Nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh – Bài 1

Một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh

~ oOo ~

Lời giới thiệu

“Một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh” là một công trình khoa học ra đời đúng lúc, có giá trị khoa học, có những đề xuất mới đối với môn Hồ Chí Minh học ở nước ta.

Công trình bắt đầu từ việc xác định hai khái niệm phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, nói như một nhà phương pháp luận học phương Tây, tác giả cuốn Động thái về nghiên cứu khoa học xã hội (Dynamique de la recherche en sciences sociales) tức là con đường lôgích của sự nghiên cứu mà nhiều người ứng dụng, bao gồm: – Hệ quan điểm vận dụng; – Thao tác luận trong nghiên cứu, tức hệ trình (ordre) về những biện pháp và cách làm cụ thể.

Những luận thuyết tác giả đưa ra đều đúng, đã chỉ ra được tiến trình sáng tạo của sự nghiên cứu nhằm đạt được ý đồ khoa học đã được xác định. Từ đó, một ưu điểm thứ hai của công trình là xuất phát từ một đối tượng nghiên cứu đặc biệt, tác giả đã tiến lên một bước rất cần thiết là xác định những nguyên tắc phương pháp luận đặc thù của việc nghiên cứu Hồ Chí Minh. Đây là một vấn đề hoàn toàn mới.

Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại, đứng về khoa học, có thể nói đó là một đối tượng nghiên cứu mang tính chất tổng thể: tư tưởng, hành động, nhân cách, đời sống riêng, trước tác về chính trị, báo chí, thơ ca, các hoạt động quốc tế,… Như vậy, phải có một phương pháp luận và phương pháp riêng mới nghiên cứu và làm rõ được tính chất kỳ vĩ toàn diện của Hồ Chí Minh. Các tác giả đã thực hiện được điều đó bằng sức suy tư, tìm tòi, tổng kết và đề xuất của mình.

Từ những nguyên tắc phương pháp luận đặc thù của việc nghiên cứu, các tác giả đã vận dụng sinh động và nhất quán vào việc tìm hiểu và xác định các phương pháp liên ngành và chuyên ngành trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Các phương pháp nghiên cứu tiểu sử, thơ vǎn, ngôn ngữ,… của Hồ Chí Minh được tác giả trình bày khá tỉ mỉ, cụ thể với nhiều dẫn chứng phong phú, có chọn lọc, theo một lôgích khoa học chặt chẽ, có ý nghĩa chỉ dẫn thiết thực đối với những nhà nghiên cứu trẻ mới đi vào chuyên ngành này.

Phương pháp luận liên ngành đã được vận dụng với một hiểu biết khá sâu sắc. Với những lý do trên, tôi đánh giá cao công trình này, một công trình chứa đựng nhiều tìm tòi, khám phá mới, có trình độ khái quát cao, một đóng góp rất bổ ích vào việc nghiên cứu Hồ Chí Minh đang được triển khai rộng rãi ở nước ta. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Giáo sư, Viện sĩ. Hoàng Trinh

Lời nói đầu

Trong những nǎm gần đây, công tác nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã không ngừng được mở rộng và phát triển, cả về nội dung nghiên cứu lẫn quy mô nghiên cứu. Từ chức nǎng, nhiệm vụ của một cơ quan, thậm chí của một số ít người chuyên trách, đến nay nó đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Các ngành, các địa phương, các học viện và nhà trường, ít nhiều đã hình thành được những trung tâm nghiên cứu, tổ nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh đã và sẽ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, trước hết là các trường Đảng và trường đại học, nên việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh có triển vọng trở thành một bộ môn khoa học chuyên ngành của khoa học xã hội nước ta.

