Thêm bầu bạn, bớt kẻ thù là để đoàn kết hơn

Hoạt động chính trị là sự tham gia của các chủ thể vào các công việc của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia vào hoạt động chính trị là để đạt tới mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân và sự tiến bộ cho toàn thể nhân loại. Để thực hiện mục tiêu cao cả này, Người yêu cầu mỗi tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động chính trị phải luôn đoàn kết và biết tập hợp mọi lực lượng về phe cách mạng gắn với cuộc đấu tranh kiên quyết chống lại kẻ thù là các thế lực chống đối ngăn cản con đường thực hiện mục tiêu đó. Điều này cũng có nghĩa là phải thực hiện thêm bạn, bớt thù.

Theo Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp cách mạng cũng như trong đời sống có nhiều loại kẻ thù khác nhau cần phải được nhận diện, phân định rõ để có các biện pháp loại trừ. Xét về hành vi biểu hiện và sự nguy hiểm nói chung, Người xác định rõ đã là kẻ thù thì chúng đều là những loại “giặc”. Đó là các loại “giặc ngoại xâm”, “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc lụt”,… Xét về giới hạn, phạm vi hoạt động, Người phân biệt thành “kẻ thù trên thế giới, trong nước và trong mình”, “kẻ thù bên trong”, “kẻ thù bên ngoài”. Xét về vị trí, mức độ tác hại chống đối của kẻ thù để từ đó tìm ra các biện pháp loại trừ, Người phân ra các loại “kẻ thù trước mắt”, “kẻ thù lâu dài”, “kẻ thù chính”, “kẻ thù số một”, “kẻ thù nguy hiểm”… Nếu trong cách mạng giải phóng dân tộc, kẻ thù chính là chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc thì trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, kẻ thù chính lại không phải là những “tên đế quốc” như trước nữa mà đó là “chủ nghĩa cá nhân”. Nó còn được coi là “kẻ thù bên trong”, kẻ thù “ở trong lòng” ẩn nấp kín đáo không dễ gì phát hiện và nhận thấy để loại trừ. Chủ nghĩa cá nhân chính là căn nguyên đẻ ra các “chứng bệnh” hay các “kẻ địch” nằm ngay bên trong mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. Tính nguy hiểm và sự tác hại của các “chứng bệnh” này đã được Hồ Chí Minh xác định rõ: “Mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”(1).

Cùng với việc xác định kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những “bầu bạn” trong quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là những lực lượng, phong trào, là một quốc gia, dân tộc và cá nhân những người yêu nước, tiến bộ, yêu chuộng hoà bình với phẩm chất đạo đức trong sáng. Theo Người, muốn làm cách mạng thắng lợi thì không những phải biết phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, mà điều quan trọng hơn, đó là “phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”(2). Điều này cũng có nghĩa là ở trong nước thì phải biết tập hợp, đoàn kết mọi giai cấp, lực lượng, thành phần xã hội; biết tranh thủ lôi kéo về phe cách mạng mọi đối tượng, lực lượng có thể tranh thủ, kể cả kẻ thù. Trong chính sách đối ngoại, phải biết thu phục, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân tiến bộ, biết cô lập, phân hoá chuyển hoá kẻ thù thành bầu bạn, làm sao để trên thế giới này ngày càng bớt đi kẻ thù bên ngoài, không còn “giặc ngoại xâm”, thực hiện quan hệ hợp tác, đoàn kết hữu nghị với các nước và nhân dân thế giới theo tinh thần:

“Quan sơn muôn dặm một nhà
Vì trong bốn biển đều là anh em”(3).

Để thực hiện chủ trương thêm bạn bớt thù, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đặc biệt khi ở cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành chỉ đạo nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện chính sách đại đoàn kết, hoà hợp dân tộc, tập hợp mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân, ngay cả đối với những người trước đó từng là kẻ thù nhưng sau đó tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập dân tộc, dân chủ. Việc thành lập và phát triển Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam để tập hợp đoàn kết mọi giai cấp, mọi lực lượng và toàn dân là một minh chứng rõ ràng và sinh động nhất về việc thêm bè bạn, bớt kẻ thù.

Ngày nay, những chủ trương biện pháp thêm bầu bạn, bớt kẻ thù của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng một cách sáng tạo vào công cuộc đổi mới đất nước. Trong chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện theo phương châm: “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(4). Tại Đại hội toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã khẳng định: “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế và khu vực”(5). Việc Việt Nam tích cực chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là sự kiện được bầu vào ghế uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mới đây với số phiếu ủng hộ rất cao (183/190) là một minh chứng của việc Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ trương đoàn kết, thêm bầu bạn, bớt kẻ thù của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chính sách đối ngoại.

