Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Chu Đức Tính kể rằng: Có rất nhiều gia đình có bố mẹ hoặc người thân có những kỷ niệm liên quan đến Bác Hồ đã rất e ngại trước khi đến bảo tàng xin được chụp lại ảnh, hoặc tìm lại những tư liệu gốc. Nhưng khi đã đến bảo tàng, chứng kiến sự phục vụ chu đáo, vô tư của cán bộ nơi đây, nhiều thân nhân các gia đình đã mang hiện vật đã được chụp lại ra về với một niềm xúc động.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng về Người. Là nơi bảo quản lâu dài những hiện vật và kỷ vật quý giá về cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh (BTHCM) đã trở thành một địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cũng như đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ.
Gần 40 năm qua, những người làm công tác bảo tàng đã luôn làm trọn nhiệm vụ thiêng liêng là gìn giữ, sưu tầm và giới thiệu những di sản cao quý của Người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân Văn hóa thế giới Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế thông qua hàng nghìn hiện vật giá trị…
Nhìn kỷ vật, lại rưng rưng nhớ Bác
Trong hệ thống bảo tàng quốc gia của Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi thu hút được đông đảo khách trong nước và quốc tế đến tham quan nhiều nhất. Trong vòng gần 40 năm, kể từ khi có quyết định thành lập bảo tàng (25/11/1970) và gần 20 năm, kể từ ngày bảo tàng chính thức mở cửa đón khách (19/5/1990) đã có hơn 20 triệu lượt người đến tham quan, trong đó khách quốc tế là hơn 4 triệu người.
Gần 20 năm kể từ khi Bảo tàng Hồ Chí Minh chính thức mở cửa đón khách, đã có hơn 20 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Nếu như vào Lăng, ta được tận mắt nhìn thấy hình ảnh Bác bằng xương, bằng thịt, thì vào Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng ta lại được sống với những ký ức về Người. Hơn 12.000 tài liệu, hiện vật phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam và thế giới được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng cũng chính là 12.000 kỷ vật thiêng liêng về Người mà mỗi khi có dịp được nhìn thấy, được xem lại, lòng ta lại rưng rưng xúc động.
Đến bảo tàng, khó có ai trong chúng ta cầm được nước mắt khi xem những thước phim tài liệu quý giá về “Những giây phút cuối cùng của Bác Hồ” và “Hồ Chí Minh – chân dung một con người” được trình chiếu ngay trong không gian trưng bày với hàng ngàn hiện vật đầy tôn kính và thiêng liêng.
Qua những khuôn hình chân thực, Bác hiện lên vô cùng bình dị mà cũng vô cùng vĩ đại. Dẫu bây giờ Người đã đi xa nhưng với những thước phim được lưu trữ cẩn trọng này, các thế hệ tương lai luôn cảm thấy Bác như vẫn đang sống cùng non sông, đất nước. Đến bảo tàng, nhiều thế hệ người Việt Nam cũng không thể không cảm nhận được hơi ấm từ những kỷ vật mà Người để lại.
Đó có thể là một đôi dép lốp, một chiếc giường đơn, hay những dòng di chúc ngập tràn tình yêu thương mà Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là đồng bào miền Nam trong hoàn cảnh hai miền còn chia cắt, trước khi Người đi vào cõi vĩnh hằng.
Và cũng chỉ có những hiện vật nguyên bản được lưu giữ tại bảo tàng mới có đủ sức mạnh kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, giúp chúng ta có một hình dung về những giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch: Từ những năm tháng bôn ba hoạt động ở trời Tây, bị giam cầm trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch cho đến những ngày Người về nước, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ thắng lợi.
Và có lẽ, hơn tất cả, đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng ta còn hiểu được lòng dân bao thế hệ cũng như bạn bè quốc tế đối với Người qua hàng chục, hàng trăm cuốn Sổ Vàng lưu niệm. Từ các bậc lão thành cách mạng, cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên cho đến người dân bình thường, dường như ai cũng cảm thấy “lòng trong sáng” hơn mỗi khi có dịp được tìm hiểu, được thấu hiểu và được đến gần hơn với Bác.
Bác đặt chân đến đâu, cán bộ bảo tàng theo đến đó
Đồng chí Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tâm sự: Với vai trò là bảo tàng đầu hệ, trong gần 40 năm qua Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy cho việc thực hiện các hoạt động của hệ thống gồm 12 Bảo tàng và di tích lưu niệm về Hồ Chí Minh trong cả nước. Ban lãnh đạo Bảo tàng luôn xác định, đối tượng sưu tầm của đơn vị mình là hiện vật, di sản về Hồ Chí Minh.
Hiện vật, tài liệu về Người thì ngày càng hiếm dần nhưng di sản lòng dân với Bác thì còn mãi mãi. Không chỉ làm tốt công tác sưu tầm trong nước, với một tâm nguyện và nỗ lực lớn, dường như bàn chân Bác đi đến đâu thì cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đi theo đến đó.
Qua gần 42 quốc gia khác nhau, nơi Người đã từng đặt chân đến, với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp quốc tế, cán bộ bảo tàng đã tìm thêm được nhiều tư liệu, hiện vật gốc, quý hiếm, liên quan đến cuộc đời hoạt động của Người ở Pháp, Thái Lan, Nga và Trung Quốc. Các tài liệu này được lưu giữ rải rác tại các cơ quan lưu trữ của Chính phủ các nước và đã được các đồng nghiệp ở đây quan tâm, nghiên cứu trong nhiều năm.
Không chỉ chú trọng công tác sưu tầm, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn làm tốt công tác triển lãm gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tổ chức đội ngũ báo cáo viên đến các trường học để tuyên truyền về tấm gương đạo đức của Người; viết bài trên các phương tiện truyền thông đại chúng để các thế hệ trẻ hiểu thêm về Bác – một con người luôn gắn kết sâu sắc giữa lý thuyết và hành động.
Sau gần 40 năm, những thế hệ đầu tiên từ những ngày đầu thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh đến nay (trong đó có những người vinh dự được gần gũi với Bác như đồng chí Vũ Kỳ) không còn ai đương chức. Song, phát huy truyền thống của một đơn vị có vinh dự với gần 40 năm được bảo vệ di sản của Người, các thế hệ làm công tác Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ làm tốt công tác chức năng là nghiên cứu, sưu tầm, thống kê, bảo quản và giáo dục, mà còn luôn sống với nhau đoàn kết, đùm bọc, thân ái.
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Chu Đức Tính kể với chúng tôi rằng: Có rất nhiều gia đình có bố mẹ hoặc người thân có những kỷ niệm liên quan đến Bác Hồ đã rất e ngại trước khi đến bảo tàng xin được chụp lại ảnh, hoặc tìm lại những tư liệu gốc. Nhưng khi đã đến bảo tàng, chứng kiến sự phục vụ chu đáo, vô tư của cán bộ nơi đây, nhiều thân nhân các gia đình đã mang hiện vật đã được chụp lại ra về với một niềm xúc động.
Đó cũng chỉ là một nét đẹp nho nhỏ trong hàng ngàn những việc làm hay của những người làm công tại bảo tàng, những người luôn tự xác định trách nhiệm cho mình: “Vinh dự được giữ gìn di sản của Người, nên phải cố gắng để có thể học được một phần về Bác”
Hoàng Mai
Nguồn: cand.com.vn
Vkyno (st)