Do đó, cùng với việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác lý luận, việc cải tiến và nâng cao chất lượng nghiên cứu về Hồ Chí Minh cũng đang được đặt ra như một yêu cầu cấp bách. Trong mấy chục nǎm qua, thành tựu nghiên cứu về Hồ Chí Minh có thể nói là khá toàn diện và phong phú. ở Việt Nam, có lẽ chưa có một tác giả nào, một nhân vật lịch sử nào lại được giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài quan tâm nghiên cứu nhiều như thế, với một khối lượng công trình, luận vǎn, bài báo,… to lớn đến như thế. Trong đó, có không ít những công trình có giá trị, được giới nghiên cứu thừa nhận, nhất là các công trình có tính chất tiểu sử (như các cuốn Hồ Chí Minh của J. Lacouture; Đồng chí Hồ Chí Minh của E. Cabêlép; Hồ Chí Minh với Trung Quốc của Hoàng Tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tiểu sử và sự nghiệp của Viện lịch sử Đảng; Hồ Chí Minh – biên niên tiểu sử của Viện Hồ Chí Minh, v.v.). Về nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách … Hồ Chí Minh, trước hết phải kể đến những tác phẩm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã viết về Người, như tác phẩm của các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Vǎn Đồng, Nguyễn Vǎn Linh, Đỗ Mười, Võ Nguyên Giáp,… trong đó có những công trình và luận vǎn, tuy công bố đã lâu, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.

Trong dịp kỷ niệm lần thứ 100 nǎm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là từ sau Đại hội VII của Đảng ta đến nay, việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã được đẩy mạnh, số lượng tác phẩm và bài viết tǎng nhiều lần so với bất cứ thời kỳ nào trước đây. Những kết quả được công bố đã góp phần làm rõ thêm khái niệm và hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp cho toàn Đảng, toàn dân có thêm tài liệu nghiên cứu, học tập để vận dụng tư tưởng của Người vào sự nghiệp đổi mới cũng như vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mặc dù khẳng định những thành tựu đã qua là to lớn, nhưng điều dễ nhất trí là những gì chúng ta làm được cũng mới chỉ là bước đầu, còn rất nhỏ bé so với tầm vóc của Hồ Chí Minh, so với mong đợi của nhân dân và bạn bè trên thế giới, so với yêu cầu về công tác tư tưởng và lý luận của Đảng ta. Nhược điểm dễ thấy nhất là chất lượng nghiên cứu khoa học về Hồ Chí Minh chưa cao, còn ít những công trình chuyên khảo có giá trị tổng kết về mặt lý luận, đưa ra được những dự án lý thuyết, đóng góp vào việc hoạch định và lựa chọn những giải pháp kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước. Một số công trình và bài viết vẫn chưa vượt lên được trình độ chung đã có, chưa hoàn toàn khắc phục được những biểu hiện của chủ nghĩa sơ lược, chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa kinh nghiệm,… Do đó, tính khoa học, tính thuyết phục trong nghiên cứu chưa cao, chưa sâu, chưa thực đủ hấp dẫn đối với người đọc. Để cải tiến và nâng cao chất lượng nghiên cứu về Hồ Chí Minh, có nhiều vấn đề phải bàn, song trước mắt, có hai vấn đề cấp bách cần giải quyết:

1. Đổi mới công tác tư liệu về Hồ Chí Minh

Công tác này bao gồm công tác sưu tầm, bổ sung, xác minh và xã hội hoá hệ thống tư liệu đã có. Muốn nâng cao chất lượng nghiên cứu về Hồ Chí Minh trên phạm vi toàn xã hội, trước hết phải xây dựng được một hệ thống tư liệu đầy đủ, chính xác, đã qua xử lý khoa học và đến tay được đông đủ nhà nghiên cứu. (Bộ Hồ Chí Minh – toàn tập và bộ Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử đã đáp ứng phần nào yêu cầu trên). Tuy nhiên, hiện còn một bộ phận quan trọng tư liệu về Hồ Chí Minh vẫn chưa được sưu tầm và khai thác đầy đủ. Do đó, muốn cải tiến và nâng cao chất lượng nghiên cứu về Hồ Chí Minh thì một trong những công việc quan trọng đầu tiên là phải sưu tầm và khai thác được đầy đủ hệ thống tư liệu chính xác, bảo đảm tính khoa học và tính thuyết phục cao.

