Những kỷ niệm về Bác Hồ của Giáo sư – bác sỹ Tôn Thất Tùng

Giáo sư – bác sĩ Tôn Thất Tùng sinh ngày 10 tháng 5 năm 1912, tại Thanh Hoá. Ông lớn lên ở Huế. Khoảng năm 1931, ông ra Hà Nội, học ở Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An) và sau đó là Trường Y.

080916154051-165-747.jpgChủ Tịch Hồ Chí Minh và một số vị trong Chính phủ kháng chiến ở Việt Bắc năm 1948. GS Tôn Thất Tùng, người thứ hai hàng trước, từ phải sang, mặc áo sơ-mi cổ bẻ, hai túi ngực, lúc bấy giờ giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: hochiminhhoc.com)

Ông muốn sau này sẽ làm một nghề “tự do”, không phụ thuộc vào đám quan lại hay chính quyền thực dân. Năm 1938, khi thực dân Pháp tổ chức thi nội trú cho các bệnh viện, ông là người duy nhất được nhận. Ông đã chọn Khoa Ngoại, Trường đại học Y khoa Hà Nội (nay là Bệnh viện Việt – Đức, Hà Nội) là nơi làm việc của mình.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Cách mạng Thánh Tám nổ ra tại Hà Nội, ông tham gia cướp chính quyền tại Bệnh viện Phủ Doãn, tham gia mổ xẻ ở Hà Đông và chữa bệnh cho các đồng chí Việt Minh ở Bắc Bộ phủ, những nơi mà chính quyền của ta chiếm lại được.

Trong những ngày bừng bừng khí thế của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lần đầu tiên ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông được mời đến chữa bệnh cho Bác. Tại cuộc gặp gỡ này, một “ông già gầy xanh, nhưng có đôi mắt rất sáng” ấy đã để lại trong ông một ấn tượng và niềm tin sâu sắc. Và cũng chính từ lần gặp ấy, “dưới ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ”, tâm hồn ông đã đi theo cách mạng.

Mỗi khi đến chữa bệnh cho Bác, sau khi tiêm thuốc xong, Bác hay hỏi chuyện ông về công việc và gia đình. Khi biết tin ông đã có con trai đầu lòng, Bác nói: “Để tôi đặt tên cho nó. Tên chú có bộ mộc, nên đặt cho con chú tên Bách”1

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử giữ chức Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội. Cũng như các trí thức khác của nước ta, Giáo sư – bác sĩ Tôn Thất Tùng luôn luôn được Bác quan tâm, giúp đỡ và đặt nhiều niềm tin.

Không lâu sau ngày nước nhà giành được độc lập, thực dân Pháp bội ước, ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng tái chiếm Nam Bộ. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cả dân tộc ta lại tiếp tục một cuộc chiến đấu mới, trường kỳ và gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng từ đây ông bắt đầu đi theo kháng chiến, lên chiến khu Việt Bắc cùng với gia đình.

Những năm đầu của cuộc kháng chiến, để tránh sự tàn phá ngày càng dữ dội và ác liệt của bom đạn địch, ông cùng đồng nghiệp phải di chuyển chỗ ở và làm việc nhiều lần, tới nhiều nơi. Cuộc sống cũng như điều kiện làm việc lúc đó vô cùng khó khăn, thiếu thốn, lúc thì ở Hoà Xá, Sơn Tây, khi thì lên Phú Thọ, Chiêm Hoá, Tuyên Quang, v.v.. Tuy vậy, ông vẫn cùng Giáo sư Hồ Đắc Di (là thầy giáo của ông và một nhà phẫu thuật giỏi) xây dựng Trường đại học Y khoa kháng chiến tại làng Ải, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.

