Tiến sĩ Chu Đức Tính - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
Đồi Đá Chông nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc quần thể núi Ba Vì, huyện Bất Bạt, có độ cao 150 m so với mực n¬ước biển, địa thế giáp gianh ba tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và Sơn Tây. Vào những năm 50 của Thế kỷ XX, nơi phong cảnh “sơn thuỷ hữu tình” này có mật danh là K9. Và ngày nay được gọi là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9- Đá Chông ( gọi tắt là Di tích K9).
Tháng 5 năm 1957, trong một lần Bác đến thăm Trung đoàn bộ binh 88 thuộc Sư đoàn 308 cùng Trung đoàn pháo binh 63 và một đơn vị bộ đội thiết giáp diễn tập bên sông Đà, Bác và các đồng chí cùng đi đã dừng chân, ăn cơm trên một quả đồi. Nhận thấy nơi đây có nhiều điểm thuận lợi về địa hình, thời tiết, giao thông: có rừng cây, có núi, có sông, thuận tiện giao thông, gần Thủ đô…, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý muốn chọn nơi này là căn cứ của Trung ương, đề phòng chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng đến khảo sát lại khu vực này vào đầu năm 1958. Sau chuyến khảo sát này, đến giữa năm 1958, Khu làm việc của Trung ương ở Đá Chông đã được khởi công xây dựng với tên gọi là Công trường 5 với ba hạng mục xây dựng là:
– Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và làm việc.
– Khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo.
– Khu C dành cho anh em bảo vệ và phục vụ.
Từ năm 1960, Công trường 5 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, sau này được gọi theo mật danh K9.
Trong 9 năm (1960-1969), K9 đã nhiều lần được vinh dự đón Bác cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị lên làm việc và nghỉ ngơi.
Ngày 20/6/1959, Bác lên thăm và khảo sát tình hình thi công, xây dựng ở Công trường 5 (K9).
Khoảng đầu tháng 3/1961, Bác đã cùng đồng chí Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ lên thăm K9. Chuyến đi này, Bác cùng đại sứ Hà Vỹ chuẩn bị sẽ đón tiếp đoàn của bà Đặng Dĩnh Siêu-phu nhân Thủ tướng Chu Ân Lai lên thăm quan khu Đá Chông nhân dịp bà dẫn đầu đoàn đại biểu phụ nữ Trung Quốc sang thăm và dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ III.
Ngày 13/3/1961, Bác đưa đoàn đại biểu phụ nữ Trung Quốc do bà Đặng Dĩnh Siêu dẫn đầu lên thăm, đồng chí Đại sứ Hà Vĩ cũng cùng đi. Bác đã đưa đoàn đi thăm rừng thông và toàn cảnh khu vực Đá Chông. Trong chuyến thăm, Bác và bà Đặng Dĩnh Siêu đã trồng cây, chụp ảnh lưu niệm… Buổi trưa, Bác mời đoàn dùng cơm thân mật tại Nhà khách.
Ngày 24/1/1962, trong dịp đoàn đại biểu quân đội Liên Xô do anh hùng Titốp, phi công vũ trụ nhà nước Xô Viết dẫn đầu sang thăm Việt Nam, Bác đã đưa đoàn lên thăm Khu di tích, thăm phong cảnh núi rừng, rừng thông, đi săn và bơi thuyền. Bác cùng anh hùng Titốp đã trồng hai cây Vàng Anh lưu niệm tại đây. Trưa hôm đó, Bác đã mời đoàn dùng cơm tại nhà khách của Khu di tích.
Một lần Bác cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị lên họp. (có ảnh các đồng chí Bộ Chính trị gồm Lê Văn Lương, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn nhưng không ghi ngày tháng)
Một lần Bác lên làm việc và gặp gỡ cán bộ ở đây, Bác đã cùng anh em cán bộ ăn cơm rất thân mật, gần gũi.
Dù Bác lên ở và làm việc tại K9 không thường xuyên nhưng mỗi con đường, mỗi ngôi nhà, mỗi hàng cây ở đây vẫn in đậm hình bóng Bác.
Sau khi Người qua đời, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta mong bảo vệ và giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ để sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế mãi mãi được viếng thăm Bác. Thể theo nguyện vọng đó, trong khi đất nước còn có chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta còn đang hướng tới việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định chọn K9 làm nơi bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác từ ngày 24/12/1969 và phải tuyệt đối bí mật. Khu vực này có nhiều điểm thuận lợi như nhà cửa, hầm công sự đã có sẵn, địa thế nằm trong dải rừng dài, rộng, nên thuận tiện cho việc phòng thủ và giữ bí mật.
Sau một thời gian thi hài Bác được giữ gìn, bảo vệ ở Đá Chông, ngày 23/5/1970, Hội đồng khám nghiệm gồm chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã tổ chức khám nghiệm thi hài và kết luận: “Qua 8 tháng đầu bảo vệ, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một nước khí hậu nhiệt đới, mặc dù phải di chuyển xa nhưng hình dáng bên ngoài và các bộ phận trên cơ thể Người vẫn được bảo tồn đầy đủ, phù hợp với hình thể lúc Người còn sống”1 Trên cơ sở đó, Trung ương quyết định lấy K9 làm nơi giữ gìn và bảo vệ thi hài Bác..
