Đại Công báo”, một tờ báo Trung Quốc có hơn một trăm năm lịch sử, là một trong ba tờ báo Hoa văn có uy tín trên thế giới do Liên hợp quốc bình chọn, số ra ngày 6-4-2011 đã đăng bài “Vài mẩu chuyện về tình bạn giữa Hồ Chí Minh với Chu Ân Lai” của tác giả Lý Gia Trung, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam từ tháng 12-1995 đến tháng 7-2000. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tham khảo.
“Hai vị vĩ nhân xưng hô với nhau là anh em
Tháng 11-1956, Thủ tướng Chu Ân Lai sang thăm Việt Nam. Trong lời chào mừng các vị khách quý dự tiệc chiêu đãi cấp nhà nước, với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không đọc bài viết sẵn, mà nói vo một đoạn: “Với tôi, đồng chí Chu Ân Lai là người anh em của tôi. Chúng tôi đã từng cùng nhau đồng cam cộng khổ, cùng nhau làm công tác cách mạng. Anh ấy là người bạn chiến đấu thân mật của tôi trên ba mươi năm qua!”
Tiếp lời, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng nói: “Hồ Chủ tịch vừa nhắc đến cá nhân tôi trên ba mươi năm trước đã quen thân anh, đúng thế! Ba mươi tư năm trước, tại Pa-ri, tôi đã quen thân Hồ Chủ tịch. Anh là người dẫn đường của tôi. Khi ấy, anh đã là một người Mác-xít thành thục, mà tôi khi ấy mới vừa tham gia Đảng Cộng sản. Anh ấy là lão đại ca của tôi!”
Lúc ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đứng lên nói với mọi người có mặt: “Câu nói vừa rồi của đồng chí Chu Ân Lai, các đồng chí nghe biết là được rồi, không nên nói lại với những người khác. Mọi người đều biết, đồng chí Chu Ân Lai là nhà lãnh đạo của một Đảng lớn và một nước lớn dân số nhiều nhất trên thế giới!”.
Vì thế, báo chí Việt Nam không đưa tin viết bài kỹ câu chuyện này. Mãi cho đến ngày 14-5-1960, Nhân dân nhật báo Trung Quốc mới tiết lộ tình tiết này.
Từ năm 1965 về sau, tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh không được tốt. Thủ tướng Chu Ân Lai rất quan tâm đến bệnh tình của Người, trực tiếp lựa chọn những chuyên gia y tế có trình độ cao nhất Trung Quốc thành lập Tổ điều trị, đến Hà Nội chữa bệnh cho Hồ Chủ tịch.
Tháng 5-1969, bệnh tình của Hồ Chủ tịch tương đối ổn định, phía Việt Nam bèn đề nghị các chuyên gia của Tổ điều trị Trung Quốc về nước nghỉ ngơi củng cố một chút, một tháng sau thì trở lại. Trước khi lên đường, các chuyên gia hỏi Hồ Chủ tịch yêu cầu từ Bắc Kinh mang về những gì. Hồ Chủ tịch nói luôn: “Cái gì cũng không cần, chỉ mang về một con vịt quay Bắc Kinh là được rồi!”.
Sau khi về nước, trong khi nghe báo cáo tình hình, Thủ tướng Chu Ân Lai biết Hồ Chủ tịch thích ăn vịt quay, nói ngay: “Một con không được! Phải mang hai con, đồng thời phải là vịt to, sườn mỏng và tưới ma-gi thơm ngọt và đầy đủ gia vị”. Thủ tướng Chu Ân Lai còn suy nghĩ, nhắc nhở: Việt Nam đang mùa hè, Hồ Chủ tịch lại là người cao tuổi, cơ thể yếu, nên giải quyết đông lạnh bảo quản thực phẩm tươi ngon là vấn đề quan trọng hàng đầu.
Thủ tướng Chu Ân Lai gửi vịt quay tặng Hồ Chủ tịch
Vì chuyện này, Thủ tướng Chu Ân Lai mời đồng chí Lý Cường, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương đến bàn bạc, song đồng chí Lý Cường cũng không am hiểu những tri thức về mặt đông lạnh. Cuối cùng, thông qua Công ty Xuất nhập khẩu Lương thực thực phẩm, một đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại thương, tìm đến Nhà máy Rượu Bắc Kinh, ở đây sản xuất được một loại băng khô có thể làm lạnh, sau khi đưa vịt quay và các gia vị vào thùng lót xốp, chung quanh rắc băng khô lên, có thể khống chế nhiệt độ ở độ âm, bảo đảm chắc chắn vịt quay không thể biến chất. Đến khi ấy, Thủ tướng Chu Ân Lai mới yên tâm.
Hạ tuần tháng 6, chuyên gia trong Tổ điều trị trở lại Hà Nội.
Tháng 5-1960, Thủ tướng Chu Ân Lai thăm Việt Nam. Hồ Chủ tịch và Chu Thủ tướng
vui với các cháu thiếu nhi Việt Nam. Ảnh do Vũ Phong Tạo cung cấp.
Hồ Chủ tịch quyết định đem một con vịt quay tặng Tổ điều trị, còn một con nữa, Người yêu cầu cùng thưởng thức với Đại sứ Trung Quốc Vương Ấu Bình.
Ngày 30-6, Phủ Chủ tịch Việt Nam gọi điện thoại đến Đại sứ quán Trung Quốc, thông báo: Ngày mai là Kỷ niệm 48 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Chủ tịch quyết định mời cơm Đại sứ Vương Ấu Bình tại Phủ Chủ tịch, vào 12 giờ trưa.
Ngày hôm sau, tôi là phiên dịch tháp tùng Đại sứ Vương Ấu Bình đúng giờ đến Phủ Chủ tịch. Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Hồ Chủ tịch dẫn chúng tôi vào phòng ăn. Trước khi Hồ Chủ tịch đi vào phòng ăn, đồng chí Vũ Kỳ kể với chúng tôi câu chuyện: Sau khi nghe Tổ điều trị phản ánh, Thủ tướng Chu Ân Lai đã gửi vịt quay sang.
Sau 30 năm, năm 1999, tôi đã gặp đồng chí Vũ Kỳ, năm ấy đã 78 tuổi. Khi nhắc đến chuyện Thủ tướng Chu Ân Lai gửi vịt quay tặng Hồ Chủ tịch, đồng chí ấy vô cùng xúc động. Đồng chí nói với tôi: Đến nay đồng chí ấy vẫn giữ gìn cẩn thận chiếc lọ sứ đựng ma-gi ngọt hồi ấy, coi như một hiện vật văn hóa quý báu có ý nghĩa lịch sử.
Thủ tướng Chu Ân Lai trực tiếp đến Hà Nội viếng Hồ Chủ tịch
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, hưởng thọ 79 tuổi.
Sau khi nghe tin, Thủ tướng Chu Ân Lai vô cùng đau thương.
Ngoài việc gửi điện chia buồn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Trung Quốc cử Phó thủ tướng Lý Tiên Niệm dẫn đầu Đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ Trung Quốc sang dự Lễ tang Hồ Chủ tịch, tổ chức vào ngày 9 tháng 9.
Thủ tướng Chu Ân Lai còn quyết định trước đó vào ngày 4-9, ông và Diệp Kiếm Anh, Vi Quốc Thanh cùng đến Hà Nội, viếng Hồ Chủ tịch.
Các nhà lãnh đạo cao cấp: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp… trực tiếp ra tận sân bay đón tiếp. Thủ tướng Chu Ân Lai rơm rớm nước mắt, nói: “Tôi đến muộn rồi!”.
Trong khi hội đàm với những nhà lãnh đạo Việt Nam, Thủ tướng Chu Ân Lai đều nói rõ các thành viên của Đoàn đại biểu đều là những đồng chí quan hệ mật thiết với Hồ Chủ tịch. Bản thân đồng chí thay mặt cho Mao Chủ tịch đến. Trong thời kỳ chiến tranh kháng Nhật, Diệp Kiếm Anh đã từng cùng Hồ Chủ tịch công tác tại Văn phòng Bát Lộ Quân tại Trùng Khánh. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Vi Quốc Thanh làm Đoàn trưởng Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc sang Việt Nam công tác.
Thủ tướng Chu Ân Lai nói:
“Hồ Chủ tịch suốt đời phấn đấu, chẳng những lập công bất hủ vì nhân dân Việt Nam, mà còn có cống hiến rất lớn vì giai cấp vô sản quốc tế. Hồ Chủ tịch có quan hệ đặc biệt mật thiết đối với cách mạng Trung Quốc, với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đồng chí mấy lần đến Trung Quốc, tham gia cách mạng Trung Quốc, cùng chung hoạn nạn, kề vai sát cánh chiến đấu với nhân dân Trung Quốc, dày công vun đắp tình cảm sâu đậm với nhân dân Trung Quốc, với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phẩm chất cộng sản của Hồ Chủ tịch, sự quan tâm đến nhân dân lao động, ý chí cách mạng, tinh thần đấu tranh triệt để với kẻ thù, tác phong công tác gian khổ chất phác của Chủ tịch, trước sau như một, xứng đáng được mọi Đảng viên cộng sản học tập.”
Thủ tướng Chu Ân Lai nhiều lần nói: “Tôi đến muộn rồi, không thể gặp mặt lần cuối cùng với Hồ Chủ tịch!”.
Khi ấy, thi hài của Hồ Chủ tịch đã được giao cho chuyên gia Liên Xô để tiến hành xử lý y học, không cho người không có phận sự tiếp xúc, nên đáng lẽ Đoàn không thể đến với Người.
Nhưng, vì tình hữu nghị chiến đấu sâu đậm của Thủ tướng Chu Ân Lai với Hồ Chủ tịch, trước khi Đoàn đại biểu lên đường về nước, phía Việt Nam đã phá lệ, bố trí cho Thủ tướng Chu Ân Lai và các đại biểu trong Đoàn đến bái biệt Hồ Chủ tịch.
Theo http://www.qdnd.vn
Anh Tú (st)