26 năm miệt mài sưu tầm tranh ảnh, bút tích của Bác, có lúc phải bán cả kỷ vật của người vợ đã khuất để in và photo tư liệu, ông đã có một bảo tàng Hồ Chí Minh ngay trong nhà mình.
Ngôi nhà 3 tầng giữa lòng xứ Thanh khá yên tĩnh. Bên trong, một cụ già dáng người nhỏ bé, đôi mắt sáng đang cặm cụi viết lách. Xung quanh ông, những tấm hình Bác Hồ, những tờ báo được ép plastic treo và xếp cẩn thận. Ông Nguyễn Đình Sơn, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hoá cho biết, thành công lớn nhất đời ông là sở hữu hàng nghìn tư liệu, hàng trăm bút tích của Bác Hồ.
Sinh năm 1930, ông Nguyễn Đình Sơn làm liên lạc đánh trận Cổ Lũng, huyện Bá Thước, khi mới 17 tuổi. Tháng 8/1953, ông tình nguyện đi thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa đường, gỡ bom, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 12 năm ấy, ông được tuyển chọn về đội 36 phục vụ ATK (Việt Bắc, Tân Trào, Tuyên Quang). Hòa bình lập lại, ông được điều về Cục Cảnh vệ. Sau khi vợ qua đời, các con còn thơ dại, ông xin về Sở Công an Thanh Hóa công tác và đến năm 1982 thì nghỉ hưu.
80 tuổi, ông vẫn miệt mài ghi chép, lưu giữ các tư liệu về Bác. Ảnh:Hoàng Thùy.
Ông tâm sự, thời gian làm việc ở Cục cảnh vệ để lại nhiều ấn tượng nhất. Lúc ấy, ông trực tiếp bảo vệ Bác, một vài lần được tập võ cùng Bác khiến lòng kính yêu đối với vị lãnh tụ giản dị, đời thường ngày càng lớn. Ông tâm niệm khi nào có điều kiện sẽ sưu tầm tư liệu, bút tích, hình ảnh của Người.
Tháng 2/1983, sau những đề xuất của ông Sơn, Ban đề tài tư liệu lịch sử 2253NV Thanh Hoá được tổ chức và hoạt động nhằm sưu tầm, xác minh, bổ sung, tổng hợp những tư liệu Bác Hồ với nhân dân và lực lượng vũ trang Thanh Hoá. Ông Sơn được giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm đề tài.
Hằng ngày ông đều đặn đọc sách báo tìm tư liệu về Bác. Cứ nghe ai đó có di vật, bút tích của Bác Hồ là ông leo lên chiếc xe cọc cạch tìm đến tận nơi xin về. Đồng lương hưu ít ỏi ông dùng làm lộ phí cho những chuyến đi, và in ấn tư liệu. Sợ mối mọt gặm nhấm, ông Sơn đã đem ép plastic toàn bộ tư liệu có được. Trong lúc cần tiền để thực hiện công việc, ông đã bán đi 2 chỉ vàng – kỷ vật của người vợ đã khuất để in 50 tập báo, mỗi tập dày 69 trang.
“Bà ấy sinh thời rất yêu quý Bác. Ở nơi chín suối, chắc chắn bà cũng rất vui khi kỷ vật của chúng tôi được dùng vào việc có ích”, ông Sơn chia sẻ.
Sau gần 30 năm miệt mài với công việc, ông Sơn và Ban đề tài tư liệu lịch sử 2253NV đã thu thập được hàng nghìn bài báo về Bác, hàng trăm bức ảnh, 60 bút tích, bài nói chuyện của Người. Ngoài ra, Ban còn được một Việt kiều Pháp tặng cho một số cuốn phim độc nhất vô nhị mang tên “Việt Nam – Bác Hồ”, “Việt Nam đất nước con người”, “Hồ Chí Minh chân dung một con người”. Hiện những bộ phim quý giá này đã được tặng cho Viện tư liệu phim Việt Nam.
Tư gia của ông toàn treo ảnh và những bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Thùy.
Được con gái cho tiền dưỡng già, ông Sơn dùng toàn bộ số tiền ấy xây ngôi nhà mới và chuyển tư liệu về Bác từ nhà cũ lên. Ông nói: “Mình ở thế nào cũng được, chứ những tư liệu quý giá này mà bị ẩm mốc, mối mọt thì xót lắm”.
Ngôi nhà 3 tầng của ông thiết kế không có nhiều đặc biệt, nhưng cách trang trí lại khiến người ta đến một lần không thể quên. Ở tầng một, những bài báo, bút tích của Bác Hồ được ép plastic và treo liền nhau trên tường. Hình của Bác được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Ở góc phải căn phòng là một chiếc tủ đứng chứa đầy sách báo, tư liệu Bác Hồ mà suốt mấy chục năm qua ông đã sưu tập được.
Ở tầng hai của ngôi nhà, nguồn tư liệu cũng phong phú không kém. Căn phòng được chia làm các khu vực lưu giữ với nhiều nội dung. Ở góc phải nơi cửa ra vào là hình ảnh, tư liệu Hồ Chí Minh với phụ nữ Việt Nam, góc trái là với lực lượng công an nhân dân… Hai tủ sách cũng là những tư liệu quý giá về Bác và các vị lãnh tụ vĩ đại của nhân loại.
Đã từ lâu ngôi nhà của ông Sơn là điểm đến của học sinh mỗi khi cần những tư liệu về vị lãnh tụ, là nơi hội họp của những người lính cụ Hồ nhân ngày lễ lớn của dân tộc. Và đó còn là nơi những người yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm về.
Vừa sưu tập tư liệu, ông Sơn vừa viết các cuốn sách “Trọn lòng với Bác kính yêu”, “Chung một tấm lòng với Bác”…Ông cũng vừa hoàn thành tập bản thảo “Hồi ký về cuộc đời”. “Ngoài bảo tàng tư liệu đã có, tôi còn muốn viết sách về Bác để những hình ảnh, những tư liệu liên quan đến vị cha già dân tộc có thể đến được với tất cả mọi người, được lưu giữ qua thời gian”, ông tâm sự.
Hoàng Thùy