2. Xác lập những nguyên tắc phương pháp luận, cải tiến và đổi mới phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh

2.1. Lâu nay, các nhà khoa học từ các chuyên ngành khác nhau tham gia vào việc nghiên cứu Hồ Chí Minh, chủ yếu vận dụng kinh nghiệm phương pháp luận của chuyên ngành mình hoặc bước đầu tiến lên sử dụng phương pháp liên ngành ở một mức độ nào đó. Cách làm này đã đem lại những kết quả nhất định. Những thành tựu trong công tác nghiên cứu về Hồ Chí Minh đang góp phần hình thành một bộ môn khoa học chuyên ngành, nó có đối tượng nghiên cứu riêng nên cần có phương pháp nghiên cứu thích hợp với đối tượng ấy, dưới sự chỉ đạo của những nguyên tắc phương pháp luận mang tính đặc thù của bộ môn. Vì vậy, đã đến lúc cần sớm làm rõ những vấn đề mà thực tiễn nghiên cứu đang đặt ra: Một là, những nguyên tắc phương pháp luận chung chỉ đạo việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh là gì? Hai là, có hay không có những nguyên tắc mang tính đặc thù của chuyên ngành nghiên cứu Hồ Chí Minh học? Ba là, cần phân biệt các khái niệm sau đây để tránh lầm lẫn trong nghiên cứu: – Phương pháp luận của Hồ Chí Minh (của bản thân đối tượng nghiên cứu). Cơ sở phương pháp luận chung của chúng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Vậy xây dựng những nguyên tắc phương pháp luận chỉ đạo việc nghiên cứu Hồ Chí Minh cũng cần phải xuất phát từ chính phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo. – Phương pháp hệ (metthodicat) nghiên cứu về Hồ Chí Minh nên gồm những phương pháp nào để chẳng những kết quả nghiên cứu phải hiện thực mà phương pháp nghiên cứu, con đường dẫn đến kết quả đó, cũng phải hiện thực. Nghĩa là trong nhiều phương pháp hiện có, cần lựa chọn những phương pháp nào được coi là thích hợp và có hiệu quả nhất. – Phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh như là những nguyên tắc lý thuyết có ý nghĩa chỉ đạo chuyên ngành Hồ Chí Minh học. Các khái niệm này hiện nay chưa được làm rõ và sử dụng thống nhất trong nghiên cứu. Bốn là, nếu đối tượng nghiên cứu quyết định phương pháp nghiên cứu, thì công việc trước hết của giới nghiên cứu là phải khám phá đầy đủ, chính xác đối tượng nghiên cứu – ở đây là Hồ Chí Minh – tức là phải tìm hiểu và làm rõ: bản chất, đặc điểm của con người, tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh là gì ? Vấn đề này mấy nǎm qua giới nghiên cứu đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay vẫn chưa được lý giải thoả đáng.

2.2. Cần cải tiến và đổi mới phương pháp nghiên cứu để có được hiệu quả cao. Chung quanh vấn đề này hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau: Có ý kiến cho rằng, các phương pháp cũ vẫn cần được khai thác và vận dụng cho tốt hơn, nhưng muốn đạt chất lượng mới, cần có sự đổi mới về phương pháp nghiên cứu. Có đúng như vậy không ? Đổi mới trên cơ sở nào, theo phương hướng nào ? Có thể tiếp thu những kinh nghiệm gì của khoa học nghiên cứu về các vĩ nhân trên thế giới ? Thí dụ, sự ra đời của một vĩ nhân như Hồ Chí Minh, theo chúng ta vẫn quan niệm, là một tất yếu lịch sử, nếu không có Hồ Chí Minh thì nhất định sẽ có một người khác, nhanh hay chậm, “thích hợp ít hay nhiều, nhưng cuối cùng cũng xuất hiện”, như Mác nói. Như vậy, trong cùng một điều kiện lịch sử, trên đất Nghệ – Tĩnh, khả nǎng “Nam Đàn sinh thánh” không phải chỉ có một người, nhưng cuối cùng vĩ nhân đó lại chính là Hồ Chí Minh, chứ không phải là một người nào khác; điều đó đòi hỏi chúng ta phải lý giải một cách cụ thể đủ sức thuyết phục. Lại có ý kiến cho rằng, lâu nay ta nghiên cứu vĩ nhân mới chủ yếu tiếp cận từ quan điểm giai cấp, từ những nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật lịch sử, điều đó hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ. Con người không chỉ là sự tổng hoà của các quan hệ với tự nhiên nữa.

