PGS. TS Nguyễn Mạnh Hưởng (Viện Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Quân Sự)
Sự kiện Edward Snowden đã được nhiều chính khách, học giả, báo giới trên khắp thế giới phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Đây là một sự “bùng phát” “căn bệnh kinh niên” của Mỹ; xét về mặt nhân quyền thì sự kiện Edward Snowden đã lộ rõ cái “ung nhọt” mang tên nhân quyền của xã hội Mỹ hiện đại.
1. Trong lịch sử hơn hai trăm năm, nước Mỹ đã đạt những thành tựu to lớn về nhiều mặt. Tuy nhiên, ở trong lòng nước Mỹ cũng chứa đựng nhiều vấn đề bất ổn mà đến nay đã và đang trở thành những “căn bệnh kinh niên”, những “ung nhọt” làm nhức nhối xã hội Mỹ.
Mới đây, Edward Snowden – cựu nhân viên tình báo Mỹ – đã làm chấn động dư luận thế giới sau khi cung cấp thông tin tối mật cho tờ The Guardian (Anh) về hoạt động do thám của Chính phủ Mỹ. Edward Snowden cho biết, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã thực hiện hơn 61.000 vụ đánh cắp thông tin trên toàn cầu, thu giữ một lượng lớn dữ liệu điện thoại và Internet trong một chương trình do thám quy mô lớn của NSA có tên là PRISM.
Sự kiện Edward Snowden đã được nhiều chính khách, học giả, báo giới trên khắp thế giới phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Đây là một sự “bùng phát” “căn bệnh kinh niên” của Mỹ; xét về mặt nhân quyền thì sự kiện Edward Snowden đã lộ rõ cái “ung nhọt” mang tên nhân quyền của xã hội Mỹ hiện đại.
Cái “ung nhọt” nhân quyền Mỹ ấy hiển hiện lên không chỉ trên phương diện đối nội mà còn trên phương diện đối ngoại; không chỉ đụng vào đời sống của cá nhân công dân Mỹ mà còn đụng vào những bí mật quốc gia, độc lập chủ quyền của nước khác.
2. Việc các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ “cài rệp” tại các văn phòng của Liên minh châu Âu (EU), đột nhập vào hệ thống máy tính nội bộ của EU để nghe lén, do thám, thu thập tin tức tình báo, đánh cắp thông tin trên toàn cầu, như Edward Snowden tiết lộ, chứng tỏ Chính phủ Mỹ đã lén lút thâm nhập một cách có chủ đích và thô bạo những bí mật của nước khác.
Từ trước đến nay, trong lịch sử thế giới chưa hề có một chương trình nghe lén hiện đại và rộng lớn như thế. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia khác được xuất phát từ một đất nước vẫn tự cho mình là đại diện cho dân chủ, tự do và nhân quyền, bị nhân dân các nước chỉ trích và chính ngay những đồng minh của Mỹ cũng phải lên tiếng phản đối.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho rằng việc Mỹ theo dõi những nước bạn bè và đồng minh là việc làm “vượt quá giới hạn cho phép”. Chính phủ Đức tuyên bố chương trình nghe lén của NSA là điều “không thể chấp nhận”. Tổng thống Pháp Francois Holland cho đó là hành động “không thể tha thứ” và có thể cản trở mối quan hệ của Mỹ với Pháp nói riêng và EU nói chung.
Chương trình do thám bí mật PRISM NSA bị các nhà hoạt động xã hội và nhân quyền cáo buộc vi phạm Hiến pháp và vi phạm nhân quyền.
Sự kiện “chấn động dư luận thế giới” này không phải tự nhiên xuất hiện mà đó là kết quả lôgích của chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ trong thời gian qua. Chương trình nghe lén, đánh cắp thông tin nước khác cũng là sản phẩm của tư duy bá chủ và chính sách “can dự” của siêu cường số một thế giới trong những thập kỷ gần đây, chỉ khác chăng đó là sự “can dự” một cách lén lút, bởi chính người thực hiện nó cũng cảm thấy mình đã vi phạm trắng trợn những điều cấm kỵ tối thiểu về chủ quyền dân tộc, quyền bảo mật, quyền bí mật riêng tư của nước khác, của công dân nước khác mà Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 và nhiều công ước quốc tế về nhân quyền sau đó đã ghi nhận.
