
Bàn làm việc của Bác Hồ tại nhà 67 trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội. Ảnh: L.Q.V
Nhà 67 – được gọi tên theo năm công trình xây dựng và hoàn thành (năm 1967) được xây dựng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị bố trí nơi làm việc cho Bác để phòng tránh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Bác đã ở làm việc và đi xa từ đây, để lại bao tiếc thương cho nhân dân cả nước. Ngôi nhà này cũng đơn sơ giản dị như bao ngôi nhà khác ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Căn nhà hoàn thành ngày 20/7/1967, một thời gian sau do chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ diễn ra ngày một ác liệt, Bác mới đồng ý chuyển xuống làm việc ở đây. Nơi đây cũng là nơi Bác họp với Bộ Chính trị bàn và ra những quyết định quan trọng liên quan đến vấn đề xây dựng kinh tế ở miền Bắc, đường lối ngoại giao, đường lối quân sự cho hai miền.
Đây cũng là nơi Bác tiếp các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương Cục miền Nam, ở Quân khu V ra họp và làm việc như: Đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Võ Chí Công… Buổi họp đầu tiên của Bộ Chính trị tổ chức tại đây là nghe đồng chí Lê Đức Thọ báo cáo về diễn biến của Hội nghị Pa-ri, đồng thời chuyển một số bức họa của các bạn người Pháp gửi tặng Bác. Có lần Bộ Chính trị đang họp thì máy bay địch đến bắn phá Hà Nội, Bác và đồng chí Văn Tiến Dũng gọi điện thoại động viên các đơn vị quân đội và dân quân tự vệ tại Hà Nội đã bắn rơi máy bay Mỹ…
Các đồng chí lãnh đạo bên quân đội thường được Bác gọi tới báo cáo với Bác về tình hình chiến sự. Đồng chí Phùng Thế Tài báo cáo về tình hình chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại miền Bắc và chiến công của quân dân miền Bắc bắn rơi máy bay và bắn chìm tàu chiến của đế quốc Mỹ. Đồng chí Lê Ngọc Hiền – Cục trưởng Cục Tác chiến thường xuyên báo cáo Bác về tình hình chiến sự tại miền Nam. Trong phòng treo 2 bản đồ: Bản đồ theo dõi bố trí binh lực địch ở miền Nam, bản đồ theo dõi các bước leo thang bắn phá miền Bắc của Đế quốc Mỹ để cho Bác tiện theo dõi diễn biến chiến sự.
Năm 1969, sức khỏe Bác giảm sút nhiều nhưng Bác vẫn tiếp khách và làm việc bình thường. Ngày 19/5.1969 – đúng sinh nhật, Người tiếp đồng chí Nguyễn Hữu Mai – Bộ trưởng Bộ Điện – Than đến báo cáo công việc của ngành. Đối với ngành công nghiệp quan trọng này bác thể hiện sự quan tâm đặc biệt.
Chiều 24/8/1969, Bác cùng đồng chí Tố Hữu nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài “Diễn ca Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp”, nghe xong Người căn dặn đồng chí Tố Hữu nên phổ biến cách tuyên truyền bằng hình thức diễn ca này để bà con nông dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.
Bác quan tâm chỉ đạo xuất bản sách người tốt việc tốt viết về nông dân với chủ đề “Hậu phương thi đua với tiền phương”. Không chỉ đối với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân mà đối với các ngành, các giới, các địa phương, Người đều dành sự quan tâm sâu sát. Bác thường gửi thư khen, tặng huy hiệu đến những người có thành tích trong lao động, trong chiến đấu và là tấm gương tốt trong tu dưỡng đạo đức… do đài báo phát hiện, do các ngành, đoàn thể đề nghị.
Nhân dịp kỷ niệm Đảng ta 39 tuổi (3/2./1969), tại ngôi nhà này, Bác đã viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đây là bài báo cuối cùng Người viết đăng trên Báo Nhân Dân. Bài báo được Bác trao đổi ý kiến nhiều lần với đồng chí Tố Hữu, Bác yêu cầu đồng chí Cù Văn Chước ngồi bên để ghi lại những ý kiến của Bác về nội dung bài báo này. Bài báo đã trở thành tài liệu quan trọng trong hệ thống các bài viết của Người về công tác xây dựng Đảng.
Từ bài giảng cho lớp cán bộ đảng viên ở Quảng Châu “Tư cách người cách mạng” đến khi người viết Di chúc trước lúc đi xa và dặn lại “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Ngày 17.8.1969, theo lịch, các bác sĩ kiểm tra sức khỏe phát hiện thấy tim Bác không bình thường, đã đề nghị Người không lên thang gác nhà sàn nữa. Bác đồng ý chuyển ở hẳn tại nhà 67.
Tuy sức khỏe kém đi nhiều nhưng Bác vẫn nghe đồng chí Cù Văn Chước – người giúp việc cho Bác đọc báo chí để nắm bắt tình hình và vẫn xử lý công việc hằng ngày của một vị Chủ tịch nước. Ngày 24/8/1969, sức khỏe của Người đã diễn biến phức tạp, tối hôm đó, một cơn đau tim đột ngột làm cho Bác mệt hơn. Từ ngày 25/8/1969, nhà 67 trở thành nơi chăm sóc, chữa bệnh cho Người.
Năm ấy lũ tràn về, nước trên sông Hồng lên to. Tại giường bệnh Bác vẫn quan tâm nhắc Bộ Chính trị phải tìm mọi cách phân lũ không để nước tràn về Hà Nội, để đồng bào không bị lâm vào cảnh lụt lội. Khi đồng chí Phạm Văn Đồng đến bên giường Bác báo cáo về kết quả phân lũ, Người nở nụ cười, khuôn mặt rạng ngời mãn nguyện. Người dặn đồng chí Phạm Văn Đồng: “Các chú nhớ bắn pháo hoa để đồng bào vui, Bác sẽ cố gắng gặp đồng bào mươi phút…”.
Người đã không dự lễ Quốc khánh cùng đồng bào như ước nguyện được. Người đã ra đi nhẹ bước tiên vào hồi 9h47 phút ngày 2/9/1969, vào chính ngày Người đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cách đó 24 năm về trước.
Theo Đỗ Văn Phú
(Theo tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Laodong.com.vn
Huyền Trang (st)