưởng thụ giá trị văn hoá. Đó là dấu ấn của một danh nhân văn hoá thế giới.

Trên đây là một số suy nghĩ về giá trị lịch sử- văn hoá của Khu di tích Đá Chông, một di tích lịch sử- văn hoá đặc biệt. Cũng như hết thảy mọi người, tôi đã đến nơi đây với một tấm lòng kính yêu và đời đời nhớ ơn Bác Hồ, để rồi cảm nhận tư tưởng tâm hồn được thanh lọc, để được sống và làm việc theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại.

Đại tá Trần Vũ Trang
Nguyên Phó CNCT BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.v

Advertisement