So với sự “can dự” bằng vũ lực thì chương trình nghe lén, đánh cắp thông tin nước khác chẳng thấm vào đâu, nhưng nó lại tô thêm nét vẽ đậm làm cho “bộ mặt nhân quyền” của Mỹ trở nên gớm ghiếc hơn. Người ta càng nhận ra rõ hơn, Mỹ sẽ không từ một thủ đoạn nào, dù là tàn bạo nhất hay là “tiểu nhân” nhất để “can dự” vào công việc nội bộ của nước khác, xâm phạm độc lập, chủ quyền, vi phạm những quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của quốc gia dân tộc khác.
3. Edward Snowden tiết lộ vụ việc với mục đích mong muốn công chúng biết rõ, để những hành động nghe lén, đánh cắp thông tin của NSA “được đem ra thảo luận công khai”, và “yêu cầu công lý”. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đã ngay lập tức coi hành động của Edward Snowden là bất hợp pháp, gọi Edward Snowden là “kẻ phản quốc” và khép vào tội gián điệp, là kẻ “gây tổn hại đến an ninh quốc gia”, đã ra lệnh truy nã đặc biệt.
Vụ việc được chuyển cho Bộ Tư pháp Mỹ để điều tra hình sự; Mỹ sử dụng tất cả các kênh pháp lý chính thức để bắt giữ, dẫn giải Edward Snowden về xét xử; tiến hành chiến dịch ngăn chặn Edward Snowden nhận các đề nghị tiếp nhận tị nạn từ các nước khác. Đồng thời, Chính phủ Mỹ siết chặt quyền tiếp cận tin tình báo nhằm không để tái diễn tình hình tương tự.
Những việc làm từ phía Chính phủ Mỹ nêu trên không có gì lạ, nó xuất phát trực tiếp từ chính bản chất của vấn đề. Mỹ đã sử dụng con người để thực hiện những hành động vi phạm nhân quyền, phạm pháp đối với nước khác và công dân Mỹ; rồi lại dùng các biện pháp chế tài khi con người đó không còn muốn thực hiện, muốn “yêu cầu công lý” và tiết lộ những hành động vi phạm, trái pháp luật đó, kể cả pháp luật Mỹ. Điều đó đã phản ánh phần nào thực trạng nhân quyền và cũng là sản phẩm của nền nhân quyền Mỹ hiện nay. Ở trong lòng xã hội Mỹ hiện đại còn đầy dẫy những cảnh bất công, mất dân chủ, những quyền tối thiểu của con người bị vi phạm.
4. Nhân quyền là một giá trị cao quý của nhân loại đã được thừa nhận; quyền độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia dân tộc là một giá trị thiêng liêng đã được cả thế giới ghi nhận. Đó là những quyền bất khả xâm phạm đã được chính nước Mỹ tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng và Đấng tạo hóa dành cho họ một số quyền không thể bị tước đoạt, trong các quyền đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Trung tâm Nghiên cứu quyền con người, Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb TP HCM, 1997, tr. 7)… Vì thế, việc phản đối chương trình do thám quy mô lớn của NSA không phải chỉ đơn độc có một mình Edward Snowden, mà còn có nhiều cá nhân và tổ chức ở Mỹ.
Tổ chức Liên minh dân quyền Mỹ (ACLU) đã chính thức khởi kiện Chính phủ Mỹ, cáo buộc hành vi vi phạm Hiến pháp của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Liên đoàn Tự do công dân New York cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của mình trước đơn kiện của ACLU và gọi đây là một nỗ lực của chính quyền Washington nhằm chống lại công dân Mỹ.
Nhiều người dân Mỹ đã xuống đường biểu tình ủng hộ Edward Snowden, người cung cấp tin về chương trình PRISM. Giáo sư xã hội học Stephen Svallfors tại Đại học Umea, Viện sĩ Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, đã đề nghị Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho Edward Snowden, cho rằng sự “dũng cảm” của Edward Snowden “làm cho thế giới trở nên tốt hơn và an toàn hơn”.
Mỹ đã không giải quyết được những vấn đề nhức nhối về nhân quyền của chính nội bộ nước Mỹ, nhưng lại muốn đóng vai trò “quan tòa nhân quyền thế giới” và sẵn sàng vi phạm nhân quyền nước khác. Sự vi phạm độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia của các nước khác chắc chắn sẽ chỉ đẩy Mỹ vào vị trí bị cô lập và lâm vào thế đối lập với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế
N.M.H.
Nguồn: cand.com.vn
Vkyno (st)