Theo dấu chân Người 100 năm trước (kỳ 2)
Ở London (Anh) không quản khó nhọc, từ cào tuyết cho đến rửa bát, phụ bếp, Người đều sẵn sàng, chỉ để có cơ hội hiểu về bản chất chủ nghĩa tư bản, từ đó tìm đường cứu nước cứu dân.
>> Theo dấu chân Người 100 năm trước (Kỳ 1)
Giới nghiên cứu lịch sử cả trong nước và quốc tế có lẽ đồng quan điểm rằng: Bác ở London là từ 1913 – 1917. Nơi được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian này là khách sạn Carlton mà giờ đây tọa lạc Tòa nhà New Zealand. Chúng tôi đã bắt đầu hành trình tìm lại dấu chân Người từ tòa nhà 19 tầng này vào một buổi sáng tháng 5 đẹp trời…
Tư tưởng lớn trong căn phòng nhỏ
Tòa nhà – nơi làm việc của phái đoàn ngoại giao New Zealand, nằm trên phố Haysmarket tấp nập, gần với quảng trường Tralfagar, cung điện của Nữ hoàng Anh, được xây năm 1959 trên nền của khách sạn Carlton. Nơi đây hiện có tấm biển màu xanh do Hội Hữu nghị Anh – Việt và các bạn bè Anh yêu quý Việt Nam đặt những năm 1990 ghi “Hồ Chí Minh (1890 – 1969) – Người khai sinh ra nước Việt Nam mới, đã làm việc tại Khách sạn Carlton năm 1913”.
Tòa nhà New Zealand (ảnh to) và tấm biển lưu niệm về Bác Hồ.
Ông Len Aldis, Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh – Việt kể rằng việc đặt tấm biển trên tường của tòa nhà này không phải dễ dàng. Dự án đặt tấm biển này cũng kéo dài 2 – 3 năm và cũng phải nhờ tới các chính trị gia có tiếng mới có thể thành hiện thực. “Khi mới tới Carlton, Bác Hồ chỉ được giao việc dọn dẹp và rửa bát đĩa. Câu chuyện về việc Bác Hồ cất những món ăn thừa để chuyển cho người nghèo, người ăn xin ngoài đường bắt nguồn chính từ đây. Cảm kích trước hành động nhân ái này, vị đầu bếp huyền thoại người Pháp Escosffier của khách sạn đã chuyển Bác Hồ lên khu vực làm bánh và “truyền nghề” cho ông. Nhưng điều đó cũng không thể giữ ông ở lại xứ sương mù, bởi chất chứa trong ông là hoài bão giải phóng dân tộc…”, ông Len Aldis nói.
Tầng hầm của ngôi nhà gần như vẫn giữ nguyên từ thuở nó còn là khách sạn Carlton. Qua hai lượt cầu thang, chúng tôi xuống khu phòng được cho là nơi nghỉ của các nhân viên khách sạn. Khu phòng này có độ cao chỉ trên 2m với lối đi khá hẹp, chỉ đủ cho 2 người với các các phòng nhỏ, diện tích khoảng 10m2/phòng. Hầu hết các phòng này giờ đã chuyển thành nhà kho chứa đồ cũ.
Đại sứ New Zealand nói rằng theo những gì ông được biết thì đây là các phòng ngủ của nhân viên khách sạn ngày xưa, và “Bác Hồ của các bạn có thể đã nghỉ tại một trong những căn phòng này”. Thấy nhiều người Việt đến đặt hoa tại tấm biển, ông thực sự không ngờ rằng “căn phòng bé nhỏ này lại từng là nơi ở của một người có tư tưởng lớn” như Hồ Chí Minh.
Đại sứ New Zealand Dereck Leask (phải) hướng dẫn Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm nơi ở của Bác Hồ tại khách sạn Carlton.
Chỉ lòng dũng cảm thôi không đủ…
Theo ông Callow, do có mối liên hệ với phong trào công nhân Anh và công nhân VN, nên Bác Hồ đã bị cảnh sát Anh chú ý. Căn nhà tại số 8 phố Stephen thường xuyên bị cảnh sát theo dõi. Tuy nhiên, khi cảnh sát Anh đột nhập theo đề nghị của cảnh sát Pháp, thì Người đã trốn khỏi đó. Tháng 12.1917, Người sang Pháp. |
Tiến sĩ John Callow, Giám đốc Thư viện Marx ở London, người nghiên cứu nhiều về Bác, cho biết: ở Carlton, Bác làm việc từ 5 giờ đến trưa và từ 17h đến 22h. Nhờ đó, Bác có thời gian tìm hiểu về London và học tiếng Anh. “Bác Hồ tới đây làm việc không phải chỉ đơn giản là để kiếm tiền, mà để tìm hiểu bản chất của những dây xích ràng buộc dân tộc mình và các nước thuộc địa với các nước thực dân. Qua nghiên cứu, Bác Hồ hiểu rằng chỉ có lòng dũng cảm thì chưa đủ để giải phóng dân tộc, mà cần phải hiểu đầy đủ về sự phát triển của CN thực dân và CN đế quốc mới có thể phản kháng một cách hiệu quả…”, TS Callow nói.Trong thời gian ở London, Bác từng làm các công việc nặng nhọc như cào tuyết ở trường học, điều khiển hệ thống nước nóng. Còn về lĩnh vực “bếp núc”, Bác còn từng làm việc ở khách sạn Drayton Court ở West Ealing, trước khi chuyển đến Carlton. Theo ông Callow, Bác từng ở tại số 8 phố Stephen Street, cắt phố Tottenham Court, cách khách sạn Carlton khoảng 20 phút đi bộ.
Rời tòa nhà New Zealand, chúng tôi đi bộ khoảng 30 phút ngoằn ngoèo theo những con phố nhỏ tấp nập của khu Soho – giờ đây nổi tiếng là nơi tụ tập về đêm của giới trẻ. Phố Stephen chỉ dài khoảng 500m, vòng đi vòng lại cũng chỉ thấy có hai tòa nhà số 1 là khách sạn cao ngất và đối diện là số 2 thuộc sở hữu của Viện phim Anh (BFI). Có lẽ ngôi nhà số 8 ngày xưa cũng không còn khi London bị tàn phá bởi trận bom The Blitz của Đức những năm 1940 – 1941.
Rời phố Stephen, 40 phút sau, chúng tôi đã có mặt ở ga West Ealing. Thêm 20 phút đi bộ, chúng tôi tới Khách sạn Drayton Court, tại số 2 phố The Avenue, nơi Bác làm việc một thời gian ngắn trước khi tới Carlton. Tư liệu lịch sử của quận Ealing cho biết: Bác Hồ từng làm việc ở đây năm 1914. Trong một tấm bưu thiếp gửi từ địa chỉ khách sạn này cho cụ Phan Chu Trinh ở Paris, Bác viết: “Bốn tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây suốt”.
Kỳ cuối: Che mắt mật thám
Mai Phương (từ Vương quốc Anh)