Chính quyền về tay ta đã hơn 65 năm qua. Suốt thời gian ấy, mỗi lần không nghe dân, không học dân, cách mạng lại chịu tổn thất. Cải cách ruộng đất kết hợp với đấu tố là việc nông dân không đồng tình nhưng cán bộ bên dưới khi báo cáo đều cho chủ trương của trên là đúng và dân hoan nghênh. Lãnh đạo không chịu xuống cơ sở kiểm tra tại chỗ, chỉ tin vào báo cáo.
Bác Hồ về thăm xã Vinh Quang, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ
Ảnh: TL
Ngày 25-8-1956, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (khóa 2) Bác Hồ đã nói: Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít nên bây giờ phải dân chủ. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ, làm như thế. Bài học đau xót này thúc đẩy chúng ta”. (Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử – Tập 6 – Trang 334).
Bài học dân chủ lúc nào cũng hết sức thiết thân với toàn dân, toàn Đảng. Nông dân hiểu rõ ai là địa chủ và nông dân cũng biết địa chủ nào đã hiến điền, đã tham gia kháng chiến, con cháu là đảng viên, cán bộ, nên về thực chất không còn là địa chủ nữa.
Một thời gian sau, Bộ Chính trị họp bàn về tổng kết Cải cách ruộng đất, Bác Hồ lại nói đến bài học dân chủ, quá tin vào kinh nghiệm nước ngoài và coi thường mọi ý kiến đóng góp của dân nên có lúc Đảng trở nên chủ quan, giáo điều, máy móc. Bác Hồ nhắc đi nhắc lại tại hội nghị: “Quan liêu, không sát quần chúng, không sát thực tế, chỉ xem báo cáo, chỉ tin vào người báo cáo”. (Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử – Tập 7 – trang 127).
Chỗ yếu của nhiều lãnh đạo là chỉ dựa vào báo cáo của cấp dưới, thiếu hẳn cảnh giác với nạn thành tích chủ nghĩa đã thành thói quen của các địa phương; nơi nào cũng ít hoặc nhiều “thành tích phô ra, xấu xa đậy lại”, lại còn tô hồng thêm báo cáo gửi lên trên. Qua 24 năm làm Chủ tịch nước, Bác Hồ không còn lạ gì bệnh thành tích. Có nơi Bác về thăm, lãnh đạo đã chuyển lợn gầy của trại lợn tập thể đi nơi khác và mượn lợn béo của các cơ sở chăn nuôi cá thể mang về trại lợn của hợp tác xã nông nghiệp để khoe thành tích với Bác. Lại có nơi biết Bác về thăm đã bố trí nhà dân để Bác Hồ đến thăm, chủ nhà đã được bồi dưỡng để nói với Bác về thành tích còn thiếu sót chỉ nói qua loa. Chúng ta hiểu tại sao Bác Hồ đến bất cứ địa phương nào đều không báo trước để thực tế ở đó còn nguyên vẹn, chưa bị sắp xếp, trang trí, tô vẽ.
Bác Hồ đã nói: “Không gần gũi dân thì không hiểu biết dân, không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân, vì vậy không lãnh đạo được dân” (Hồ Chí Minh toàn tập – Tập 6 – Trang 68).
Đối với Bác, một Nhà nước biết lắng nghe và học hỏi dân, biết bồi dưỡng và nâng cao dân thì sẽ thấy dân không chỉ nói lên điều dân mong muốn mà còn làm sáng tỏ trí tuệ của dân, gợi ý hoặc chỉ ra rằng dân cần luật lệ gì và luật lệ ấy phải có nội dung như thế nào, cơ quan Nhà nước cần giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh ra sao. Công cuộc đổi mới đã chứng minh rất hùng hồn, sinh động, không nghe dân, học dân đương nhiên Đảng không thể khởi xướng công cuộc đổi mới. Đổi mới là kết quả cụ thể của quá trình học dân, phát hiện cái mới trong dân. Nhiều sáng kiến đột phá giàu tâm huyết của dân là một nguồn trí tuệ quý giá không gì thay thế được cho những chủ trương và biện pháp đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Khoán hộ là sự sáng tạo của nông dân Vĩnh Phú, ra đời năm 1966. Một cách làm ăn hợp với lòng dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao, dân không những đủ ăn mà còn có tích lũy, đóng góp cho Nhà nước đầy đủ nhưng lại không được thực hiện. Thoạt nghe khó tin, nhưng lại là sự thật rất nhỡn tiền. Mãi đến tháng 4-1988, khoán hộ mói được công nhận là hợp pháp và chỉ sau hai vụ lúa, năm 1989 nước ta đã xuất khẩu gạo. Nguyên nhân của sự chậm trễ quá đáng này là do không làm theo lời của Bác Hồ, nên một số lãnh đạo xa nông dân, chỉ tin vào báo cáo bên dưới, không chịu về bám nông thôn tìm hiểu tại chỗ, tại sao nông dân chỉ thích khoán hộ và không chịu chấp nhận khoán việc do trên áp đặt. Chắc chắn với đà đổi mới ngày càng toàn diện và mạnh mẽ như hiện nay, bảo thủ, trì trệ không thể cố thủ kéo dài 10 năm, 20 năm nhưng khoán hộ mãi mãi là bài học sâu sắc, nhắc nhở lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương phải giảm hẳn các cuộc họp và dành thời gian về cơ sở gần dân, học dân.