Trong nghiên cứu, ta thường mới chú trọng con người xã hội mà xem nhẹ con người tự nhiên, coi trọng con người công dân mà xem nhẹ con người cá thể, đề cao con người hành động mà bỏ qua con người tâm linh,… Nếu chỉ như thế, thì vẫn chưa hiểu được Hồ Chí Minh, một người cộng sản phương Đông. Thí dụ, chúng ta đều biết Hồ Chí Minh có nhiều dự báo đã được lịch sử chứng nghiệm là đúng. Lý giải rằng, đó là kết quả của việc Người đã nắm bắt được quy luật phát triển của lịch sử kết hợp với một vốn tri thức khoa học phong phú của thời đại nên đã dự kiến được bước đi của tương lai,… Điều đó là hoàn toàn đúng. Nhưng diễn biến cụ thể của lịch sử vốn ngoắt ngoéo và đầy bất ngờ. Chẳng hạn, trong khi các nguyên thủ của phe Đồng Minh tại Hội nghị Têhêrǎng nǎm 1943 dự kiến rằng, phải đến nǎm 1946 mới có khả nǎng đánh bại được lực lượng phát xít, kết thúc chiến tranh, thì Hồ Chí Minh tại Pác Bó nǎm 1941 đã viết: 1945 Việt Nam độc lập! Và lịch sử đã diễn ra đúng như vậy.

Vì vậy, có người đề nghị: trên cơ sở nắm vững những nguyên tắc và phương pháp của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, nên chǎng có thể tham khảo và vận dụng có mức độ các phương pháp như các phương pháp trực cảm, trực giác, phương pháp thông hiểu (comprehention), v.v. Theo chúng tôi nghĩ, vấn đề không phải là được phép hay không được phép sử dụng phương pháp nào với ý nghĩa là một công cụ nghiên cứu, mà cái chính là sử dụng như thế nào, với giới hạn nào để đạt được chân lý khoa học, mà không rơi vào duy tâm, thần bí. Lại có ý kiến khác cho rằng, trong nghiên cứu Hồ Chí Minh, tác phẩm và vǎn bản là cần, nhưng không phải là cái quan trọng nhất, mà điều quan trọng hơn là phải tìm hiểu xem tư tưởng của Người đã đi vào thực tiễn như thế nào, đã xâm nhập vào quần chúng, đã tỏ sức mạnh vĩ đại trong cuộc sống ra sao, có thể mới đánh giá được hết những cống hiến, giá trị, tác dụng của tư tưởng của Người đối với dân tộc. Đây là một vấn đề thuộc quan điểm thực tiễn trong nghiên cứu, đánh giá tư tưởng – đạo đức Hồ Chí Minh khi đi vào quần chúng, đã trở thành niềm tin, hy vọng, thành sức mạnh vượt qua đầu thù như thế nào ? ở hình thái dân dã, nhiều thế hệ người Việt Nam trước đây và hiện nay vẫn tôn thờ Hồ Chí Minh như một vị thánh. Càng trong hoàn cảnh khó khǎn, gian khổ, trong tra tấn tù đày, đồng bào và chiến sĩ ta càng hướng về Bác Hồ, tìm thấy ở Người một sự tiếp sức kỳ diệu.

