Học là để hành

Tiếp nối truyền thống của dân tộc, luôn coi việc “dạy người là kế sách trọn đời”, coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, ngay sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và Người coi nhiệm vụ diệt “giặc dốt” cũng quan trọng như nhiệm vụ diệt “giặc đói”, “giặc ngoại xâm”.

Với Hồ Chí Minh, giáo dục phải luôn thể hiện bản chất ưu việt của một chính sách vì dân. Trong thư gửi cho giáo sư và sinh viên Trường dự bị Đại học ở Thanh Hóa, Người căn dặn: “Các thầy cô giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc. Vì giáo dục nhằm mục đích thiết thực là phục vụ nhân dân”. Người cho rằng: “Học cốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ”. Vì vậy, học để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng phải học thêm, học không chỉ để biết mà vận dụng tri thức vào thực tiễn. “Học để hành: học mà không hành thì vô ích, hành mà không học thì không trôi chảy”- Người chỉ rõ.

Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Vì vậy, để phát triển giáo dục và đào tạo lên một tầm cao mới, cần vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục một cách toàn diện để xây dựng một nền giáo dục tiến bộ và ưu việt.

  • Nhị Trần

baobinhdinh.com.vn

Advertisement