Học dân không phải dễ nếu về địa phương lại có đưa, có đón; đi đâu cũng có cán bộ địa phương đi theo thì dù có đến nhà dân hẳn hoi dân cũng không thể nói mọi sự thật, nhất là những tiêu cực liên quan đến địa phương. Phải có một cuộc cách mạng về cách đi công tác địa phương, làm sao để lãnh đạo dù giữ bất cứ chức vụ gì đều phải hiểu rõ về công tác địa phương là trách nhiệm được Đảng và Nhà nước giao phó, phải tự lo nơi ăn chốn ở, phải thanh toán sòng phẳng mọi chi tiêu; địa phương không phải đưa và đón, không phải chiêu đãi. Nhiều nơi biện bạch lãnh đạo trên về cần có chiêu đãi cho có tình cảm. Nếu thực sự là tình cảm thì phải bỏ tiền riêng của cá nhân, sao lại đều đưa ra nhà hàng, khách chỉ có một, hai còn chủ gấp năm, bảy lần, rượu ngoại hàng triệu đồng một chai; mọi chi phí do ngân sách Nhà nước tức là dân phải chịu. Bữa trưa cũng bia rượu, bữa chiều cũng bia rượu, thì đầu óc còn tỉnh táo sao được nữa để về cơ sở nghe dân, học dân.
Chỉ thị 54CT/TU của Ban Bí thư (khóa VII) đăng trên trang nhất báo Nhân dân ngày 27-3-1995 quy định lãnh đạo trên về địa phương công tác, cá nhân và đoàn đều phải thanh toán tiền ăn và ở và không được nhận bất cứ thứ quà biếu nào. Rất tiếc Chỉ thị này cho đến nay vẫn chưa được thực hiện nghiêm chỉnh.
Học dân cần biết trân trọng ý kiến trái chiều, ý kiến ngược, cần lắng nghe và trao đổi, bàn bạc tìm ra câu trả lời cho những vấn đề dân đang rất quan tâm. Dân có những bức xúc không thể bàn với cán bộ địa phương, thấy cán bộ trên về họ rất muốn được gặp, được thổ lộ, tâm tình, tất nhiên với điều kiện phải làm cho dân tin. Đôi khi dân gửi thư lên cấp trên để phê bình khuyết điểm của cán bộ địa phương, nêu những băn khoăn thắc mắc mong được trên giải đáp hoặc đưa ra những kiến nghị về dân sinh, dân chủ mong được sớm thực hiện. Bác Hồ khuyến khích dân gửi thư lên trên, Bác coi đây là quyền dân chủ của mỗi công dân. Bác còn gợi ý dân gửi thư cần suy xét kỹ lưỡng, bày tỏ thật thà, viết tên, họ và địa chỉ rõ ràng thì cơ quan nhận được mới có thể điều tra, nghiên cứu. Bác căn dặn cán bộ, cơ quan, đoàn thể cần thật sự xem trọng ý kiến của quần chúng nhân dân. Trong sách “Hồ Chí Minh – Về Đảng Cộng sản Việt Nam” ở mục “Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân”, Bác Hồ đã viết: “Thậm chí có cán bộ địa phương đã tự tiện bóc thư cấp trên gửi cho nhân dân, dùng dằng trao thư ấy cho nhân dân một cách chậm trễ, hoặc không trao mà cán bộ tự viết trả lời cho cấp trên (như Ủy ban Hành chính xã Đồng Minh – Nam Định). Có cán bộ đã dọa nạt nhân dân vì họ đã gửi thư cho cấp trên như Phó Chủ tịch xã Xuân Yên – Hà Tĩnh.
Làm như vậy các đồng chí ấy đã phạm kỷ luật một là bóc thư riêng của người khác, hai là bưng bít tai, mắt cấp trên, bịt mồm, bịt miệng quần chúng. Sai lầm ấy phải được chấm dứt”. (Trang 119).
Thái Duy
daidoanket.vn