Trong chính sách đối nội, vấn đề đầu tiên mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương thêm bầu bạn, bớt kẻ thù là “thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất, tập hợp mọi lực lượng phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh”(6). Mặt trận đã trở thành một nhân tố quan trọng trong việc thực hiện chủ trương đó. Qua hơn 20 năm đổi mới, Mặt trận ngày càng một lớn mạnh hơn. Đến nay, Mặt trận đã trở thành một tổ chức liên minh chính trị tập hợp của 44 tổ chức thành viên, với cơ cấu Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đủ 54 dân tộc, 6 tôn giáo lớn và nhiều cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân. Mặt trận đã thể hiện là một biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc với vai trò một tổ chức liên minh chính trị của tất cả các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, các tổ chức khác nhau trong xã hội vì một mục đích là thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Còn phải kể đến chủ trương thêm bầu bạn, bớt kẻ thù vào thời kỳ đổi mới là Đảng và Nhà nước ta đã quyết tâm thực hiện đẩy lùi “giặc đói”. Ngoài các Chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135) và các chương trình mục tiêu khác (chương trình việc làm, xuất khẩu lao động…) nhằm giảm đói nghèo của Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đã tiến hành thực hiện sâu rộng “phong trào xoá đói giảm nghèo” trong toàn quốc, coi đây là một mặt trận chống “giặc đói”, bớt kẻ thù đói nghèo theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với nhiều nỗ lực về phát triển kinh tế trong nông nghiệp, thực hiện sâu rộng phong trào xoá đói giảm nghèo bằng các chương trình nêu trên cùng các cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, các chương trình xây tặng “Nhà đại đoàn kết”, “Những tấm lòng từ thiện”, “Nối vòng tay lớn”, “Quỹ tình thương”, “Một thế giới – một trái tim”… của Mặt trận và các đoàn thể mà tỉ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm nhanh từ 17,5% năm 2001 xuống còn khoảng dưới 7% năm 2005, tỉ lệ nghèo đói (tính theo chuẩn quốc tế) đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 19% vào cuối năm 2006. Với thành tựu này, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là một trong những nước thành công nhất trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân.

Cùng với đẩy lùi giặc đói, vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện được một bước đáng kể trong việc đẩy lùi “giặc dốt”. Qua 20 năm với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và của toàn dân trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia chống nạn mù chữ – phổ cập giáo dục tiểu học và sau đó là phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đến nay trong cả nước tỉ lệ học sinh trong độ tuổi đi học ở bậc tiểu học đã đạt 97,5%, đến hết năm 2005 có 31 tỉnh đã đạt tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Thành tựu này tuy chưa khẳng định được “giặc dốt” đã bị đẩy lùi hẳn, nhưng điều đó đã chứng tỏ sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, bớt đi được rất nhiều loại “kẻ thù” đã tồn tại bao đời nay ở nước ta.

Một mặt trận được coi là khó khăn, quyết liệt nhất chống kẻ thù vào thời kỳ đổi mới, đó là chống loại “giặc ở trong lòng”, mà biểu hiện cụ thể của nó là chủ nghĩa cá nhân, là quan liêu, tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực, xấu xa khác. Ngay từ những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương thể hiện sự quyết tâm đẩy lùi loại kẻ thù nguy hiểm này. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương ba (khoá X) tháng 7-2006, Đảng đã ra Nghị quyết chuyên đề “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, trong đó Đảng chỉ đạo thành lập các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, đề ra các biện pháp cụ thể và phát động toàn dân trong cuộc chiến này. Cùng với Đảng, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp quy về phòng, chống tham nhũng, như: Ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng các đề án chống tham nhũng… Cùng với các biện pháp trên, hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang triển khai sâu rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cả nước. Đây chính là một biện pháp thiết thực và có ý nghĩa rất lớn nhằm thực hiện bớt đi kẻ thù “ở trong lòng” là chủ nghĩa cá nhân, loại kẻ thù nguy hiểm nhất, thực hiện lời chỉ dẫn của Người: “ta phải làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(7).

Để đẩy lùi được các loại kẻ thù nói trên, đòi hỏi Đảng và Nhà nước không chỉ có ý chí quyết tâm cao, mà còn phải thật kiên trì, tăng cường và thực hiện một cách đồng bộ có hiệu quả nhiều biện pháp hơn nữa, đặc biệt đối với cuộc chiến chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí thì cần phải khéo dùng lực lượng của quần chúng nhân dân, bởi như Người đã từng nói: “phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”(8).

_______________

1, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t.5, tr.220, 238-239.
2. Sđd, t.10, tr.605
3. Sđd, t.8, tr.362.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.112, 153.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb ST, H, 1991, tr.10.
7. Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.558.
8. Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr.495.

Theo TS. Nguyễn Hữu Đổng
Viện Chính trị học, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
(mattran.org.vn)
Huyền Trang (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement