Chúng ta đều biết từ XUÂN có nghĩa gốc (nghĩa đen) là mùa xuân. Nhưng từ nghĩa gốc đó, từ XUÂN còn được dùng với nghĩa rộng và nghĩa bóng. Hãy đọc thơ văn Bác Hồ để thấy Bác đã sáng tạo, biến hóa tài tình trong cách dùng từ XUÂN.
Trong thơ chúc Tết, từ XUÂN được Bác dùng để chỉ thời gian một năm:
Xuân này kháng chiến đã năm xuân
Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công
(Thơ chúc Tết Tân Mão – 1951)
Thơ cổ thường dùng thu, đông để chỉ một năm (Ba thu dọn lại một ngày dài ghê – Truyện Kiều). ở đây, Bác lại dùng XUÂN, 5 xuân tức là 5 năm. Thật là mới mẻ, sáng tạo và phù hợp với không khí một bài thơ xuân.
Bác còn dùng XUÂN để chỉ tuổi – tuổi của Nước và của Đảng:
Mừng Nhà nước ta mười lăm xuân xanh!
Đảng chúng ta ba mươi tuổi trẻ!
(Thơ mừng năm mới- Xuân năm 1960)
Từ XUÂN được kết hợp với xanh thành xuân xanh để chỉ tuổi trẻ. Câu trên “mười lăm xuân xanh”, câu dưới “ba mươi tuổi trẻ” làm cho ý thơ khoẻ khoắn, phơi phới niềm tin, cảm hứng thơ xuân in rõ dấu ấn thời đại.
Trong thơ nói về tuổi già, từ XUÂN được Bác dùng như một tính từ đối lập với già là trẻ:
Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
So với ông Bành vẫn thiếu niên
(Sáu mươi tuổi – năm 1950)
Người viết câu thơ ấy phải trẻ trung và yêu đời biết bao! “Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười- Quên tuổi già tươi mãi tuổi đôi mươi” (Tố Hữu). Ngay cả khi sắp từ giã cuộc sống thì sự trẻ trung và yêu đời ấy vẫn thấm trong Di chúc, trong một từ XUÂN kỳ diệu: “Khi người ta đã “ngoài 70 xuân…” ( “ngoài 70 tuổi” gợi ý già nhưng “ngoài 70 xuân” thì lại đầy sức trẻ).
Từ XUÂN còn được Bác dùng để nói lên niềm vui và sự chiến thắng. Trong bài thơ cuối cùng trước lúc Bác đi xa, niềm vui ấy vẫn bừng sáng lên một sắc xuân chiến thắng:
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn
Một năm là cả bốn mùa xuân
(Không đề – Khương Hữu Dụng dịch)
Trong nguyên văn: Một năm cả bốn mùa đều là xuân, có nghĩa là cả bốn mùa đều tràn đầy niềm vui và chiến thắng.
Những từ XUÂN nói trên Bác dùng thật tài tình, biến hoá. Nhưng sáng tạo nhất, hàm chứa nhiều ý nghĩa phong phú nhất, phải nói đến từ XUÂN trong câu thơ về Tết trồng cây Bác viết vào mùa xuân 1965:
Mùa Xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân.
XUÂN ở đây là tính từ, bao hàm nhiều nghĩa: Xanh tươi, trẻ, đẹp, trù phú, đầy sức sống, đầy sức phát triển… để nói lên đất nước trong mùa xuân vĩnh viễn mở ra một tương lai bát ngát bởi lòng người viết cũng tràn đầy sức XUÂN.
Xuân Nguyên