Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử – Tập 4 (Năm 1948 – Tháng 7)

Việt Nam - Hồ Chí MinhTháng 7, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Đảng đoàn Chính phủ để giải quyết một số việc quan trọng trước khi Hội đồng Chính phủ họp. Nội dung gồm các vấn đề: thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao; hợp nhất hai Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy; cử thứ trưởng tuyên truyền trong Chủ tịch phủ; cho ý kiến về Sắc lệnh lưu hành đồng “Việt”.

– Lê Văn Hiến: Nhật ký của một Bộ trưởng, Nxb. Đà Nẵng, 1995, t. 1, tr. 382.

Tháng 7, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Việt Minh đoàn bàn một số vấn đề sẽ đưa ra thảo luận tại Hội đồng Chính phủ.

– Lê Văn Hiến: Nhật ký của một Bộ trưởng, Nxb. Đà Nẵng, 1995, t. 1, tr. 382.

Tháng 7, ngày 6

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp Hội đồng Chính phủ để đánh giá tình hình thế giới và trong nước, kiểm điểm hoạt động của các bộ trong 1.000 ngày kháng chiến; vấn đề nội chính, ngoại giao, kinh tế; việc thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao; việc hợp nhất hai Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy thành Bộ Quốc phòng, cử Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao.

– Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

– Lê Văn Hiến: Nhật ký của một Bộ trưởng, Nxb. Đà Nẵng, 1995, t. 1, tr. 383.

Tháng 7, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

– Sắc lệnh số 201/SL, về việc thành lập “Ban thi hành chính sách bao vây kinh tế địch”.

– Sắc lệnh số 202/SL, cử ông Khuất Duy Tiến làm Đặc phái viên Chính phủ thi hành chính sách bao vây kinh tế địch.

– Sắc lệnh số 203/SL, phong quân hàm Thiếu tướng cho ông Lê Thiết Hùng.

– Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 7, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

– Sắc lệnh số 199/SL, ấn định đơn vị tiền tệ Việt Nam là đồng “Việt”. Sắc lệnh ghi rõ: “Đồng “Việt” là một đồng vàng cân nặng 0g375 vàng nguyên chất”.

– Sắc lệnh số 200/SL, về việc trưng tập tất cả các công chức tòng sự tại các công sở, kể cả các nhân viên Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp.

– Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 7, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Hội nghị giáo dục toàn quốc 1).

Người nhấn mạnh đến yêu cầu phải xây dựng một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc. Muốn vậy, cần phải “sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho hợp với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc”. “Phải có sách kháng chiến và kiến quốc cho các trường”, “Phải sửa đổi cách dạy cho hợp với sự đào tạo nhân tài kháng chiến và kiến quốc”, “Phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ theo tôn chỉ kháng chiến và kiến quốc”, “Phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hoá phổ thông của đồng bào”.

– Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 462-463.

– Hồ Chí Minh: Bàn về công tác giáo dục, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1972, tr. 24-25.

Tháng 7, ngày 15

Nhân dịp 27-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi biểu dương những hy sinh to lớn vì Tổ quốc và đồng bào của các thương binh, tử sĩ và kêu gọi nhân dân cả nước hãy sẵn lòng giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ cả về vật chất và tinh thần để đền đáp lại công ơn đó.

Cùng ngày, Người viết Thư gửi Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai 2), nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của văn hoá trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và căn dặn: “Chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hoá kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, tôi thiết tưởng, các nhà văn hoá ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng”. “Các nhà văn hoá ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”.

Trong ngày, Người còn viết Thư gửi Đội Công an danh dự Bắc Ninh, khen ngợi anh em về những thành tích đã đạt được và mong mọi người cố gắng thi đua thực hiện khẩu hiệu “mỗi ngày lập một chiến công”.

– Báo Quân du kích, số 5, ngày 15-7-1948.

– Báo  Cứu quốc, số 1011, ngày 12-8-1948.

– Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 464-467.

– Bút tích Thư gửi Đội Công an danh dự Bắc Ninh, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng.

Tháng 7, ngày 30

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Giữ bí mật, ký bút danh A.G., đăng trên báo Sự thật, số 97.

Bài báo nhấn mạnh: “Chiến tranh thắng hay bại, một phần lớn do biết giữ bí mật hay không biết giữ bí mật, mà quyết định” và khẳng định: “Biết giữ bí mật tức là đã nắm chắc một phần lớn thắng lợi trong tay ta”.

– Báo Sự thật, số 97, ngày 30-7-1948.

– Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 468-469.

Tháng 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm hỏi và biếu quà ông Bộ trưởng Bồ Xuân Luật khi nghe tin ông bị ốm.

– Bút tích bức thư. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi báo Vệ quốc quân 3) căn dặn: “Báo Vệ quốc quân phải là người bạn thân thiết của mỗi một chiến sĩ Vệ quốc quân. Vì vậy cần phải đi sát với sự sinh hoạt và sự phát triển của Vệ quốc quân”. “Mỗi một chiến sĩ Vệ quốc quân phải là một người bạn thân thiết của báo “Vệ quốc quân”. Vì vậy phải giúp cho báo “Vệ quốc quân” phát triển”.

– Báo Vệ quốc quân, số 28, ngày 19-8-1948.

– Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 87.

– Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 470.

Tháng 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cụ Võ Liêm Sơn bài thơ chữ Hán 4):

TẶNG VÕ CÔNG

Thiên lý công tầm ngã,

Bách cảm nhất ngôn trung.

Sự dân nguyện tận hiếu,

Sự quốc nguyện tận trung.

Công lai ngã hân hỉ,

Công khứ ngã tư công.

Tặng công chỉ nhất cú:

Kháng chiến tất thành công.

Dịch thơ:

TẶNG CỤ VÕ

Nghìn dặm cụ tìm đến,

Một lời trăm cảm thông.

Thờ dân trọn đạo hiếu,

Thờ nước vẹn lòng trung.

Cụ đến, tôi mừng rỡ,

Cụ đi, tôi nhớ nhung.

Một câu xin tặng cụ:

“Kháng chiến ắt thành công”.

– Hồ Chí Minh: Thơ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 113-114.

Tháng 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho thương, bệnh binh. Người động viên và khuyên nhủ anh em yên tâm điều trị cho hồi phục sức khoẻ, đồng thời nên tranh thủ học tập để sau này có thể tiếp tục tham gia công tác giúp ích cho Tổ quốc, “trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”.

– Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, t.1, tr. 226.

– Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 471.

Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)

Advertisement