Theo dấu chân Người 100 năm trước (kỳ 1)
(ĐV) Không gian cuộc hành trình 30 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bao gồm cả một phòng xử án đầy kịch tính, nơi Người đã may mắn thoát án tử hình.
Kỳ 1: Phiên tòa đầy kịch tính và cuộc thoát án tử hình
Ngày 6/6 tới đây sẽ vừa tròn 80 năm ngày Hồ Chí Minh bị nhà cầm quyền Anh ở Hồng Kông bắt giam, do sự xúi giục của thực dân Pháp. Người Anh dự định trục xuất Hồ Chí Minh lên một con tàu Pháp, một con đường chắc chắn dẫn Người tới cái chết.
Sung Man Cho là ai?
Luật sư người Anh Francis Loseby, người đảm nhận vụ án trục xuất Sung Man Cho, đã tra xét thẩm quyền của thống đốc Hong Kong trong vụ này, dựa trên luật habeas corpus (bảo thân), thuộc thông luật cổ truyền nước Anh. Lệnh habeas corpus là một trát toà đặc biệt, cho phép thẩm tra tính hợp pháp của vụ việc giam hãm hoặc bỏ tù một đương sự bất kỳ.
Vụ án Sung Man Cho Vs. The Superintendent of Prisons (Sung Man Cho kiện quản giáo nhà tù Hong Kong) đã trở thành một sự kiện quan trọng, được đưa trên báo chí tiếng Anh tại nhượng địa này nhiều hơn cả tin về bản vị vàng sụt giá, lẫn sự kiện chính phủ MacDonald đổ. Tự kháng biện trước toà, Hồ Chí Minh nhận mình là Sung Man Cho, người Hoa. Các học giả Việt Nam từng gặp khó khăn trong nghiên cứu sử liệu nước ngoài về quãng đời này của Hồ Chí Minh, khi dựa vào phiên âm tiếng Việt của danh tính này.
Các luật sư Anh tham gia vụ án Sung Man Cho (nguồn: Bảo tàng HCM; ANOM, Aix-en-Provence, Pháp)
Sau 9 phiên toà, Toà án Tối cao Hong Kong xử Hồ Chí Minh thua kiện. Các luật sư người Anh của Hồ Chí Minh đã thay mặt cho thân chủ của mình kháng án lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia, toà án tối cao của đế quốc Anh. Hai luật gia Anh là Denis Noel Pritt – biện hộ cho Hồ Chí Minh, và Stafford Cripps – cãi cho Hoàng gia Anh, đã dàn xếp vụ này bên ngoài phòng xử án.Hiện chưa thấy trong lưu trữ tư liệu về các trao đổi của hai luật gia có chức trách phản biện lẫn nhau này trong vụ án Sung Man Cho. Song ddiefu chắc chắn là họ đã nhất trí giúp “ông Sung Man Cho người Hoa” rời Hong Kong theo sở nguyện của mình.
Thoát hiểm
Hồ Chí Minh bí mật rời Hong Kong sang Singapore tháng 1/1933. Nhưng người Anh ở Singapore đã trục xuất Hồ Chí Minh trở lại Hồng Kông và người Anh ở Hồng Kông lại bắt giữ Hồ Chí Minh lần nữa, vẫn do Pháp “xi-nhan.” Hồ Chí Minh bị buộc phải rời nhượng địa này trong ba ngày. Một lần nữa, luật sư Loseby lại giúp Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh cải trang thành một thương gia người Hoa giàu có, vận áo thụng gấm thêu kim tuyến. Luật gia người Hoa giúp việc cho Loseby thủ vai thư ký cho “nhà buôn phát đạt” này.