Ông tham gia cứu chữa cho nhiều thương bệnh binh ở các mặt trận, trên các chiến trường, từ Sông Lô, Hoàng Hoa Thám cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng cùng các đồng nghiệp của mình chữa bệnh cho nhân dân ở nhiều địa phương. Có lần ông cùng các đồng nghiệp mổ liên tiếp trong suốt hai ngày đêm liền. Cuốn sách “Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật” của ông là cuốn sách khoa học đầu tiên của nước ta được xuất bản khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới được thành lập. Một cuốn sách thuộc về ngành y.

Cũng như nhiều nhà khoa học khác, trong cuộc đời cách mạng của mình, Giáo sư – bác sĩ Tôn Thất Tùng đã có nhiều lần được gặp Bác, được Bác ân cần chỉ bảo và quan tâm chăm sóc. Ông có một kỷ niệm đặc biệt về Bác, một vinh dự mà rất ít người có được, đó là ông được Bác cho phép tự chọn huân chương cho mình.

Năm 1949, bác sĩ Đặng Văn Ngữ từ Nhật về có mang theo hai chủng nấm Pê-nê-xi-lin nô-ta-tum và Strep-tô-mi-xét Gri-dê-ut. Pê-nê-xi-lin nô-ta-tum và Strep-tô-mi-xét Gri-dê-ut dễ gây kháng sinh Pê-nê-xi-lin và Strep-tô-mi-xin mà Quân y ta đang rất cần. Lúc đó ở Việt Bắc còn nhiều khó khăn và dụng cụ y tế còn rất thô sơ. Sau khi thí nghiệm thành công, mỗi chiến dịch, quân y đưa ra tiền tuyến một tổ Pê-ni-xi-lin, để sản xuất kháng sinh dùng ngay ở mặt trận. Đây là một thành tích kỳ diệu mà từ trước đến nay trong các cuộc chiến tranh du kích chưa ai làm được.

Bác rất quan tâm tới việc sản xuất thành công thuốc kháng sinh Pênêxilin, một loại thuốc quý dùng để chữa bệnh cho thương binh. Vì thành tích đó, bác sĩ Đặng Văn Ngữ và ông được thưởng huân chương. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Còn với ông, Bác nói: “Bác cho phép chú lựa một huân chương nào mà chú muốn, chú tự bình bầu đi!”2. Ông đã tự chọn cho mình Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Mấy hôm sau, vào một buổi tối, Bác mời Hội đồng Chính phủ đến dự bữa cơm để trao huân chương cho ông. Bác mời cụ Tôn Đức Thắng gắn huân chương. Bác nói: “Chú Tùng là một xi-đờ-văn (cidevant, danh từ mà cách mạng Pháp 1789 dành cho các nhà quý tộc) mà nay được Chính phủ ta tặng huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa!”.

Nhận Huân chương Kháng chiến đầu tiên là kỷ niệm đẹp nhất trong đời cuộc đời ông, một vinh dự mà ông chưa bao giờ nghĩ tới. Ông kể lại rằng sau này về Hà Nội, Bộ Y tế đề nghị đổi Huân chương Kháng chiến hạng Ba thành Huân chương kháng chiến hạng Nhất, nhưng ông từ chối, vì đó là huân chương duy nhất trong năm huân chương mà ông có, là do Bác Hồ và Bác Tôn trao cho trong những ngày gian khổ ở chiến khu Việt Bắc.Những đóng góp của ông đối với nền y học nước nhà đã được Bác theo dõi rất sát sao. Trong những ngày ở Phú Thọ ông đã nhận được một tấm thiếp của Bác. Tấm danh thiếp đánh máy bằng mực màu tím, trên đó, Bác viết:

“Bác sĩ Tùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và các cháu đều mạnh khoẻ chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng”3.

Những lời khen ngợi, căn dặn, thăm hỏi ân cần và tình cảm của Bác đã động viên ông rất nhiều, giúp ông làm việc ngày càng tốt hơn trong công tác chuyên môn của mình, bởi ông nghĩ rằng: “Với sự quan tâm của Bác, việc gì mà tôi lại không làm?”.