Có thể nói, Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ cộng sản hiện đại duy nhất đã được huyền thoại hoá ngay từ khi đang còn sống. Từ lúc trẻ ngay ở Pháp, khi chưa có tên tuổi sự nghiệp gì lớn, các đồng chí cùng hoạt động với Nguyễn ái Quốc ở Pari, qua ánh mắt sáng rực, khuôn mặt thanh khiết, nếp sống khổ hạnh của Nguyễn ái Quốc, đã nghĩ rằng đó là một nhà cách mạng khác thường. Rồi bọn mật thám Pháp, qua các báo cáo theo dõi và nhận xét của chúng, cũng đã đóng góp vào việc huyền thoại hoá con người “có khả nǎng cắm cây thập tự cáo chung lên nền thống trị của Pháp ở Đông Dương”.

Còn nhân dân Việt Nam và thế hệ thanh niên yêu nước ở những thập niên đầu thế kỷ XX đã biết đến Nguyễn ái Quốc qua lời giảng của Cụ Phan về một số câu sấm truyền. Đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì hình ảnh Hồ Chí Minh đã đem lại sức mạnh trong lòng đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là với các chiến sĩ tử tù nơi Côn Đảo. Không phải chỉ chúng ta mà nhiều bạn bè quốc tế đã thừa nhận Hồ Chí Minh là một nhân vật huyền thoại, một vị thánh của cách mạng. ở đây ta không bàn đến nguyên nhân, điều kiện xuất hiện của hiện tượng này, nhưng đó là một hiện tượng có thực. Giải hiện tượng huyền thoại hoá này để nhận chân con người, tư tưởng, nhân cách vǎn hoá Hồ Chí Minh như thế nào ? Giữa con người lịch sử – hiện thực và con người tượng trưng (symbol), chung đúc trong đó cả khát vọng, lương tâm, vinh dự của một dân tộc, phần nào là thực, phần nào là màu sắc lung linh của huyền thoại ? Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều vấn đề đang được giới nghiên cứu đặt ra chung quanh vấn đề phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các khoa học xã hội và nhân vǎn, khoa học về các phương pháp nghiên cứu cũng đạt được những thành tựu mới ngày càng phong phú.

Chuyên ngành nghiên cứu Hồ Chí Minh đang hình thành, vì vậy phương pháp luận nghiên cứu của nó cũng chỉ có thể từng bước hoàn thiện cùng với sự phát triển của môn học. Vì là một đề tài rất lớn và khó, nên chuyên đề này không có tham vọng đặt ra và giải quyết toàn bộ những vấn đề đang nảy sinh trong thực tiễn nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Do khả nǎng và trình độ có hạn của các tác giả, chuyên đề này tự hạn chế ở mấy mục tiêu sau đây: Về lý luận, nghiên cứu để bước đầu xác lập những nguyên tắc phương pháp luận chung, các phương pháp liên ngành và chuyên ngành,… nhằm sơ bộ tìm ra một hệ phương pháp nghiên cứu thích hợp cho chuyên ngành Hồ Chí Minh học ở Việt Nam, từng bước đưa sự nghiệp nghiên cứu Hồ Chí Minh lên thành một bộ môn khoa học, khắc phục dần những nhược điểm và hạn chế hiện nay. Về thực tiễn, từ kết quả nghiên cứu về phương pháp, đưa ra những kiến nghị khôi phục lại tính chân thực lịch sử của trước tác Hồ Chí Minh, kiến nghị thử nghiệm và vận dụng tư tưởng, phương pháp Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Kết quả của công trình sẽ là một tài liệu đóng góp vào việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ đi vào chuyên ngành nghiên cứu Hồ Chí Minh, mở rộng đội ngũ, chuẩn bị cho việc triển khai các đề tài nghiên cứu về Hồ Chí Minh ở các giai đoạn sau.

PGS, PTS. Hoàng Chí Bảo; GS. Nguyễn Đǎng Mạnh;

cpv.org.vn

Advertisement