Cả cuộc đời Người sống vì dân

“Năm 1956, khi thi đỗ vào Khoa Ngôn ngữ phương Đông (Đại học Bắc Kinh), tôi đã không do dự chọn tiếng Việt để theo học. Lúc đó và sau này, có người hỏi tôi tại sao, tôi trả lời đơn giản rằng, vì Việt Nam có một vị lãnh tụ vĩ đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh”…

>> Triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan

Đất Việt xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Cốc Nguyên Dương, gửi từ Trung Quốc.

Nhận lời mời của Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, tôi đến Hà Nội dự Hội thảo Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Đây là một vinh dự và cũng là dịp để hoài niệm trong cuộc đời tôi vốn từ lâu đã gắn bó với Việt Nam.

Ký ức đẹp còn nguyên vẹn

Tôi luôn ước mơ một ngày nào đó có thể gặp được Bác Hồ. Ước mơ đó cuối cùng đã trở thành hiện thực. Năm 1963, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ thăm VN, khi đó tôi đang học nâng cao tiếng Việt tại ĐH Tổng hợp Hà Nội. Đại diện cho lưu học sinh TQ, tôi được tham dự buổi chiêu đãi trọng thể do Đại sứ quán TQ tổ chức để chào đón Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ. Thật hạnh phúc cho tôi, Bác Hồ đã tham dự buổi chiêu đãi hôm đó. Lần đầu tiên, tôi được nhìn thấy Bác Hồ rất gần. Cảm giác đó vẫn vẹn nguyên trong tôi, như đang hiện ra trước mắt tôi ở cuộc sống hiện tại.

Nghiên cứu về VN là khởi điểm trên con đường nghiên cứu khoa học của tôi. Những sự kiện xảy ra khiến tôi không thể nào quên. Hồi thập niên 1960 của thế kỷ trước, tại Đại lễ đường Nhân dân, đông đảo tầng lớp nhân dân dự hội nghị kêu gọi viện trợ cho VN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi vinh dự được dịch car- bin cho hội nghị đó. Các vị lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN và Đoàn thanh niên Lao động VN đã có các cuộc gặp thân mật với lãnh đạo TQ như Chu Ân Lai, Trần Nghị, Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang.

Bác Hồ đi thăm Trung Quốc lúc sinh thời. Ảnh: photobucket.com

Năm 1990, tôi là đại biểu duy nhất của TQ tham dự Hội thảo khoa học quốc tế tại Hà Nội nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ. Thật bất ngờ, sau khi tôi trình bày bài phát biểu tại hội nghị ở hội trường Ba Đình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên hàng ghế chủ tịch đã đến ôm chặt tôi. Năm sau, trong thời gian diễn ra Hội thảo quốc tế về Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Calcutta (Ấn Độ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân gặp tôi tại khách sạn, và nói rằng “giữa VN và TQ từng xảy ra những sự kiện không vui. Nhưng sự việc đó giống như đám mây đen trên trời, gió thổi đi thì trời xanh lại hiện ra”.

Năm 1992, sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, đoàn đại biểu Viện KHXH VN do đồng chí Nguyễn Duy Quý dẫn đầu sang thăm TQ. Cục trưởng Cục Ngoại sự, Viện KHXH TQ và tôi đến km số 0 tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan đón đoàn VN. Từ đó, lãnh đạo hai viện thường xuyên thăm viếng lẫn nhau, học giả hai nước tổ chức giao lưu học thuật trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khoa học và có những đóng góp không thể thay thế cho sự phát triển mối quan hệ hữu nghị Trung-Việt.

Tư tưởng Hồ Chí Minh sáng mãi

Biến là vĩnh hằng, cái bất biến duy nhất của thế giới là biến. Nhưng trong tâm khảm của nhân dân thế giới, hình tượng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người, di sản mà Người để lại cho nhân loại là điều không bao giờ thay đổi, rất đáng để kế thừa và phát huy mãi mãi. Theo tôi, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên tập trung vào một số nội dung dưới đây:

Thứ nhất, học tập tinh thần phấn đấu không ngừng của Người cho sự nghiệp chính nghĩa. Suốt đời, Người đã đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vì mục tiêu này, Người đi khắp bốn phương để tìm chân lý, tìm con đường cứu nước. Vì mục tiêu này, Người không quản bất kỳ khó khăn nào, dũng cảm tiến lên, biểu hiện khí tiết anh hùng cách mạng cao độ.

Thứ hai, học tập phẩm chất cao quý yêu mến nhân dân của Người. Bác Hồ có tình cảm vô cùng nồng hậu đối với nhân dân VN và với nhân dân lao động thế giới. Người luôn luôn quan tâm đến lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo, hiến dâng cả cuộc đời mình cho nhân dân. Người cư xử khiêm tốn, gần gũi, giữ mối liên hệ thân mật với quần chúng. Uy tín to lớn của Người cũng bắt nguồn từ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân.

Thứ ba, học tập tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính” và “chí công vô tư” của Người. Suốt đời Người luôn luôn giữ gìn đạo đức cao đẹp “cần, kiệm, liêm, chính” và “chí công vô tư”, dùng tám chữ đó để giáo dục cán bộ và nhân dân.

Thứ tư, học tập tác phong sinh hoạt giản dị và đức tính cần cù của Người. Trong suốt cuộc đời, Người làm việc cần cù, học tập không mệt mỏi. Chiếc máy chữ nhỏ chính là “trợ thủ” đắc lực của Người. Những việc có thể tự làm được, Người không để người khác giúp. Vì thế, số nhân viên công tác bên Người có thể đếm trên đầu ngón tay.

Năm 2010, Đảng Cộng sản VN kỷ niệm 80 năm ngày thành lập. Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản VN luôn coi độc lập dân tộc và CNXH là mục tiêu và lý tưởng phấn đấu. Điểm nổi bật nhất trong Tư tưởng Hồ Chí Minhchính là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Tôi tin rằng, nhân dân VN nhất định tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa Chủ nghĩa Mác- Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn xây dựng CNXH để vững bước tiến lên trên con đường mà Đảng, nhân dân VN đã lựa chọn.

GS Cốc Nguyên Dương sinh năm 1935 tại TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (TQ). Ông từng kinh qua nhiều chức vụ ở Bộ Ngoại giao, Viện KHXH TQ… Từ tháng 12/1993-10/1998, ông là Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới. Từ năm 2005-2008, ông giữ chức Trưởng phòng nghiên cứu phát triển Á-Phi thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện TQ.

GS Cốc Nguyên Dương (Trung Quốc)

baodatviet.vn

Advertisement