Năm 1948, ông được chỉ định vào Chính phủ kháng chiến, làm Thứ trưởng Bộ Y tế – một công việc mà ông không muốn lắm, vì ông không quen công tác lãnh đạo. Ông thích làm việc ở một cơ sở sản xuất, như là ở một bệnh viện. Song mỗi tháng được họp Hội đồng Chính phủ một lần do Bác chủ tọa, cũng là dịp để ông được gặp Bác. Mỗi lần được gặp Bác, ông lại như được tiếp thêm tinh thần để làm việc càng tốt hơn.

Từ năm 1954, ông là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Là một bác sỹ, ông cho rằng đối với bệnh nhân phải làm sao gây được cho họ lòng tin ở thầy thuốc. Với ông “sự cảm thông giữa người bệnh và thầy thuốc là yếu tố quyết định của nghệ thuật điều trị”.

Giáo sư – bác sĩ Tôn Thất Tùng là một người nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Tên ông có trong danh sách những người đã tiên phong xây dựng ngành phẫu thuật gan của thế giới.

Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, dù phải di chuyển nhiều lần, ở nhiều địa điểm khác nhau, ông vẫn tham gia tổ chức điều trị, phát triển ngành y tế, đồng thời nghiên cứu khoa học, đào tạo sinh viên để xây dựng nền tảng Trường Y khoa Việt Nam. Ông đã từng làm Cố vấn phẫu thuật ngành Quân y của Bộ Quốc phòng.

Với những đóng góp to lớn về y học ở trong nước và quốc tế, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, Hội viên Hội quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hoà Dân chủ Đức, thành viên Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris, thành viên Hội Quốc gia Những nhà phẫu thuật Algeri…

Ông đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Từ năm 2000, Nhà nước ta đã đặt ra một giải thưởng Y học mang tên ông: Giải thưởng Tôn Thất Tùng.

Giáo sư Malêghi (Pháp) đã viết về ông như sau: “Trường đại học Y khoa Hà Nội có thể tự hào đã có hai thành tựu trong lịch sử của mình, một là đã nghiên cứu lần đầu tiên về cơ cấu các mạch trong gan, hai là lần đầu tiên đã thành công trong việc cắt gan có kế hoạch” (Báo Lyon Phẫu thuật -1964).

Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì viết: “Giáo sư Tôn Thất Tùng là một nhà bác học có tiếng, đã từng làm cố vấn quân y cho Bộ Tổng Tư lệnh trong thời kỳ kháng chiến, hiện nay là một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận cách mạng khoa học kỹ thuật ở nước ta”.

Cố Bộ trưởng Bộ Y tế Đặng Hồi Xuân nhận xét: “Cuộc đời của Giáo sư Tôn Thất Tùng là một bài học sống động và phong phú, một tấm gương trong sáng đối với những người đang sống, nhất là đối với những người làm công tác khoa học và đối với thanh niên”.

Ngót một phần tư thế kỷ, Giáo sư – bác sĩ Tôn Thất Tùng đã sống, làm việc và trưởng thành dưới sự chỉ bảo ân cần của Bác. Khi nghe tin Bác mất ông đã viết những dòng vô cùng xúc động:

“Bác ơi! Công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”4./.

————————–

1. Giáo sư Tôn Thất Tùng: Đường vào khoa học của tôi, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1981, tr. 37. Tên PGS, Viện sĩ – bác sĩ Tôn Thất Bách, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội.
2. Giáo sư Tôn Thất Tùng: Đường vào khoa học của tôi, Sđd, tr. 49.
3. Giáo sư Tôn Thất Tùng: Đường vào khoa học của tôi, Sđd, tr. 44.
4. Trần Đương: Bác Hồ với Nhân sĩ, Trí thức, Nhà xuất bản Thông tấn, Hà Nội, 2005, tr. 140.

baotanghochiminh.vn

Advertisement