Đêm 20, rạng ngày 21/11/1970, trực thăng Mỹ đổ quân xuống khu vực thị xã Sơn Tây hòng cứu thoát số phi công Mỹ bị giam ở đây. Điều này khiến ta phải đặt ra những phương án bảo vệ thi hài Bác ở khu vực K9. Ngày 24/11/1970, Trung ương Đảng quyết định di chuyển thi hài Bác về Hà Nội. Bác về Hà Nội mới được vài tháng thì mưa lũ lên cao, theo dự đoán thì mức nước sẽ tàn phá đê điều làng mạc nghiêm trọng, do vậy, 13h ngày 18/8/1971, thi hài Bác được đưa trở lại K9. Việc di chuyển này rất khó khăn phức tạp, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả không thể lường hết được. Do tình hình chiến tranh phức tạp, bầu trời K9 lúc này luôn đầy tiếng máy bay giặc Mỹ, 21 h ngày 11/7/1972, đoàn xe chở Bác được lệnh rời K9 và 0h15’ ngày 12/7, Bác đã về yên nghỉ ở một vị trí trong hang núi bên kia sông đến khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ ngừng ném bom hoàn toàn miền Bác thì Bác lại được đưa trở lại K9. Đây cũng là lần thứ năm các chiến sỹ Đoàn 69 thực hiện việc di chuyển thi hài Bác.
Sau khi việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành ngày 22/8/1975, thi hài Bác được đưa về gìn giữ, bảo quản để đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế về thăm viếng Bác.
Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9-Đá Chông là di sản văn hóa vô giá. Nơi đây in dấu những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong những năm tháng lãnh đạo đất nước. Người đã tiếp đón bạn bè quốc tế thân thiết tại đây. Đây còn là nơi an toàn tuyệt đối trong việc giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác Hồ từ năm 1969-1975.
Di tích hiện nay và đề xuất bảo tồn tôn tạo di tích:
Căn cứ theo lời kể của các nhân chứng đã được đi theo phục vụ Bác trong những lần Bác lên làm việc tại K9 như các đồng chí Cù Văn Chước-nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trần Văn Bắc-thợ điện, Lưu Quang Lập, Nguyễn Văn Mùi-lái xe cho Bác Hồ, Hoàng Thanh-lái xe cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đăng Thọ-Nguyên Trưởng phòng ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thái Hữu Khang.
Di tích Bác Hồ ở K9 Đá Chông là di tích lưu niệm danh nhân ghi dấu sự kiện Bác Hồ đã nhiều lần đến ở và làm việc kể từ năm 1957 đến lúc Người đi xa và sau này còn là nơi lưu giữ thi hài của Người trong những năm tháng chiến tranh. Chính vì vậy, giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích là hết sức to lớn. Tuy nhiên, hiện nay, Khu di tích đã bị thay đổi một số hạng mục như sân, vườn, khu B theo như lời kể của các nhân chứng. Ví dụ như cần lưu giữ, bảo quản tốt cây vải ở trước di tích vì trước kia, khi Bác đưa các đoàn khách lên, Bác thường nhường buồng của Bác cho khách rồi nói anh em đưa ghế mây đặt dưới gốc cây vải để nghỉ trưa. Sân trước nhà trước lát bằng gạch lá dừa rất tốt và đẹp nhưng giờ thay bằng gạch Bát Tràng. Sân được nâng cao hơn trước là không hợp do nền sân thấp thì đặt ghế mây cho Bác nằm mới bằng phẳng. Các đồ đạc trong nhà đa phần vẫn được giữ nguyên vị trí như khi Bác còn như bàn ghế, tủ, đèn, cốc chén… Tuy nhiên, việc chú ý bảo quản, giữ gìn di tích như nguyên gốc là vô cùng quan trọng.
Di tích K9-Đá Chông là khu di tích có bề dày lịch sử gắn liền với tên tuổi và sự ngiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu xây dựng hồ sơ công nhận di tích, đặc biệt cần chú ý việc khoanh vùng bảo vệ di tích đối với khu A là khu vực bất khả xâm phạm. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp bảo tồn di tích theo luật văn hóa, xây dựng các phương án bảo tồn và phát huy tác dụng di tích một cách hiệu quả nhất trong điều kiện cho phép như tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, sinh hoạt chính trị, báo công dâng Bác, trồng cây lưu niệm tại Khu di tích…
Những hoạt động này sẽ tạo ra một nét đẹp văn hóa, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống uống nước nhớ nguồn của Đảng và nhân dân ta đối với Bác Hồ, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời, tổ chức khôi phục lại những thay đổi của di tích theo như lời kể của các nhân chứng, giữ gìn cảnh quan môi trường để di tích luôn là một di sản văn hóa quý báu đối với dân tộc Việt Nam.
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hà