Tấm bản đồ Malaysia do chính tay Hồ Chí Minh vẽ (nguồn: Lưu trữ Quốc gia Anh)
Ngày 22/1/1933, sau khi con tàu dành cho Hồ Chí Minh vừa rời bến, viên phó cảnh sát trưởng Hồng Kông dùng ca-nô riêng đưa hai “khách hạng nhất tới trễ” lên boong. Hai “nhà buôn Trung Hoa” này cập bến Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến đúng dịp Tết Quý Dậu, 1933. Từ đây, Hồ Chí Minh đi tiếp tới Vladivostok và Moscow…
Hệ thống luật pháp Anh kết hợp hoạt động của hai dạng luật sư: một luật gia tư vấn pháp lý (quan hệ trực tiếp với thân chủ) và một trạng sư bào chữa (được thuê bởi luật gia tư vấn pháp lý để bênh vực thân chủ tại tòa). Không mấy người Việt biết rõ về trạng sư bào chữa Francis Jenkin, người đã cãi cho Sung Man Cho tại phiên tòa của Tòa án tối cao Hồng Kông, mặc dù tin tức về vụ án này trên các trang báo đương thời chỉ nêu tên Jenkin mà không nhắc tới luật sư làm tư vấn pháp lý, là Loseby.
Cộng sự của Loseby, họ là ai?
Lady Borton, nhà văn Mỹ, đến Hà Nội vào đầu năm 1975 khi cuộc chiến tranh chuẩn bị kết thúc. Bà là tác giả cuốn Tiếp sau nỗi buồn (NXB Thế giới, 2010). Cuốn Hồ Chí Minh: một hành trình của bà do NXB Thế giới ấn hành sắp ra mắt bạn đọc. |
Trước đây, chúng tôi nhóm làm nghiên cứu để soạn thảo sách Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong (Nxb. Chính trị Quốc gia, 2004), đã từng cố gắng tìm thêm thông tin về trạng sư bào chữa Francis Jenkin, nhưng đã không đạt kết quả.Nhưng năm ngoái, trong khi khảo cứu một số sử liệu thuộc hồ sơ của Bộ Thuộc địa Pháp tại Lưu trữ Hải ngoại của Pháp ở Aix-en-Provence, tôi tình cờ tìm được tin Jenkin từ trần, đăng trên báo South China Morning Post. Cáo phó này cho biết Francis Jenkin mất năm 1936, trước khi Hồ Chí Minh từ Moskva về lại châu Á. Tuy nhiên, trong lời cáo phó nói trên có câu sau: “(Luật sư Jenkin) còn nổi tiếng về một vụ án khác, đó là vụ kháng án quyết định của Thống đốc Hong Kong thực hiện quyết định trục xuất đối với ông Sung Man Cho, thực chất là một nhà cách mạng người An Nam, vào năm 1931”.
Nếu nghiên cứu kỹ càng hơn vụ án này, có thể chúng ta sẽ thấy được công lao của một bậc tiền bối khác. Vụ kháng án lên được tới cấp Hội đồng cơ mật Hoàng gia, nhưng không bao giờ dội vào Nội các Anh. Ngược lại, vụ kiện này đã được xử lý ngoài toà án, bằng thoả thuận của hai luật sư có chức trách phản biện lẫn nhau: đó là Denis Pritt bảo vệ cho thân chủ của mình là Hồ Chí Minh, và Stafford Cripps đại diện cho Hoàng gia Anh. Loseby, Jenkin, và Pritt đã bổ trợ cho nhau trên các vai trò khác biệt, để cứu Hồ Chí Minh thoát án tử hình.
Đồng thời, vai trò then chốt trong vụ này hẳn thuộc về người luật sư đại diện cho cho Hoàng gia Anh là luật sư Stafford Cripps. Là một đảng viên Đảng xã hội, thành viên của Hội những người Fabian thiên tả, và một thành viên tích cực đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ thời đó, Stafford Cripps, qua vụ án “Sung Man Cho”, đã có những ảnh hưởng to lớn lên các sự kiện xảy ra sau đó trong lịch sử Việt Nam.
Nếu thay vào Stafford Cripps, luật sư của Hoàng Gia tại Hội đồng cơ mật Anh là một người khác, với tư tưởng chống cả CHXH, chống trào lưu giành độc lập cho các thuộc địa, thì hẳn Sung Man Cho đã thua kiện; rồi bị trục xuất trên một con tàu Pháp rời bến Hồng Kông, và lịch sử của nước Việt Nam hiện đại hẳn đã rất khác.
Bài 2: Nuôi chí ở xứ sở sương mù
Lady Borton