Thư Phan Bội Châu gửi Nguyễn Ái Quốc

 Ngày 22/2/1925, cụ Phan Bội Châu viết thư nhờ Hồ Tùng Mậu chuyển cho Lý Thuỵ (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) lúc này đang hoạt động ở Trung Quốc.

Phan Bội Châu, bút hiệu Sào Nam là người đồng hương (Nam Đàn, Nghệ An) và là bạn đồng niên với Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác.

Vào đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đã trở thành 2 ngọn cờ tiêu biểu cho phong trào yêu nước ở nước ta. Sau nhiều hoạt động yêu nước không thành Phan Bội Châu cũng sang Quảng Đông để tìm gặp những người Việt Nam đang hoạt động tại đây.

Tháng 2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của ĐảngTháng 2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng

Bức thư đề ngày “21 tháng 1âm lịch” (tức 22/2/1925) viết bằng chữ Hán, hiện được lưu trữ ở Aix-en-Provence (Pháp) và được nhà nghiên cứu Vĩnh Sính phát hiện và dịch cho thấy những tình cảm và đánh giá của Phan Bội Châu đối với người con trai của bạn mình nay đã trở thành một nhà cách mạng đã nổi tiếng lúc này vừa hoạt động trong phái đoàn cố vấn của Chính phủ Xô viết bên cạnh Chính phủ Quảng Châu của Tôn Trung Sơn lại đang xúc tiến việc thành lập tổ chức cách mạng Việt Nam, tiền thân của Đảng Cộng sản sau này là Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí.

Bức thư cho biết, trước đó cụ Phan đã nhận đuợc thư của Nguyễn Ái Quốc gửi cho cụ, vì thế trong thư lá thư này, nhà ái quốc lão thành đã thành tâm đưa ra những lời đánh giá khích lệ: “Người cháu rất kính yêu của bác…(đọc thư của cháu) mới biết là học vấn, trí thức của cháu nay đã tăng trưởng quá nhiều, không phải như hai mươi năm trước.

Nhớ lại hai mươi năm trước đây, khi đến nhà cháu uống rượu, gõ án ngâm thơ, anh em cháu tất thảy đều chưa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này…

Nhận được liên tiếp hai bức thư của cháu bác vừa buồn lại vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh ban mai…

Một đời tân khổ, gánh vác công chuyện một mình, được sức lớn của cháu giúp vào thì ắt sẽ có nhiều người hưởng ứng theo. Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai dễ nhờ uỷ thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được. Cháu học vấn rộng rãi đã từng đi nhiều nơi hơn bác cả chục cả trăm lần. Tri thức và kế hoạch của cháu tất vượt sức đo lường của bác…”

Cuối thư Phan Bội Châu cũng thẳng thắn và chân thành mong Nguyễn Ái Quốc có kế hoạch mở rộng phong trào trong nước “vì nếu không có kế hoạch thì bất quá chỉ làm khách tha hương than thở không đâu cho hồn cố quốc, chả giống ông Hy Mã (tức Phan Chu Trinh) thì cũng chỉ giống Phan Bội Châu mà thôi!”.

Còn trong bức thư gửi Hồ Tùng Mậu cùng vào thời gian này, cụ Phan lại bày tỏ sự “cực lực tán thành” việc thành lập tổ chức Hội Thanh niên mà Nguyễn Ái Quốc lúc này đang tích cực vận động. Mặc dầu kể từ đó cho đến lúc bị thực dân Pháp bắt ở Trung Quốc, đưa ra toà xử án, rồi bị an trí tại Huế cho đến lúc qua đời, Phan Bội Châu chưa có dịp gặp lại Nguyễn Ái Quốc nhưng những di ngôn của cụ cho các đồng chí của mình vẫn hoàn toàn tin rằng : Nguyễn Ái Quốc sẽ là người “gây dựng lại giang sơn”.

Còn sau đó không lâu, trong một bài viết về Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã dành những lời tôn vinh: “Phan Bội Châu, bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.

X&N
bee.net.vn

Advertisement