Sinh thời, Bác Hồ là một tấm gương về lối sống giản dị, tiết kiệm. Đặc biệt, Người luôn yêu cầu phải chống căn bệnh phô trương, hình thức. Câu chuyện sau đây cho thấy điều đó.
Năm 1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Bác yêu cầu các đồng chí ở Tỉnh ủy Nghệ An đón tiếp Bác thật tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức. Nhưng địa phương vẫn chuẩn bị sẵn một chiếc ôtô con mui trần, có vải trắng kết xung quanh và lót phía trong xe để đón Bác. Khi xuống máy bay, Bác nhìn chiếc xe rồi cười và nói: “Bác về cốt là thăm quê hương, đồng bào, chứ có là quan khách đâu mà các chú làm hình thức, tốn kém”. Nói rồi Bác bước về phía chiếc xe đi đầu của bảo vệ và ngồi bên cạnh người lái xe. Dọc đường, mọi người đều hướng về chiếc xe sang trọng, nhưng không thấy Bác đâu. Không ai biết rằng Bác đã ngồi ở chiếc xe cảnh vệ đi đầu, còn anh em cảnh vệ thì đi chiếc xe được dành để đón Bác.
Về đến nhà khách Tỉnh ủy, thấy có nhiều bông hoa rực rỡ hai bên đường, Bác dùng tay nhổ nhẹ một cành lay ơn và biết được rằng cành hoa không hề có rễ. Bác gọi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tới nghiêm giọng: “Đây là một việc làm thiếu chân thực và lãng phí. Tưởng các chú trồng hoa thì hay, có lợi cho môi trường. Nào ngờ, vì Bác vào thăm nên các chú phải mua bông này về trồng. “Trồng” hình thức nó sẽ chết. Đây là một căn bệnh phô trương, hình thức. Đón Bác như thế này Bác không vừa lòng!”. Các đồng chí trong Tỉnh ủy Nghệ An nhận ra khuyết điểm đã xin lỗi Bác và hứa sẽ sửa chữa khuyết điểm.
Những lời phê bình nhẹ nhàng của Bác trong việc này có một ý nghĩa giáo dục vô cùng to lớn. Đó là phải luôn luôn trân trọng giá trị thực, tránh phô trương, hình thức. Đó cũng chính là bài học quý cho mỗi chúng ta khi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.
- Minh Tuệ
Bạn phải đăng nhập để bình luận.